Cảm nhận được những lần “quậy phá” của con trong bụng là điều khiến mẹ bầu nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Nhưng mẹ có biết theo tuần tuổi, thai nhi sẽ cử động ra sao không?
Khi nào mẹ bắt đầu thấy thai nhi cử động?
Mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận được những “cựa quậy” của thai nhi từ tuần thứ 13 đến 16 của thai kỳ. Tuy nhiên, phải thông qua siêu âm thì mẹ mới biết được em bé chuyển động ra sao vì trong thời gian này, bé vẫn còn rất nhỏ và ở sâu trong sự bảo vệ của màng tử cung.
Nếu mẹ mang thai lần hai, ba,… thì mẹ sẽ cảm nhận được cử động của thai nhi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đến tuần thứ 24 mà mẹ vẫn chưa thấy em bé có “động tĩnh” gì thì mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay nhé. Bác sĩ sẽ kiểm tra, nghe nhịp tim và siêu âm thai nhi để xem bé có khỏe mạnh hay không.
Trong khoảng tuần thứ 13 đến 16 của thai kỳ, mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận được những “cựa quậy” của thai nhi (ảnh minh họa)
Theo tuần tuổi, thai nhi “quậy” như thế nào?
- Từ 20 đến 24 tuần: Khoảng thời gian này mẹ sẽ nhận thấy bé ngày càng “nghịch ngợm” với rất nhiều hoạt động, nhất là đá và nhào lộn.
- Từ 24 đến 28 tuần: Mẹ có biết, túi ối chứa đến 750ml chất lỏng nên có thể cung cấp cho bé đủ không gian để di chuyển tự do trong những tuần thai này. Mẹ có thể nhận thấy được việc bé nấc qua cảm giác giống như cử động co giật, hoặc thấy bé nảy lên khi có tiếng động đột ngột.
- 29 tuần: Bé đã bắt đầu có những cử động nhỏ nhưng rõ ràng hơn, bởi không gian trong dạ con của mẹ đã chật chội hơn khi bé ngày càng lớn thêm.
- 32 tuần: Bé ngày càng có ít đi không gian để di chuyển, nên mẹ sẽ cảm thấy bé ngoan hơn, ít “nghịch ngợm” hơn khi số lần bé đạp giảm đi rõ rệt.
- Khoảng 36 tuần: Giai đoạn này, bé đã xoay đầu về ngôi thai thuận, tức là đầu bé đã lọt xuống khung xương chậu của mẹ để giúp mẹ “vượt cạn” dễ dàng. Bé sẽ được “cố định” ở vị trí này nhờ các cơ ở tử cung và bụng mẹ. Thỉnh thoảng để “trêu” mẹ, bé có thể chọc tay, chân hoặc thúc vào cạnh sườn khiến mẹ thấy đau.
- Từ 36 đến 40 tuần: Kích thước và cân nặng đã tăng lên rất nhiều nên cử động của bé sẽ chậm lại và ít cuộn mình thường xuyên hơn. Thay vào đó, bé sẽ hay đá vào xương sườn của mẹ. Giai đoạn này, bé đã biết mút ngón tay của mình. Những tuần cuối, mỗi bé sẽ có những trạng thái khác nhau, có bé sẽ chuyển động ít hơn, có bé vẫn sẽ rất “hiếu động” cho đến lúc được “ra ngoài”.
Từ 36 đến 40 tuần, bé đã biết mút ngón tay của mình (ảnh minh họa)
Mẹ làm gì nếu không thấy bé đạp trong ngày
Mẹ có thể thực hiện những cách sau để khuyến khích và “kiểm tra” xem phản ứng của con như thế nào:
- Ăn một bữa ăn nhẹ và thư giãn. Bé có thể ngủ khi mẹ di chuyển và thức dậy khi mẹ ngừng lại.
- Uống đồ lạnh: bé sẽ không thích sự thay đổi nhiệt độ này và cố gắng xoay chuyển để tránh nó.
- Mẹ tạo tiếng ồn bằng cách nghe nhạc hoặc đóng sầm cửa lại, rồi theo dõi xem bé có phản ứng hay không.
Nếu mẹ không cảm nhận được bất kì chuyển động nào của thai nhi trong vòng hai giờ hoặc bé không có phản ứng nào khi có tiếng động mạnh, mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể.