Thường xuyên “làm bạn” với iPad, chứng kiến bố mẹ cãi nhau, bé gái mắc căn bệnh tâm lý chữa 7 năm chưa khỏi

DIỆU THUẦN - Ngày 24/08/2024 12:00 PM (GMT+7)

Sau 7 năm điều trị rối loạn gắn bó, tình trạng bé Yến Phương có cải thiện, học tốt một số môn, nhưng vẫn khó tập trung, khó kiểm soát cảm xúc và rất sợ khi được ở gần bố.

Sợ ở gần bố mẹ vì ít được yêu thương, quan tâm

Theo TS.BS Phạm Minh Triết, Trường Y khoa và Tâm lý, Đại học Quốc gia Australia, rối loạn gắn bó là những rối loạn về tâm lý (tâm thần) ở trẻ nhỏ, gặp vấn đề trong việc gắn bó tình cảm với người khác như bố mẹ, người chăm sóc. Giai đoạn trẻ dễ mắc rối loạn này nhất là từ khi trẻ được 9 tháng tuổi đến trước 5 tuổi. 

Nguyên nhân chính xác khiến trẻ mắc rối loạn gắn bó đến nay vẫn chưa rõ. Các nghiên cứu cho thấy, hầu hết trẻ em mắc rối loạn này đều đã trải qua các vấn đề nghiêm trọng hoặc khó khăn trong các mối quan hệ đầu đời của mình. Trẻ có thể đã bị lạm dụng hoặc bỏ bê về mặt thể chất hoặc tình cảm. Một số khác đã trải qua nhiều mất mát hoặc thay đổi đau thương liên quan đến người chăm sóc chính của mình.

Từ khi hơn 1 tuổi, bé Yến Phương đã được chơi iPad cho bố mẹ làm việc. Ảnh minh họa.

Từ khi hơn 1 tuổi, bé Yến Phương đã được chơi iPad cho bố mẹ làm việc. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Triết chia sẻ trường hợp bé gái tên Hoàng Yến Phương (ở TP.HCM) bị rối loạn gắn bó vì thường xuyên phải "làm bạn” với iPad và chứng kiến cảnh bạo lực gia đình của bố mẹ. “Bệnh nhi này mắc bệnh từ năm 3 tuổi. Hiện bé 10 tuổi, vẫn đang phải điều trị rối loạn gắn bó”, bác sĩ Triết chia sẻ.

Bố mẹ bé Yến Phương làm công việc tự do tại TP.HCM. Do các mâu thuẫn trong công việc, cuộc sống không được giải quyết, vợ chồng họ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, bạo lực gia đình. Phải chứng kiến những cảnh này từ khi mới hơn 1 tuổi, bé Yến Phương bị ảnh hưởng tâm lý và rất sợ khi nhìn thấy bố. 

Phần khác, từ khi con gái hơn 1 tuổi, để yên tâm làm việc, bố mẹ bé Yến Phương mua iPad cho con chơi. Chính việc xem nhiều thiết bị điện tử, trong khi không được người lớn quan tâm khiến bé càng dần tránh xa người lớn hơn. “Đây là một trường hợp điển hình vì trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, bỏ bê về mặt thể chất và tình cảm. Tình trạng cứ kéo dài khiến trẻ ngày càng nặng”, bác sĩ Triết chia sẻ.

7 năm điều trị tâm lý vẫn sợ gặp bố

Bác sĩ Triết cho biết, trong điều trị rối loạn gắn bó ở trẻ, trẻ được đánh giá tâm thần toàn diện và được lập kế hoạch điều trị cá nhân hóa, bao gồm cả trẻ và gia đình. Điểm mấu chốt là cần tập trung vào việc củng cố mối quan hệ giữa trẻ và người chăm sóc chính nhằm cải thiện mối quan hệ cũng như xây dựng gắn bó lành mạnh. Trong đó, bố mẹ/người chăm sóc cần được huấn luyện kỹ năng để giúp trẻ kiểm soát cảm xúc, cải thiện kỹ năng xã hội, làm sao để hiểu và đáp ứng nhu cầu cần thiết cho trẻ. 

