Loại cây ai cũng chỉ nghĩ ép lấy nước uống, hóa ra đem hấp chín vừa ngon, bổ lại dưỡng ẩm cực tốt cho phụ nữ

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 13/03/2024 18:27 PM (GMT+7)

Nếu như nước mía đá khi sử dụng giúp giải nhiệt tốt thì cách làm dưới đây cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khi vừa giữ được dinh dưỡng, vừa phòng bệnh.

Mía ngoài là nguyên liệu để tạo ra đường thì cách sử dụng phổ biến nhất là ép lấy nước, uống cùng với đá giúp giải nhiệt, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, ít ai biết mía hấp cũng có rất nhiều tác dụng với sức khỏe, đặc biệt cách làm này giúp giữ lại nhiều vitamin và khoáng chất.

BSCK II Huỳnh Tấn Vũ (BV Đại học Y dược TP HCM) cho biết, mía có tính hàn nên không thích hợp với người có tỳ vị hư hàn, hay bị lạnh bụng vì nó dễ gây đau bụng, tiêu chảy. Tuy nhiên, khi mía được hấp chín thì tính hàn cũng được loại bỏ, trở thành món ăn có tính nhiệt, ai cũng có thể sử dụng được.

Ngoài ra, khi hấp chín mía, lượng đường trong mía sẽ cô đặc lại, vị càng ngọt hơn. Đặc biệt, khi hấp lượng chất xơ trong mía cũng đã được làm mềm, vì thế người có tổn thương răng miệng, người già và trẻ nhỏ đều có thể sử dụng. “Mía hấp có tác dụng dưỡng ẩm rất tốt. Khi hấp ngoài chất xơ thì các vitamin và khoáng chất khác cũng sẽ được giữ lại, vì thế có nhiều tác dụng với sức khỏe. Cụ thể, dùng mía hấp sẽ hạn chế bị sốt, cảm cúm và tăng sức đề kháng cho cơ thể, nhất là với bà bầu”, bác sĩ Tấn Vũ chia sẻ.

Mía hấp không chỉ mang lại giá trị cho sức khỏe mà còn là món ăn vặt được nhiều người yêu thích. Ảnh minh họa.

Mía hấp không chỉ mang lại giá trị cho sức khỏe mà còn là món ăn vặt được nhiều người yêu thích. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ hướng dẫn cách làm mía hấp như sau:

- Bước 1: Lấy 2/3 phần gốc, bỏ bớt phần ngọn. Cây mía phải thật trơn mịn, bóng láng, không có chỉ đỏ hay sần sùi vì như thế là mía bị ngậm nước, ruột mía cứng và hay lên men chua. Trước tiên, rửa sạch đất, phấn mía bên ngoài và các loại côn trùng, nấm ký sinh. Sau đó, chặt khúc rồi rửa sạch lần nữa.

- Bước 2: Lá dứa bỏ gốc rửa sạch xếp vào nồi đổ xấp xấp nước. Mía được chặt khúc ngắn rồi bỏ vào nồi hấp cách thủy với lá dứa đã rửa sạch.

- Bước 3: Đem mía ra bào vỏ. Dùng dao cắt mía thành những khúc nhỏ.

Mía hấp chín ngon thì lóng mía phải mềm xốp, màu vàng ngà, hơi ráo nước, vị ngọt thanh. Hương thơm của lá dứa quyện cùng vị ngọt thanh thanh của mía tạo thành một hương vị thơm ngon hơn khi thưởng thức. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cũng khuyến cáo, dù mía hấp ngon, có nhiều tác dụng nhưng chứa lượng đường khá lớn. Vì thế, những người có vấn đề về đường huyết trong máu không nên sử dụng.

Mía tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn nhiều dưới mọi hình thức. Ảnh minh họa.

Mía tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn nhiều dưới mọi hình thức. Ảnh minh họa. 

TS.BS Từ Ngữ (Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cũng cho biết, về khía cạnh an toàn thực phẩm, mía khá sạch, dường như không có chất bảo quản. Đối với cách sử dụng, ông Ngữ khuyên mọi người nên ăn trực tiếp mía hơn là uống nước mía, trong đó hấp cũng là một cách rất tốt khi sử dụng. Bởi mía hấp sẽ mềm, dễ ăn và có hương vị khác biệt so với việc ăn trực tiếp mía tươi.

TS Từ Ngữ cũng khuyến cáo, dù ăn mía bằng cách nào cũng không nên ăn trước bữa cơm, vì mía chứa nhiều đường làm cho cơ thể có cảm giác no, vì thế bữa ăn sau đó không còn được ngon miệng. Người bị tiểu đường cũng không nên ăn mía vì dễ tăng đường huyết. Người có sức khỏe bình thường cũng chỉ nên ăn mía để thưởng thức, giúp sạch răng, sạch khoang miêng, kích thích tuyến nước bọt chứ không nên ăn nhiều. Việc ăn nhiều mía ngoài vấn đề tăng đường huyết nhanh chóng, còn có thể gây tăng cân.

Uống nước mía hằng ngày có hại không? Nước mía và nước dừa loại nào tốt cho sức khỏe hơn?
Chẳng gì tuyệt hơn một cốc nước mía mát lạnh giữa ngày hè nóng bức. Nhưng, liệu bạn có bao giờ tự hỏi nước mía mang lại những lợi ích gì?

Sống khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm