3 vấn đề dễ gặp phải nếu dùng quá nhiều nội tạng là cơ thể dư thừa chất dẫn đến rối loạn chuyển hóa, mỡ máu; nguy cơ mất an toàn thực phẩm và cuối cùng là dễ nhiễm ký sinh trùng.
Món khoái khẩu thèm mấy cũng không nên dùng “xả láng”
Từ ngày 21/9, Hà Nội bắt đầu thực hiện biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, trước đó địa phương này cũng đã nới lỏng một số hoạt động kinh hoanh, trong đó có việc mở bán hàng ăn nhưng chỉ được phép bán mang về.
Trong 1 tuần thực hiện việc bán hàng ăn mang về, rất nhiều người đã lựa chọn cho mình những thực phẩm ưa thích, một trong số đó là món lòng lợn (nội tạng lợn).
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc ăn nội tạng động vật có thể gây ra những hệ lụy đối với sức khỏe, điển hình là vấn đề mỡ máu, rối loạn chuyển hóa, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vì có thể nội tạng đông lạnh để lâu giờ mới có cơ hội bày bán.
Các chuyên gia về dinh dưỡng, công nghệ thực phẩm cho rằng, lo lắng của người dân là có cơ sở, tuy nhiên mọi người cũng cần bình tĩnh, không quá hoang mang bởi nếu biết cách lựa chọn, ăn uống điều độ thì sẽ tránh được các tác hại với sức khỏe.
Lòng lợn là món ăn khoái khẩu được rất nhiều người ưa chuộng.
Ths.BS Doãn Tường Vi - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho biết, nói đến nội tạng động vật, không ít người nghĩ ngay tới các vấn đề như mỡ máu, rối loạn chuyển hóa vì nó chứa nhiều chất đạm, chất béo không no, cholesterol cao.
Tuy nhiên, với bất cứ loại thực phẩm nào và phủ tạng động vật cũng vậy, cần nhìn một cách khách quan cả mặt lợi và mặt hại. Xét về mặt dinh dưỡng, phủ tạng động vật có giá trị dinh dưỡng ngang thịt, như gan, thận, tim, dạ dày... có hàm lượng calo tương tự như thịt nạc (từ 100 đến 150 calo mỗi 100 gram). Trong phủ tạng cũng có nhiều muối vô cơ, vitamin. Riêng gan là tạng chứa nhiều sắt và vi chất có lợi cho cơ thể.
Tuy nhiên, đa số người Việt lại ăn quá nhiều, liên tục các món này theo kiểu cho “sướng mồm”, khiến các chất nhất là cholesterol tích tụ nhiều, lâu dần gây hại cho cơ thể. “Nội tạng chứa nhiều chất béo không no và cholesterol cao cho nên người có thể trạng thừa cân, lipit máu, gút, tim mạch không nên sử dụng", BS Tường Vi khuyến cáo.
Mọi người cần từ bỏ suy nghĩ ăn gì bổ nấy, đặc biệt là não lợn chứa nhiều cholesterol.
Ngoài ra, một số người có thói quen ăn gì bổ nấy, ví dụ như ăn não bổ não, giúp trẻ thông minh, ăn tiết canh mát, lấy may… BS Tường Vi cho rằng đây là một sai lầm vì não vật nuôi chứa rất nhiều cholesterol, còn tiết canh có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. “Nên hạn chế ăn các món chế biến từ phủ tạng, người bình thường cũng chỉ ăn 1 lần/tuần, những người mắc các bệnh lý như đã nói trên nên kiêng hẳn”, BS Vi nói.
Đặc biệt chú ý trong khâu lựa chọn và đồ ăn kèm
An toàn thực phẩm cũng là vấn đề đáng báo động khi nhắc tới các loại nội tạng động vật được bày bán. Thực tế, lực lượng chức năng đã phát hiện không ít vụ tiêu thụ nội tạng thối, không rõ nguồn gốc.
BS Tường Vi khuyến cáo, nếu muốn ăn nội tạng, tốt nhất bạn nên mua đồ tươi ở nơi biết rõ nguồn gốc rồi tự chế biến các món tùy thích, hạn chế mua đồ bán sẵn hay ăn ngoài quán không tin tưởng.
PGS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cũng cho rằng, tốt nhất người dân nên tự đi mua lòng sống từ các cơ sở giết mổ đảm bảo về chế biến. Khi mua phải lựa chọn nội tạng từ các con vật khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch, không nên mua loại đông lạnh hay không biết nguồn gốc.
Khi chọn lòng cần phải quan sát kỹ, tốt nhất nên mua về rồi tự chế biến.
“Để chọn được lòng ngon thì chỉ có nhìn bằng cảm quan, đó là ống ruột căng tròn, có màu trắng hồng, không có mùi lạ, còn sự đàn hồi. Không mua lòng nhìn quá trắng vì có thể đã được tẩy rửa hay các loại lòng đã dập nát”, PGS Thịnh cho hay.
Ngoài những vấn đề trên, việc ăn lòng kèm các loại rau sống cũng rất đáng cảnh báo. GS Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội) cho biết, các loại rau sống hay ăn cùng lòng như hành, rau húng, rau mùi, rau ngổ… có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao nếu không được chọn, rửa cẩn thận.
Ngoài lòng lợn, các loại rau sống ăn cùng cũng có nguy cơ nhiễm giun sán rất cao.
“Các loại rau như húng bạc hà, rau mùi, mùi tàu sống ở tầng thấp rất dễ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, rau ngổ sống thủy sinh dễ nhiễm ấu trùng sán lá gan… Ngoài ra, chính món lòng lợn cũng rất hay nhiễm giun sán, vì thế người dân khi ăn cần phải đặc biệt lưu ý”, GS Đề khuyến cáo.
Theo GS Đề, với nội tạng cần làm sạch và nấu chín, không ăn tái sống. Với các loại rau ăn sống, cần lựa chọn rau từ vùng trồng an toàn, phải rửa nhiều lần dưới vòi nước sạch, ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút trước khi sử dụng. “Tốt nhất, các loại rau sống cũng không nên hoặc hạn chế sử dụng đến mức tối đa vì bằng mắt thường chúng ta không thể phát hiện ra ấu trùng, các loại giun sán ẩn nấp trong đó được”, GS Đề khuyên.