Trong mùa hè nắng nóng, việc kết hợp tôm và cua để nấu canh với các loại rau được nhiều gia đình thực hiện thường xuyên nhưng điều này có khi không tốt cho sức khỏe như bạn tưởng
Tiến sĩ, bác sĩ Từ Ngữ - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Ông thường xuyên tham gia các tọa đàm lớn về dinh dưỡng,...
Đừng thấy ngon mà ăn nhiều
Trong mùa hè, các món canh như canh tôm bầu, canh cua nấu rau mùng tơi cùng mướp, rau đay, canh ngao... được sử dụng nhiều ở các gia đình. Lý do được đưa ra là những món ăn này giúp giải nhiệt cơ thể, nhất là trong thời tiết nắng nóng.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết các món canh liệt kê trên đều là món ăn truyền thống, được nhiều người ưa thích và sử dụng. Sở dĩ các món canh đó được sử dụng nhiều vào mùa hè là do các loại rau, quả đang vào chính vụ, dùng sẽ ngon và tốt cho cơ thể. “Ăn rau quả chính vụ không chỉ ngon mà còn có nhiều dinh dưỡng và an toàn hơn các loại rau quả trái vụ”, bác sĩ Hưng cho hay.
Còn tôm, ngao, cua… đều là thực phẩm giàu đạm, canxi khi nấu với rau sẽ tăng độ ngọt. Việc các thực phẩm trên có thực sự giúp giải nhiệt, làm mát cơ thể khi trời nắng nóng hay không hiện chưa có khoa học chứng minh. Tuy nhiên, trong mùa hè việc sử dụng canh cũng là cách bổ sung nước, vitamin rất tốt cho cơ thể, riêng kết hợp với các thực phẩm giàu đạm thì cần cho với số lượng vừa phải.
Canh cua thường hay sử dụng với cà nên sẽ tăng độ mặn, không nên sử dụng thường xuyên. (Ảnh minh họa)
TS.BS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam lại cho biết tôm hay cua đều là thực phẩm giàu đạm, nếu dùng nhiều kể cả khi kết hợp với rau để nấu canh cũng cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Trong khi đó, nguyên tắc là khi cơ thể sinh năng lượng thì sẽ làm nóng hơn chứ không phải giải nhiệt. Vì thế, khi chế biến nên cho với lượng vừa phải tôm, cua để nấu canh, không nên vì ngon mà ăn quá nhiều.
Ngoài ra, TS Từ Ngữ cũng khuyến cáo các món ăn trên rất hợp với cà muối, trong khi đây là thực phẩm khá mặn, do vậy cũng nên tiết chế khi ăn. Chỉ nên ăn 3-4 quả cà pháo/bữa và không ăn nhiều. Thậm chí ngay cả với canh cua, canh tôm hay canh ngao cũng không ăn thường xuyên, vì nó có nguy cơ gây hại cho cơ thể.
“Với cá nhân tôi, nếu là cơm gia đình tôi không ăn cua, ốc hay ngao vì chúng đều sống ở tầng đáy, nhiễm rất nhiều kim loại nặng. Khi ăn những món chế biến từ thực phẩm này cũng có nghĩa cơ thể hưởng tất cả những chất đó. Tất nhiên khi được mời đi ăn hàng, quán thì vẫn sử dụng vì không có sự lựa chọn nào khác, và tôi chỉ ăn số lượng ít. Vì vậy, mọi người cũng nên tiết chế, không nên ăn quá nhiều để tránh bị tồn dư các kim loại nặng. Ngoài ra, những người bị dị ứng cũng không nên sử dụng món canh này”, TS Từ Ngữ chia sẻ.
Cua, ngao đều sống ở tầng đáy, dễ nhiễm nhiều kim loại nặng nên mọi người cần lưu ý khi ăn. (Ảnh minh họa)
Nên tự tay sơ chế và nấu tại nhà
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia Công nghệ thực phẩm) cho biết việc ăn canh tôm hay canh cua cũng cần có sự kiểm soát, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm. Nguyên nhân là hai thực phẩm này rất dễ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm nếu sơ chế, bảo quản thực phẩm không tốt.
Theo PGS Thịnh, hiện rất nhiều người nội trợ bận rộn, khi mua thực phẩm đều yêu cầu người bán sơ chế sạch trước. Điều này tuyệt đối không nên, nhất là các thực phẩm có nguồn gốc thủy hải sản.
“Mọi người vẫn nói “râu tôm nấu với ruột bầu”, nhưng đó là khi khó khăn, chúng ta phải tận dụng ăn những thứ có thể để cơ thể có thêm chất. Ngày nay cuộc sống tốt hơn, không nên ăn đầu tôm vì nó chứa nhiều chất bẩn, nhất là khi nhiều người nhờ quán nhặt sẵn lại càng nguy hiểm, vì họ sẽ không cẩn thận loại bỏ hết được các chất bẩn như chính tay mình làm.
Nhiều người nội trợ mua cua xay sẵn về chế biến, việc làm này tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất lớn. (Ảnh minh họa)
Với cua cũng vậy, nhiều người luôn nhờ chủ quán sơ chế, xay sẵn chỉ lấy cốt cua về nấu. Điều này cần phải chấm dứt ngay, vì nắng nóng cua rất dễ chết, trong khi thịt cua nhiều đạm nên nhanh bị phân hủy, thối rữa. Nếu cho cả cua chết vào xay, rồi nấu ăn thì nguy cơ ngộ độc là rất lớn”, PGS Thịnh cảnh báo.
Vị chuyên gia này khuyên mọi người hãy tự tay đi chợ mua tôm, cua tươi về sơ chế. Nếu bận rộn thì nên ăn vào lúc có thời gian để khâu lựa chọn, sơ chế được đảm bảo nhất. Ngoài ra, món canh cua, tôm cũng chỉ nên ăn 1 lần/tuần, vì đây là thực phẩm nhiều đạm ăn nhiều không tốt. Đặc biệt, chỉ nấu vừa đủ ăn, tuyệt đối không ăn lại bữa sau vì canh tôm, cua rất dễ thiu và hỏng.
Tin liên quan
Dù kết hợp với các thực phẩm khác hay chế biến “độc vị” thì khổ qua hay còn gọi là mướp đắng đều có rất nhiều giá trị với sức khỏe, thậm chí...
Rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt có những loại rau vô cùng giàu protein, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với những...
Không chỉ là món ăn ngon, các chuyên gia còn cho rằng món canh bóng bì của người Hà Nội gốc còn vô cùng tinh túy, cân bằng dinh dưỡng.
Món canh miso quen thuộc trong bữa ăn của người Nhật giúp ngừa ung thư và kéo dài tuổi thọ.
Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe
Khi tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc đi chơi vào mùa lễ hội, đặc biệt là check-in Giáng sinh trong những khu vực đông người, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm là rất cao.