Làm việc, di chuyển ngoài trời trong thời điểm nắng nóng dễ ảnh hưởng đến thị lực, đặc biệt là khi tia UV ở ngưỡng cao nhưng đa số chúng ta lại quên bảo vệ đôi mắt.
Tia UV ảnh hưởng đến mắt trong mùa hè
Với thời tiết nắng nóng, kèm theo nhiệt độ lên cao trong suốt thời gian vừa qua, rất nhiều người dân than phiền về việc có hiện tượng cay mắt, nóng mắt, chảy nước mắt khi đi ngoài đường về. Thực tế, ở một số bệnh viện mắt tại Hà Nội trong thời gian vừa qua không gia tăng số người đến khám, nhưng tỷ lệ bệnh nhân gặp vấn đề liên quan đến nắng nóng chiếm khá nhiều.
PGS.TS.BS Phạm Ngọc Đông - Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, gần đây, số bệnh nhân đến khám mắt không biến động nhiều so với thời điểm trước nắng nóng. Tuy nhiên, số người gặp vấn đề về viêm kết mạc dị ứng, đau mắt đỏ, khô mắt... có xu hướng tăng.
Cùng tình trạng, tại các bệnh viện như BV Mắt Hà Nội, BV Mắt Hà Đông và khoa Mắt một số bệnh viện đa khoa khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Các chuyên gia đều nhận định, với thời tiết nắng nóng cao điểm như gần đây, nếu không có biện pháp bảo vệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị lực.
TS Hoàng Cương thăm khám cho một bệnh nhi gặp vấn đề về mắt. Ảnh: Lê Phương.
TS.BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, vào mùa hè, ngoài thời tiết nóng bức, tình tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi, phấn hoa… cũng trở nên nặng nề, gây hại cho mắt. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp không đi khám, tự ý sử dụng thuốc tra mắt để điều trị các triệu chứng về mắt hay chấn thương mắt, để lại hậu quả đáng tiếc.
Liên quan tới tình trạng nắng nóng, yếu tố gây hại cho mắt nhiều nhất là tia cực tím (UV). Tia UV từ ánh nắng có thể góp phần làm hư hại các tế bào trong mắt và dẫn đến các vấn đề lâu dài, đặc biết là sau khi tiếp xúc lâu hoặc trực tiế, nhất là với trẻ nhỏ với thị lực chưa phát triển hoàn thiện.
4 vấn đề thường gặp nhất ở mắt khi trời nắng nóng
Khi thời tiết nắng nóng, nếu không bảo vệ đôi mắt hoặc bảo vệ không đúng cách khi đi ra ngoài sẽ dễ gặp 4 tổn thương dưới đây:
Rất nhiều người khi đi ra ngoài trời nắng nóng dù bịt kín cơ thể nhưng lại không quan tâm đến đôi mắt.
- Viêm giác mạc: Trong ánh nắng có tia cực tím với cường độ quá mạnh làm cho mắt bị khô, đỏ, có cảm giác như bị phỏng, đau, có vật lạ trong mắt hay chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
- Tổn thương võng mạc: Các tia sáng mạnh có thể vào sâu hơn trong mắt, gây tổn thương cho võng mạc.
- Đục thủy tinh thể: Tia cực tím ở những nguồn sáng mạnh cũng có thể gây những phản ứng hóa học trong thủy tinh thể, làm đục thủy tinh thể và mắt mờ dần. Vì thế, những người sống ở vùng biển bị đục thủy tinh thể nhiều hơn. Ngoài ra, tiếp xúc với ánh nắng cường độ mạnh trong thời gian dài cũng làm tăng tốc độ lão hóa trên mắt.
- Thoái hóa hoàng điểm: Khi ra nắng nhiều, các tia độc hại sẽ gây ra tổn thương hệ thần kinh ở vùng hoàng điểm, có thể làm giảm thị lực. Thống kê cho thấy, ở những nước Âu Mỹ, tỷ lệ này khoảng 20-30% ở những người trên 60 tuổi.
Sai lầm thường gặp và cách khắc phục
TS Hoàng Cương cũng chỉ ra, không chỉ trong mùa hè, một sai lầm nhiều người mắc gây hại cho mắt là hay đưa tay lên dụi mắt khi thấy ngứa do tiếp xúc với côn trùng hoặc bụi, dị vật. Việc chà xát liên tục và quá mạnh có thể dẫn đến biến chứng viêm, ảnh hưởng đến thị lực.
Tránh ở ngoài trời khi nắng nóng đỉnh điểm, nếu bắt buộc phải ra ngoài, nên đeo kính chắn tia UV. (Ảnh minh họa)
Do vậy, TS Cương khuyến cáo, mọi người nên có thói quen vệ sinh tay, mắt bằng nước sạch, cần ý thức rõ rằng làm sạch mắt là điều cần thiết, quan trọng để phòng bệnh.
Khi bị bụi hoặc nước bẩn bắn vào mắt, bạn có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day dụi mắt. Hàng ngày, nên làm sạch mắt bằng cách nhỏ nước muối sinh lý 6-8 tiếng một lần hoặc tối thiểu ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Biện pháp này cũng rất hiệu quả trong việc phòng tránh bệnh khô mắt.
Riêng trong mùa hè nắng nóng, càng cần vệ sinh mắt đúng cách, đồng thời đeo kính râm để bảo vệ khi ra ngoài trời.
Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, đặc biệt từ 11 giờ đến 16 giờ - là khoảng thời gian có nhiều tia tử ngoại nhất. Những người phải làm việc ngoài trời thì nên sắp xếp công việc hợp lý, tốt nhất vẫn nên tránh khoảng thời gian 11-16h.
Khi nằm nghỉ nên ở nơi có bóng mát. Nếu không có kính bảo vệ thì tránh nhìn vào nơi ánh sáng chói như đèn hàn xì, mặt trời những ngày nhật thực. Đồng thời cần cung cấp dinh dưỡng cho mắt bằng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học. Trường hợp mắt xuất hiện tình trạng đỏ, đau, rát hoăc chảy nước mắt nhiều... cần đi khám chuyên khoa để được được chẩn đoán và tư vấn cách điều trị phù hợp.