Con trai 7 tuổi nôn ói khi ngủ dậy, mẹ tưởng thiếu canxi, BS chỉ ra sai lầm của nhiều bố mẹ vào buổi tối

DIỆU THUẦN - Ngày 06/02/2023 19:00 PM (GMT+7)

Theo các bác sĩ, trẻ ăn quá no trước khi đi ngủ 2 giờ sẽ làm lượng thức ăn chưa tiêu hóa hết, nên dễ dẫn đến căn bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Mới đây, chị Ngọc Lan (Ninh Bình) tham gia một hội nhóm có nhiều y bác sĩ là thành viên và chia sẻ tình trạng của con trai 7 tuổi đang gặp. Chị cho biết, con trai chị học lớp 2, cao 1,18m, nặng 29kg, khỏe mạnh và ít bị bệnh vặt.

Gần đây, bé có biểu hiện nôn nhiều vào buổi sáng lúc mới ngủ dậy và khi ngửi mùi các món ăn không thích. Ban đầu, chị Ngọc Lan nghĩ con trai bị thiếu canxi nên tự mua canxi về bổ sung cho con. Tuy nhiên, tỉnh trạng của bé không cải thiện.

Ăn quá no trước khi đi ngủ 2 giờ sẽ làm trẻ bị nôn ói, khó tiêu. (Ảnh minh họa)

Ăn quá no trước khi đi ngủ 2 giờ sẽ làm trẻ bị nôn ói, khó tiêu. (Ảnh minh họa)

Chị Ngọc Lan băn khoăn, không biết con trai mình đang bị bệnh gì và làm sao để khắc phục tình trạng nôn ói của bé. BS.CK 1 Trần Thị Hiếu, Khoa Dinh dưỡng Tiết Chế, Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức (TP.HCM) là người trực tiếp tư vấn từ xa cho chị Ngọc Lan.

Theo bác sĩ Hiếu, trẻ bị nôn ói thường do 3 nguyên nhân: viêm amidan, rối loạn tiêu hóa và trào ngược dạ dày thực quản. Ở trường hợp của con trai chị Ngọc Lan, sau khi nghe người mẹ kể về thói quen của bé, bác sĩ Hiếu nghĩ ngay đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ. Nguyên nhân của căn bệnh này thường do trẻ bị bệnh lý, hệ tiêu hóa còn yếu, trẻ ít uống nước, chế độ ăn gồm nhiều thực phẩm khó tiêu và có thói quen xấu khi ăn: vừa ăn vừa vận động, xem TV, điện thoại hay đọc sách…

Ở trường hợp của con trai chị Ngọc Lan, bé có thói quen vừa ăn no xong đã nằm, ăn nhiều thức ăn nhanh và ăn quá no trước khi đi ngủ. Theo bác sĩ Hiếu, đây là thói quen dễ gây trào ngược dạ dày, béo phì và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác ở trẻ. Điều này đã được cảnh báo rất nhiều nhưng nhiều trẻ và cha mẹ vẫn mắc phải.

Bác sĩ Hiếu đã tư vấn người mẹ cho con trai uống men vi sinh và khuyến cáo chị Ngọc Lan thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ.

Đừng cho con ăn quá no trước khi đi ngủ 

Lý giải lý do trẻ ăn no vào buổi tối thường gây nôn khi ngủ dậy, bác sĩ Hiếu phân tích, khi trẻ ăn quá no hoặc ăn các thức ăn khó tiêu gần giờ đi ngủ (trong vòng 2 giờ) sẽ khiến cho thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết. Khi trẻ ngủ, cơ thắt tâm vị sẽ mở ra, làm lượng thức ăn chưa tiêu hóa hết bị trào ngược lên, gây ra tình trạng nôn, ho khan hoặc khó tiêu khi ngủ dậy.

Bác sĩ khuyến cáo, buổi tối không nên cho trẻ ăn đồ chiên rán, thức ăn nhanh và uống nước có ga. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ khuyến cáo, buổi tối không nên cho trẻ ăn đồ chiên rán, thức ăn nhanh và uống nước có ga. (Ảnh minh họa)

Để trẻ phát triển khỏe mạnh, theo bác sĩ, cha mẹ nên cho con ăn, uống sữa trước khi đi ngủ khoảng 2 giờ. Ở bữa ăn tối, nên cho con ăn các thực phẩm dễ tiêu, hạn chế các món chiên rán, thức ăn nhanh và uống nước có ga. Các thực phẩm này không chỉ làm trẻ khó tiêu, dễ tăng cân dẫn đến béo phí mà còn tăng nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm khác.

Với những trẻ có thói quen uống sữa đêm, nếu bình thường bé uống một lần 180-200ml sữa thì khi đi ngủ chỉ nên uống một nửa và trước khoảng một tiếng trước khi đi ngủ. Với những bé ban đêm đang ngủ phải ngồi dậy ho, kèm ói thì nên kê gối cao ngang vai trẻ, để trẻ dễ chịu hơn.

Bác sĩ Hiếu nhấn mạnh, cha mẹ nên đưa con vào nguyên tắc kỷ luật bàn ăn hiệu quả. Sau khi trẻ ăn xong không nên đi nằm hoặc ngủ ngay. Ngoài ra, phụ huynh hãy giúp con tích cực vận động để trẻ tiết nhiều mồ hôi giải phóng năng lượng, tốt cho sức khỏe. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện nôn ói, ho khan khi ngủ hoặc khi ngủ dậy, nên đưa đi khám ở các cơ sở y tế uy tín để biết nguyên nhân nhằm điều trị kịp thời. 

* Tên người mẹ đã thay đổi

Con nhẹ cân, mẹ chọn loại sữa này cho uống để cải thiện, BS cảnh báo sai lầm và tiết lộ bí quyết chọn sữa chuẩn
Theo các bác sĩ, trẻ hơn 1 tuổi nếu dị ứng với sữa bò sữa mẹ thì nên cho uống sữa hạt. Với các bé bình thường, uống sữa hạt sẽ có nguy cơ thiếu chất...

Tư vấn sức khỏe trẻ em

DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe xương khớp