Có người dù không bao giờ ăn hàng quán, chỉ ăn những đồ mình tự tay làm ra, thế nhưng thói quen trong ăn uống với những thực phẩm tưởng chừng là sạch, an toàn lại tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.
Đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), bà T.T.L (quê Ninh Bình) vô cùng bất ngờ khi các bác sĩ thông báo bà mắc bệnh giun sán. Trước đó, khi khám ở địa phương, bà được chẩn đoán có 4 khối u trong tim nên rất bất an.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - GĐ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ban đầu bệnh nhân được chuyển lên Viện Tim mạch Quốc gia với chẩn đoán có 4 khối u ở buồng nhĩ trái. Tại đây bệnh nhân được theo dõi huyết khối buồng nhĩ trái và tăng huyết áp.
Các bác sĩ đã thực hiện xét nghiệm và phát hiện bệnh nhân dương tính với giun đũa chó mèo. Sau dó, bệnh nhân được chuyển tới Trung tâm Bệnh Nhiệt đới điều trị vì nghi ngờ khối u phát hiện ở buồng nhĩ trái trước đó liên quan tới các nang sán. Hiện sau quá trình điều trị, bệnh nhân đã ổn định và được theo dõi thêm.
PGS.TS Đỗ Duy Cường đang thăm khám cho bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo.
Bệnh nhân T.T.L cho biết, bà sống ở nông thôn, không bao giờ ra ngoài ăn hàng quán, kể cả bữa sáng. Tại gia đình, bà không nuôi mèo mà chỉ nuôi 2 con chó (thả rông) để trông giữ nhà. “Tại quê tôi trừ chó mèo bị ốm, còn lại chẳng ai tẩy giun sán cho chó mèo cả”, bà T chia sẻ.
Tuy không ăn rau sống ở ngoài hàng quán, nhưng bà L thừa nhận, có sử dụng rau sống của gia đình vì bà nghĩ, rau nhà trồng đảm bảo sạch sẽ nên ăn thoải mái. "Thi thoảng buổi sáng ăn bát mỳ, bát bún tôi vẫn hái rau sống ngoài vườn rồi rửa sạch ăn vì rau mình trồng, chăm sóc và tưới nước rất sạch sẽ. Thế nhưng, các bác sĩ nhận định đây có thể là nguồn lây nhiễm giun đũa chó mèo", bà L chia sẻ.
Bác sĩ Đỗ Duy Cường cho biết, bệnh do ký sinh trùng giun đũa chó, mèo, tên khoa học là Toxocara sp. Theo bác sĩ Cường, ngày nay do điều kiện sống cũng như sinh hoạt trong xã hội có rất nhiều gia đình nuôi chó, mèo nên việc tiếp xúc thường xuyên với những động vật nuôi trong nhà này dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Ngoài ra, ở một số nơi, nhất là vùng nông thôn, người dân thường thả rông chó mèo phóng uế bữa bãi khiến trứng giun sán có thể ẩn khuất trong các loại rau, nhất là rau sống. Nếu ăn phải những loại rau, nhất là rau ăn sống có ấu trùng giun đũa chó mèo thì hoàn toàn có nguy cơ nhiễm bệnh.
“Đa số người nhiễm giun đũa chó mèo là nhiễm phải ấu trùng (trứng), chứ không phải giun trưởng thành. Trong khi đó, việc tìm ra trứng giun để chẩn đoán là điều không thể, do vậy để có thể chẩn đoán thì cần phải làm xét nghiệm máu”, bác sĩ Cường cho hay.
Nhiều người ăn sáng thường ăn rau sống, điều này là tuyệt đối không nên, kể cả rau nhà trồng. (Ảnh minh họa)
Đáng lưu ý, giun đũa chó mèo khi vào cơ thể có thể “chu du” khắp nơi và ký sinh ở bất kể bộ phận nào như hệ tiêu hóa, mắt, não, thận, gan, tim… và gây nên những tổn thương với triệu chứng đa dạng và hậu quả khác nhau. Vì thế, người bị nhiễm giun đũa chó mèo thường hay bị chẩn đoán nhầm sang nhiều bệnh khác.
Một số biểu hiện điển hình khi nhiễm giun đũa chó mèo là: gầy yếu, tiêu chảy, mệt mỏi, mẩn ngứa, giảm thị lực 1 mắt, hoặc các biểu hiện bệnh đau ở vùng gan với gan, lách to, nổi hạch hoặc ở bất cứ cơ quan nào bị xâm nhiễm. Ngoài ra bệnh còn có thể biểu hiện ở khớp, cơ, da, tim hoặc tổn thương thần kinh trung ương do ấu trùng xâm nhiễm vào não gây viêm màng não, có thể có cơn động kinh hoặc với các triệu chứng kèm theo đặc trưng của cơ quan bị bệnh khác.
Để phòng bệnh, PGS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân nên tẩy giun cho chó mèo, không tiếp xúc với chó mèo. Thường xuyên rửa tay sạch dưới vòi nước sau khi tiếp xúc với mọi đồ vật, đồ chơi hay đất cát. Không ăn rau sống, quả xanh. Luôn thực hiện rửa tay trước khi ăn. Thực hiện ăn chín, uống sôi.