Đối với trường hợp của bé Yến Phương, ngoài được điều trị tâm lý với bác sĩ, còn cần hạn chế xem thiết bị điện tử, tránh xa môi trường sống. “Chúng tôi quyết định tư vấn cho gia đình đưa trẻ về sống với ông bà, nhằm giúp con quên đi những ám ảnh cũ”, bác sĩ Triết chia sẻ. 

Các nghiên cứu chỉ ra, bố mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, trẻ sẽ rất dễ mắc các bệnh về tâm lý. Ảnh minh họa.

Các nghiên cứu chỉ ra, bố mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, trẻ sẽ rất dễ mắc các bệnh về tâm lý. Ảnh minh họa.

Đến nay, sau 7 năm điều trị, tình trạng của bé Yến Phương đã dần cải thiện, đã học tốt được một vài môn, nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, khó tập trung trong một số tình huống. Đặc biệt, bé vẫn bị tình trạng lo âu, vẫn còn hoảng loạn mỗi khi tiếp xúc với bố.

Xây dựng cho con một lối sống lành mạnh để tránh mắc các bệnh về tâm lý

Theo bác sĩ Triết, rối loạn gắn bó là một vấn đề phức tạp. Các dấu hiệu của nó thường là trẻ khó giữ được bình tĩnh, ít có khả năng tương tác với người khác, thường tỏ ra không vui, hay cáu kỉnh, buồn bã, hoặc sợ hãi, tỏ ra thân thiện quá mức với người lạ, cho người lạ bế, ôm người lạ… Nhưng các dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với các rối loạn khác như rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu, rối loạn chống đối bướng bỉnh… Điều này dễ khiến trẻ bị chẩn đoán nhầm bệnh, dẫn đến điều trị không đúng, làm bệnh trở nên nặng hơn. “Bé Yến Phương trước đó cũng được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ”, bác sĩ Triết chia sẻ. 

Bác sĩ Triết khuyến cáo, trẻ mắc rối loạn gắn bó nếu không phát hiện, điều trị sẽ rất dễ gặp phải các tình huống xấu và ảnh hưởng về thể chất, tình cảm, giao tiếp xã hội và sẽ kéo dài tình trạng này đến khi trưởng thành. Vì vậy, bố mẹ cần đưa con đi khám sớm nếu trẻ có các dấu hiệu trên.

Để phòng tránh trẻ mắc rối loạn gắn bó, cha mẹ cần tạo ra môi trường an toàn và yêu thương với sự chăm sóc nhất quán, phát triển kỹ năng làm bố mẹ để đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ.

Theo bác sĩ Triết, bố mẹ hãy giúp con có tuổi thơ lành mạnh bằng cách tránh để xảy ra bạo lực gia đình, trò chuyện với con nhiều hơn. Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Triết, bố mẹ hãy giúp con có tuổi thơ lành mạnh bằng cách tránh để xảy ra bạo lực gia đình, trò chuyện với con nhiều hơn. Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Triết, ở lứa tuổi khi nhận thức và ngôn ngữ chưa phát triển toàn diện thì kênh giao tiếp chính của trẻ với người lớn vẫn thông qua tiếng khóc, la hét. Vì thế, bố mẹ cần nhạy cảm trong việc giải mã tín hiệu của con, giúp con có thể giải quyết các khúc mắc, khó chịu đang gặp. Bố mẹ làm tốt điều này cho con trong những năm đầu đời sẽ là cách khuyến khích con phát triển, giao tiếp cởi mở với những người xung quanh, cảm thấy an toàn, thoải mái hơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Ngoài ra, việc bố mẹ dành thời gian chất lượng cho con, gia tăng tương tác không chỉ qua ngôn ngữ mà còn những cử chỉ không lời khác cũng góp phần quan trọng thắt chặt sợi dây tình cảm giữa trẻ và người thân.

Hơn nữa, để tránh con trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, bố mẹ cần xây dựng cho con môi trường sống lành mạnh, tránh xảy ra mâu thuẫn, bạo lực gia đình.

Việc cho trẻ xem các thiết bị điện tử cũng cần hạn chế và đặt trong sự cho phép. Các nghiên cứu chỉ ra, trẻ xem quá nhiều các thiết bị không chỉ không tốt cho mắt, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý.

* Tên người bệnh đã thay đổi.

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ths.BS Phạm Minh Triết