Tình trạng thừa thức ăn rất khó tránh khỏi trong dịp Tết Nguyên đán. Với những đồ thừa này, có những đồ có thể bảo quản được, nhưng có những món không nên hâm đi, hâm lại nhiều lần.
Thịt gà, canh hầm, rau nấm đừng tiếc rẻ mà cất đi nấu lại
Trong dịp Tết Nguyên đán, mọi người thường chế biến nhiều món ăn để gia đình sum vầy bên nhau. Sau mỗi bữa ăn, tình trạng thừa đồ ăn là điều khó tránh khỏi. Cách nhiều người thường làm để tránh lãng phí là dồn đồ ăn lại, bảo quản trong tủ lạnh và sau đó hâm nóng để sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết, hiện nay nhiều người quá lạm dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Cả đồ ăn sống, đồ ăn chín còn thừa đều cho vào tủ, khi đó tủ lạnh không khác gì cái chợ thu nhỏ.
“Việc làm này rất nguy hiểm, dù bảo quản như thế nào thì thức ăn đã nấu chín để cùng thực phẩm sống là điều tuyệt đối tránh, nhất là ở ngăn mát. Bởi khi đó các vi khuẩn có hại từ đồ sống dễ xâm nhập sang đồ chín và gây hại cho sức khỏe”, PGS Thịnh cảnh báo.
Thịt gà tốt nhất nên ăn hết trong ngày, không bảo quản lâu và nấu đi, nấu lại nhiều lần. Ảnh minh họa.
Theo PGS Thịnh, bất kể loại đồ ăn nào thừa được đem bảo quản và nấu lại đều không nên, vì ai cũng muốn ăn đồ tươi vừa chế biến. Tuy nhiên, do nấu nhiều thức ăn, bỏ thì lãng phí nên đành chấp nhận việc bảo quản. Trong các loại thực phẩm, một số loại như thịt gà, rau hoặc nấm đã xào hoặc canh hầm đã ăn không nên hâm đi, hâm lại nhiều lần. Giò - chả có thể bảo quản được, vì ở các siêu thị khi bán cũng được bảo quản lạnh.
“Đối với thịt gà, đa số các gia đình đều luộc vì còn thắp hương ngày tết. Gà luộc không ăn hết, đem bảo quản rồi nấu lại nhiều lần, kể cả sau đó hấp cách thủy đều không ngon cả về mùi vị và cảm quan. Đó là chưa kể, thịt gà có nhiều protein, khi bảo quản dễ bị phân hủy và nấu lại, nếu sử dụng dễ bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Một số gia đình xử lý gà luộc ăn thừa bằng cách cho mắm muối, gừng, lá chanh vào rang lại để sử dụng. Việc này cũng không nên vì nó chỉ đánh lừa vị giác trong khi chất lượng không thay đổi gì, chưa kể còn nạp thêm muối vào người.
Các loại rau xào, rau luộc hay các loại canh miến, canh củ quả… ăn thừa mang đi bảo quản rồi nấu lại đều không nên. Riêng về rau củ, ngay lần đầu chế biến cũng phải nấu nhanh để không bị mất chất dinh dưỡng. Do vậy, nấu chín bảo quản rồi tiếp tục nấu lại sẽ mất sạch chất, chưa kể rau khi bảo quản rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập”, PGS Thịnh phân tích.
Các loại rau, nấm không nên nấu lại. Ảnh minh họa.
Nguy cơ ung thư khi nấu đi, nấu lại thức ăn
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng, tiết chế (BV Đại học Y dược TP.HCM) khuyến cáo, đồ ăn chỉ nên hâm lại một lần, ví dụ như sau khi thắp hương thì đảo nhanh tay cho nóng rồi sử dụng, việc nấu lại sẽ gây hệ lụy với sức khỏe.
“Việc nấu đi nấu lại nhiều lần sẽ làm giảm hoặc mất chất dinh dưỡng do tác động của nhiệt, bay hơi… Ngoài ra một số vi khuẩn sinh bào tử hoặc độc tố kháng với nhiệt vẫn còn trong thực phẩm khi chế biến lại, từ đó có thể gây ngộ độc thực phẩm. Việc làm này còn có nguy cơ hình thành các chất có khả năng gây ung thư, đặc biệt khi đun nấu ở nhiệt độ cao, dầu mỡ dùng chiên lại nhiều lần”, PGS Lâm Vĩnh Niên chia sẻ.
Các loại đồ ăn nấu lại, dưới tác động của nhiệt đều không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Theo khuyến cáo của PGS Vĩnh Niên, đối với những đồ ăn có thể nấu lại được, hoặc xác định làm trước sau đó bảo quản ăn dần trong dịp Tết cũng cần thực hiện thật cẩn thận. “Đối với thức ăn dự định bảo quản để ăn dần sau đó (không phải thức ăn thừa), cần để nguội thức ăn và giữ trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2°C đến 5°C, nên ăn trong vòng 2 ngày, tối đa 4 ngày. Nếu không chắc chắn bao lâu sẽ ăn, nên chia thành các phần nhỏ và trữ đông.
Khi hâm lại, cần bảo đảm thức ăn được đun nóng toàn bộ với nhiệt độ từ 75°C. Đối với thực phẩm trữ đông, cần rã đông trước khi hâm lại. Lưu ý đảo trộn để thức ăn nóng đều”, PGS Lâm Vĩnh Niên hướng dẫn.
Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng, hiện nay thực phẩm rất đa dạng, phương tiện đi lại cũng không khó khăn, chợ dân sinh và cửa hàng tiện lợi cũng mở rất sớm dịp Tết, vì thế mọi người không nên tích trữ hoặc mua nhiều, nấu lắm đồ ăn dẫn đến thừa. Tốt nhất, nên lựa chọn, nấu vừa đủ đồ ăn so với lượng người, nên ăn đến đâu nấu đến đó để tránh thừa.