Chẳng gì tuyệt hơn một cốc nước mía mát lạnh giữa ngày hè nóng bức. Nhưng, liệu bạn có bao giờ tự hỏi nước mía mang lại những lợi ích gì?
Mía, một loài cây có tới 36 loại khác nhau, không chứa chất béo và là một thức uống tự nhiên 100%.
Một cốc nước mía, khoảng 240ml (không thêm gì khác) chứa 250 calo, với 30 mg đường tự nhiên. Nó không có bao nhiêu chất béo, cholesterol, chất xơ và protein nhưng lại chứa natri, kali, canxi, magie và sắt.
Bạn có thể cho rằng thức uống nhiều đường này chỉ giúp mình giải khát trong mùa hè. Thực tế, nó có vô số lợi ích sức khỏe và dưới đây là một vài điều đáng chú ý:
Thông tin dinh dưỡng về nước mía
Một khẩu phần nước mía (khoảng 28,35g) chứa:
Calo: 113,43
Protein: 0.20 g
Chất béo: 0.66 g
Carbohydrates: 25,40 g
Nước mía là thức uống hữu ích trong mùa hè. (Ảnh minh họa)
10 lợi ích của nước mía
Nước mía cung cấp năng lượng tức thời cho bạn
Nước mía được bán nhiều ở các hàng quán dọc đường vào mùa hè là có lý do. Bởi đó là cách tốt nhất để cung cấp năng lượng và giúp chúng ta giải khát, không bị mất nước. Đường đơn trong nước mía nhanh chóng được cơ thể hấp thụ và sử dụng để bổ sung cho mức hao hụt.
Nước mía tăng cường chức năng gan
Nước mía cũng được cho là phương thuốc hữu hiệu cho các bệnh liên quan tới gan, chẳng hạn như bệnh vàng da. Các nghiên cứu cho thấy nước mía có tính kiềm tự nhiên, giúp duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể.
Giúp chống lại ung thư
Có hàm lượng cao canxi, magie, kali, sắt và mangan, nước mía giúp cơ thể tăng cường khả năng chống lại với bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến.
Nước mía kết hợp cùng chanh, quất tăng cả hương vị lẫn độ bổ dưỡng. (Ảnh minh họa)
Làm dịu các vấn đề tiêu hóa
Trong số các lợi ích của nước mía có một khả năng nổi bật là làm giảm khó tiêu. Kali trong nước mía giúp cân bằng mức pH trong dạ dày, điều chỉnh việc tiết dịch vị và giúp hệ tiêu hóa của bạn làm việc hiệu quả. Nó cũng giúp ngăn ngừa viêm dạ dày.
Nước mía tốt cho người tiểu đường
Mặc dù có lượng đường cao, nước mía lại không gây hại cho người tiểu đường nếu sử dụng phù hợp. Dùng một cách vừa phải, nước mía còn có lợi, vì đường tự nhiên trong món đồ uống này có chỉ số đường huyết thấp, ngăn ngừa tình trạng đường glucose trong máu tăng vọt thường xuyên.
Nước mía giúp duy trì sức khỏe của thận
Là một thực phẩm ít cholesterol và natri, không có chất béo bão hòa, nước mía giúp thận thực hiện tốt các chức năng của mình.
Làm giảm cơn đau liên quan tới bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng đường tiểu
Nếu uống ở dạng pha loãng với nước chanh và nước dừa, nước mía có thể giúp giảm viêm cơ thể do các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận và viêm tuyến tiền liệt.
Hỗ trợ sự phát triển của xương và răng
Trước đây, nhai mía từng là trò tiêu khiển thường xuyên của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Ngoài sự vui thích với một món cứng khó nhằn nhưng mang lại vị ngọt ngào, lợi ích giàu canxi của nước mía còn đảm bảo sự phát triển thích hợp của hệ xương và răng.
Nước mía ngăn ngừa hôi miệng và giảm sâu răng
Bạn gặp phải tình trạng hôi miệng có liên quan đến sâu răng? Nước mía có thể là bài thuốc tiết kiệm. Mía rất giàu khoáng chất, bao gồm canxi và phốt pho, đồng thời cũng giúp xây dựng men răng và làm chắc răng, ngăn ngừa sâu răng. Nó cũng khắc phục tình trạng hôi miệng do thiếu hụt các chất dinh dưỡng này.
