Ho nhiều khi mắc COVID-19 có phải do virus tấn công phổi? Dấu hiệu cần đến viện ngay

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 16/03/2022 14:20 PM (GMT+7)

Không ít người có triệu chứng ho nặng khi mắc COVID-19 lo lắng rằng mình bị virus “chạy” xuống phổi nên vội vàng mua kháng sinh sử dụng. Liệu điều này có đúng?

Không phải cứ ho là virus tấn công xuống phổi, nhưng cũng không nên chủ quan

Dù mới được thành lập nhưng phòng khám dành riêng cho các F0 (vẫn đang dương tính) tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã đón nhận khá nhiều bệnh nhân với nhiều triệu chứng khác nhau đến khám như: hụt hơi, ho nhiều, khó thở...

Chị Minh Nguyệt (37 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện mắc COVID-19 ngày 13/3 và bị ho rất nhiều, ngoài ra chị không có triệu chứng nào khác kèm theo.

Chị Nguyệt cho biết, trước khi đến viện khám, chị đã dùng nhiều loại siro thảo dược, rồi cả ngậm gừng nướng, mật ong… nhưng triệu chứng ho vẫn không đỡ. Sau khi tìm hiểu, người phụ nữ này lo lắng virus lan xuống phổi nên ra hiệu thuốc mua kháng sinh về sử dụng.

“Tôi mua kháng sinh về rồi nhưng sợ chưa dám uống, nay mới đến bệnh viện khám để xem bác sĩ có chỉ định dùng không. Tôi lo nhất là virus tấn công vào phổi nên mới ho nhiều như vậy”, chị Nguyệt chia sẻ.

Bác sĩ Hường cho biết, không phải cứ mắc COVID-19 bị ho là tổn thương phổi.

Bác sĩ Hường cho biết, không phải cứ mắc COVID-19 bị ho là tổn thương phổi.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hiện nay, với các trường hợp F0 điều trị tại nhà, các bác sĩ vẫn khuyến cáo có triệu chứng nào thì điều trị triệu chứng đó, đồng thời không nên quá hoang mang, lo lắng. Không tự ý dùng kháng sinh, thuốc chống đông, corticoid… khi không có hướng dẫn, chỉ định.

Đối với thông tin nhiều F0 ho nhiều và lo ngại ảnh hưởng đến phổi, bác sĩ Hường cho rằng: Đây là thông tin chưa đúng. Không phải cứ ho là ảnh hưởng đến phổi. Không phải ho là virus đã tấn công vào phổi”.

Theo bác sĩ Hường, ho khi mắc COVID-19 có rất nhiều nguyên nhân, như trào ngược dạ dày, viêm họng… Cũng có trường hợp bệnh nhân bị tổn thương tại tim, phổi như ứ huyết ở tim, kích thích phổi cũng gây ho. Do vậy, mọi người cần chú ý những dấu hiệu khi ho để xác định khi nào cần đi khám.

“Bệnh nhân ho hung hắng vài tiếng hay ho nhiều nhưng không ảnh hưởng quá mức đến sinh hoạt, không kèm triệu chứng khác thì chưa cần đi khám, có thể tự theo dõi tại nhà.

Trường hợp F0 ho rũ rượi, ho làm khó chịu thức giấc giữa đêm, ho kèm khó thở thì bắt buộc phải đến cơ sở để được thăm khám”, bác sĩ Hường nhấn mạnh.

Có trường hợp tổn thương phổi nhưng kháng sinh cũng vô tác dụng

Đối với việc có nên dùng kháng sinh khi ho hay không, bác sĩ Thu Hường cho rằng, việc lạm dụng kháng sinh khi ho là sai lầm. Vì ngay cả trường hợp có tổn thương phổi, cụ thể là xơ phổi gây kích thích ho, hoặc ho do trào ngược dạ dày thì việc dùng kháng sinh là không có hiệu quả.

“Bệnh nhân COVID-19 chỉ dùng kháng sinh khi có nhiễm trùng và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu F0 ho nhiều, bất kỳ triệu chứng gì cũng cần gặp bác sĩ, thăm khám và chỉ định, không nên tự ý mua kháng sinh. Thuốc  kháng sinh là con dao hai lưỡi, nếu không nhiễm trùng dùng không mang lại hiệu quả thậm chí gây dị ứng, tổn thương men gan, chức năng thận”, bác sĩ Hường khuyến cáo.

Việc sử dụng kháng sinh không chỉ không có tác dụng với virus mà còn gây hại cho cơ thể. Ảnh minh họa.

Việc sử dụng kháng sinh không chỉ không có tác dụng với virus mà còn gây hại cho cơ thể. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết, COVID-19 là bệnh do virus nên kháng sinh sẽ không có tác dụng để diệt virus. Do vậy, việc tùy tiện sử dụng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ rất nguy hiểm. 

Vị bác sĩ này cũng cảnh báo, tình trạng một số bệnh nhân bị ho không biết nguyên nhân là gì nhưng vẫn dùng kháng sinh theo đơn của người khác chia sẻ. “Việc lạm dụng kháng sinh về cơ bản không gây chết người như kháng viêm corticoid, nhưng sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do bị virus tấn công", BS Hoàng cho biết.

Theo bác sĩ Thu Hường, COVID-19 là bệnh diễn biến có thể tự khỏi sau 5-7 ngày mà không cần dùng thuốc. Do vậy, khi mắc COVID-19 người bệnh chỉ cần dùng thuốc theo triệu chứng. 

Trong đó, cần phải chuẩn bị nhóm thuốc điều trị cảm cúm thông thường với các loại thuốc như: Paracetamol là thuốc hạ sốt giảm đau điều trị triệu chứng; Nhóm thuốc histamin giúp giảm các triệu chứng chảy nước mũi và các triệu chứng của cúm. Các loại thuốc còn lại ngoài nhóm thuốc kể trên cần phải uống theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Bố mẹ đợi cả nhà khỏi COVID-19 mới đưa con đi khám, bé sơ sinh tới viện thì tử vong
Bị mắc bệnh tim bẩm sinh, xong gia đình lại mắc COVID-19 nên đợi khỏi bệnh mới đưa trẻ đi khám, tuy nhiên khi đưa đến viện thì cháu bé đã quá nặng và...

Dịch COVID-19

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19