Ngoài các loại muối truyền thống và các chế phẩm từ muối, trên thị trường còn xuất hiện loại muối có màu hồng rất đắt đỏ, được cho là có nhiều lợi ích vượt trội với sức khỏe… Điều này có thực sự chính xác?
Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ về muối hồng Himalaya được bán với giá đắt đỏ.
Đừng coi muối hồng là thần dược
Hiện nay không ít các trang mạng điện tử, thậm chí ở các siêu thị đang bày bán loại muối hồng nhập khẩu được gọi là muối hồng Himalaya. Loại muối này có màu hồng khá bắt mắt, được giới thiệu với hàng loạt công dụng tốt cho sức khỏe như chế biến món ăn ngon hơn, nhiều chất khoáng hơn, thậm chí còn được coi là “tiên dược” dùng để ngâm chân, chườm nóng giúp đả thông kinh huyệt.
Với những lời giới thiệu có cánh, kèm lời đồn đoán về vô vàn tác dụng với sức khỏe nên muối hồng Himalaya có giá lên tới gần 200.000 đồng/kg, trong khi các loại muối ăn (muối trắng) có giá chỉ vài ngàn đồng/kg.
Dưới góc độ khoa học, PGS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm khẳng định, muối hồng đắt đỏ vì người dân tò mò muốn mua về sử dụng xem có tốt thật sự hay không. Hơn nữa, do Việt Nam không sản xuất được loại muối này mà phải nhập khẩu nên cũng đẩy giá thành lên cao. Còn về chất lượng, muối hồng không phải “thần dược”, không có quá nhiều công dụng như lời đồn thổi.
Muối hồng dù có một số khoáng chất hơn muối trắng, nhưng bản chất vẫn là muối và không nên coi là thần dược. (Ảnh minh họa)
Ông Thịnh cho biết, muối hồng Himalaya là gọi theo màu sắc và nơi được sản xuất ra loại muối này. Trước đây vùng Himalaya cũng là biển, vì vậy nó đã tạo nên một trầm tích muối, các vùng trầm tích muối này hiện được gọi là muối cạn, vì nó ở các vùng núi hoặc ngay tại đồng bằng.
“Về bản chất, từ hàng triệu năm nay muối không có sự thay đổi, dù là muối hồng hay muối trắng đều có cấu tạo từ natri clorua (NaCl), còn đối với màu hồng của muối là do trầm tích kéo dài nên muối cạn ở vùng Himalaya có thêm một số khoáng chất đặc trưng ở vùng đất đó, vì thế nó được gọi là muối hồng”, PGS Thịnh chia sẻ.
Muối hồng hơn muối trắng một số khoáng chất nhưng không đáng kể
Vậy liệu muối hồng có tốt hơn muối trắng? PGS Thịnh cho biết, một số tài liệu cho thấy muối hồng khác muối trắng là có thêm một số khoáng chất như stronti và molypden. Khoáng chất này không chứa kim loại nặng nên không gây hại, có thể sử dụng trong chế biến thực phẩm và bảo vệ sức khỏe.
Cụ thể, muối hồng có thể dùng trong nấu ăn, ngâm chân, tắm, sát trùng, làm đẹp… Tuy nhiên, không thể coi loại muối này là “thần dược”, bản chất nó chỉ là muối ăn bình thường, thêm một số khoáng chất nhưng không phải quá quan trọng với sức khỏe. Hơn nữa, do loại muối này đắt tiền, phải nhập khẩu nên nguy cơ làm giả rất cao, điều này rất nguy hiểm vì các hóa chất trộn muối để lên màu hồng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
PGS Thịnh khuyên mọi người nên dùng muối trắng có sẵn ở trong nước hơn là phải bỏ số tiền lớn mua muối hồng.
“Tốt nhất chúng ta nên sử dụng sản phẩm tự nhiên có sẵn ở trong nước như muối trắng, vì trong muối trắng cũng có nhiều khoáng chất, cũng có thể làm gia vị, ngâm chân thậm chí là còn sử dụng trong dược lý như dùng làm nước cất, nước muối sinh lý…”, PGS Thịnh khuyên.
TS.BS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết dù là loại muối nào, việc sử dụng cũng chỉ trong giới hạn. Bởi bản chất của muối là mặn, mà ăn mặn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, làm gia tăng nhiều bệnh lý như thận, tim mạch, huyết áp… “Không nên vì muối có giá thành đắt, hay có thêm một vài chất khoáng mà sử dụng lấy được. Như vậy, sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe”, TS Từ Ngữ cảnh báo.
Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người chỉ nên ăn dưới 5 gam muối/ngày, trong khi thống kê cho thấy người Việt Nam đang ăn đến 9,4 gam muối/ngày, vượt quá lượng trung bình khuyến cáo. Để giảm gánh nặng bệnh tật, nhất là tim mạch, huyết áp mọi người cần giảm ăn muối bằng cách cho bớt muối khi nấu ăn; chấm nhẹ tay; giảm đồ mặn khi lựa chọn thực phẩm, khi nấu nướng và khi ăn.
Tin liên quan
Mặc dù ở Nhật vẫn có những món ăn mặn và đồ chiên rán nhiều tinh bột nhưng người Nhật vẫn có tỷ lệ béo phì rất thấp nhờ những yếu tố dưới...
Trong dịp Tết Nguyên đán, thịt là thực phẩm không thể thiếu trong các gia đình, với nhiều cách chế biến khác nhau. Tuy nhiên, loại nào tốt...
Nhiều gia đình đầu tư cho bữa cơm hằng ngày với nhiều món ngon, đắt tiền, giàu đạm và nghĩ như vậy sẽ tốt cho sức khỏe mà không biết rằng...
Nhiều người ăn cơm rượu, ăn mận lúc vừa ngủ dậy, đói bụng là phản khoa học, không những không tốt cho sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ đau...
Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh
Trong dịp Tết Nguyên đán, thịt là thực phẩm không thể thiếu trong các gia đình, với nhiều cách chế biến khác nhau. Tuy nhiên, loại nào tốt và nên ưu tiên ăn nhiều hơn thì không phải ai cũng...