Nước mía có thể giúp chữa mụn
Sử dụng tại chỗ nước mía có khả năng giúp giảm và chữa các vấn đề về da như mụn trứng cá. Vì nước mía có chứa axit alpha-hydroxy (AHA) như axit glycolic, nó làm tăng tốc độ tái tạo của tế bào. Chúng cũng tẩy tế bào chết trên da, loại bỏ khả năng hình thành mụn trứng cá.
Sử dụng lượng vừa phải, nước mía có nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Lưu ý: Đường có trong nước mía là tự nhiên, nhưng hãy nhớ rằng bản chất nó vẫn là đường. Vì vậy, chỉ nên dùng nước mía ở mức vừa phải và tư vấn ý kiến bác sĩ trước nếu bạn đang có vấn đề sức khỏe.
Một số câu hỏi thường gặp về việc dùng nước mía
Uống nước mía hàng ngày có tốt không?
Uống nước mía hàng ngày mang lại một số lợi ích cho sức khỏe như đã nói ở trên. Tuy nhiên, như bất cứ thực phẩm nào khác, nước mía cũng chỉ nên sử dụng lượng vừa phải.
Điều gì xảy ra với cơ thể khi chúng ta uống nước mía?
Mía có hàm lượng đường sucrose cao nhất. Vì vậy, nguồn cung cấp sucrose tự nhiên này trong mía mang tới cho cơ thể bạn mức năng lượng vừa đủ và bình thường hóa quá trình giải phóng glucose trong cơ thể để lấy lại lượng đường đã mất. Nó cũng chống lại sự mệt mỏi bằng cách cung cấp nước.
Uống nước mía vào thời điểm nào là tốt nhất?
Thời điểm thích hợp nhất để uống một ly nước mía là ngay sau khi ở ngoài nắng quá lâu vì nó giúp cung cấp năng lượng tức thì với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Bạn cũng có thể uống nước mía sau các buổi tập vì lý do tương tự.
Loại nào tốt hơn, nước dừa hay nước mía?
A: Nước dừa có thể được dùng ở dạng tự nhiên nhất, không qua bất kỳ quá trình xử lý nào, vì vậy sẽ được ưa chuộng hơn. Nước mía vì vẫn cần chế biến (khâu ép lấy nước).
Nhìn chung, về độ "nguyên chất" thì nước dừa cao hơn nước mía. (Ảnh minh họa)
Nước mía có lợi tiểu không?
Nước mía có đặc tính lợi tiểu tuyệt vời. Uống nước mía giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi thận bằng cách đảm bảo thận hoạt động bình thường. Uống nước mía với nước dừa và nước chanh là một phương thuốc tuyệt vời để giảm cảm giác nóng rát ở đường tiết niệu.
Nước mía có làm tôi béo không?
Mặc dù mía có vị ngọt tự nhiên nhưng nó không góp phần làm tăng cân. Chất ngọt trong mía, đường sucrose, rất tốt cho sức khỏe và cơ thể cần để duy trì lượng đường cần thiết. Trái ngược với niềm tin phổ biến, mía giúp tăng cường trao đổi chất và do đó, đẩy nhanh quá trình giảm cân.
Nước mía có tính lạnh hay nóng?
Mía có tính lạnh và do đó cùng với đặc tính tăng sinh lực tức thì, nó là một thức uống hữu ích cho mùa hè. Nó cũng giúp cơ thể giải khát và ngăn ngừa nhiễm trùng dạ dày và đường tiết niệu.
Tại sao lại thêm chanh hay quất vào nước mía?
Chanh có một số lợi ích riêng như giúp giải độc cơ thể và tăng cường khả năng miễn dịch. Thêm chanh hoặc quất vào nước mía sẽ tăng cường lợi ích của cả hai loại nước này. Hơn nữa, thành phần chanh, quất làm tăng mức pH và phản ứng với các tạp chất để tạo thành các hợp chất hữu cơ canxi không hòa tan có lợi.
Mía có thể gây bệnh tiểu đường không?
Mía sẽ không gây ra bệnh tiểu đường nhưng những người bị bệnh tiểu đường nên thận trọng một chút về việc tiêu thụ loại nước ép này quá nhiều. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho thấy khi uống vừa phải, nước mía có thể có lợi cho bệnh tiểu đường. Dẫu sao, nếu có bệnh, bạn nên tư vấn ý kiến bác sĩ về các thực phẩm mình nạp vào cơ thể.