Sau khi xuất hiện triệu chứng ho, thậm chí ho ra máu, người đàn ông rất lo lắng, đi điều trị nhiều nơi nhưng cuối cùng bác sĩ kết luận ông mắc bệnh là do ăn món canh nhiều người ưa thích.
Suốt nửa năm nay, anh Nguyễn Văn Cương (41 tuổi, ở Hà Giang) bị ho nhiều, ho theo cơn không cố định, thậm chí có thời điểm còn ho ra máu nên đã đến bệnh viện phổi ở địa phương điều trị. Tại đây, anh được chẩn đoán mắc lao phổi nhưng điều trị nhiều đợt không tiến triển gì. “Tôi bắt đầu ho từ tháng 2/2023, sau đó cơn ho ngày càng nhiều, nặng nhất là ho ra máu, dù đã điều trị nhưng không đỡ khiến tôi và gia đình rất lo lắng”, anh Cương chia sẻ.
Để điều trị dứt điểm, anh Cương đã về BV Phổi Trung ương thăm khám. Tại đây, các bác sĩ phát hiện có những tổn thương trong phổi, tuy nhiên dựa vào triệu chứng lâm sàng không giống người bị lao phổi hoặc ung thư, do vậy đã chuyển anh sang BV Đặng Văn Ngữ xét nghiệm ký sinh trùng.
Anh Cương cho biết, trước khi có triệu chứng bệnh anh có ăn canh cua đá nấu canh. Ảnh: Lê Phương.
Anh Cương cũng thừa nhận, ngoài những cơn ho gặp phải, anh thấy sức khỏe mình bình thường, sau những lần đến viện điều trị về anh vẫn lao động, không bị sụt cân. Tại BV Đặng Văn Ngữ, kết quả xét nghiệm cho thấy anh bị nhiễm ký sinh trùng sán lá phổi.
Khai thác tiền sử ăn uống, anh Cương nhớ lại: “Hồi cuối năm 2022, khi đó tôi đi suối bắt được khá nhiều cua đá và về nấu canh ăn cùng với gia đình. Trước khi nấu cũng làm sạch, giã, rồi lọc cua xong mới cho lên bếp. Thường khi thịt cua nổi lên thì tôi vớt ra và cho một số rau vào, tới lúc rau chín lại cho thịt cua lên và ăn. Tóm lại cách nấu của tôi cũng rất dân dã, chứ không có gì đặc biệt”, anh Cương chia sẻ.
Hiện sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng ho của anh Cương đã giảm nhưng chưa dứt điểm. Dự kiến anh sẽ phải điều trị thêm, đồng thời xét nghiệm, chụp chiếu lại để đánh giá tổn thương phổi trước khi ra viện.
Bác sĩ Tạ Huy Hải đang tư vấn cho bệnh nhân Cương (bên phải) về tình trạng sức khỏe hiện tại. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Tạ Huy Hải (BV Đặng Văn Ngữ) cho biết, sán lá phổi thường gặp ở một số tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang… nơi người dân có thói quen ăn gỏi cua đá hoặc ăn cua đá nướng. Theo bác sĩ Hải, việc nướng cua đá thường chỉ chín vàng ở ngoài vỏ, nhưng phần thịt chưa chín kỹ, do vậy sán chưa bị tiêu diệt, khi ăn phải sẽ bị nhiễm. Hoặc nấu canh cua đá chưa chín kỹ cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Theo bác sĩ, trong quá trình nấu canh cua, nhiều người khi nước chưa sôi kỹ đã vội vớt phần thịt cua nổi lên vì sợ vỡ thịt, làm tăng nguy cơ nhiễm sán lá phổi. Lý do là, khi nấu canh, nếu không để nước sôi kỹ (3-5 phút) thì sán ở “chế độ ngủ” chứ chưa chết hẳn, khi theo thức ăn vào cơ thể, chúng bắt đầu phát triển và ký sinh trong cơ thể.
Canh cua cần nấu chín kỹ để tiêu diệt hết ký sinh trùng. Ảnh minh họa.
Không chỉ ăn cua, nguồn nước, nhất là nước ở khe suối cũng có nguy cơ gây nhiễm sán lá phổi nếu người dân uống trực tiếp. “Dù nước suối trong, nhưng mắt thường không thể nhìn thấy ấu trùng sán lá phổi, vì thế việc uống nước khe suối bị nhiễm bệnh là điều dễ hiểu”, bác sĩ Hải cho hay.
Qua thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ Hải cho biết, có nhiều trường hợp nhiễm sán lá phổi bị tràn dịch, ho kéo dài nhưng không tìm ra nguyên nhân. Do vậy, nếu ở trong vùng dịch tễ, xuất hiện các triệu chứng ho kéo dài, mệt mỏi, tràn dịch màng phổi thì cần làm thêm các xét nghiệm ký sinh trùng để phát hiện sớm bệnh, tránh nhầm lẫn với các bệnh phổi khác.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo, mọi người không ăn cua sống hay cua nấu chưa kỹ hoặc nướng tái. Không uống nước lã, đặc biệt là nước ở các khe suối. Cần đun sôi kỹ nước suối trước khi uống.