Nhiễm khuẩn sau sinh nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến mẹ bị tử vong.
Sau sinh dù bằng phương pháp đẻ thường hay đẻ mổ, sản phụ vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, biến chứng. Một trong những rủi ro nhiều mẹ gặp là nhiễm khuẩn hậu sản. Nhiễm khuẩn sau sinh là mối lo của rất nhiều sản phụ sau khi “vượt cạn”. Nhiều trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng và biến chứng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Nhiễm khuẩn sau sinh thường do vi khuẩn ở bộ phận sinh dục gây nên. Trước đây, cứ 10 sản phụ gặp tai biến này thì một tử vong. Tỷ lệ này hiện đã giảm còn 0,3% nhờ phân lập được vi khuẩn gây bệnh và dùng kháng sinh.
Những dấu hiệu nhận biết nhiễm khuẩn sau sinh
Theo Bác sĩ Vũ Văn Khanh – Phó trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản TW, nhiễm khuẩn hậu sản là một trong những tai biến sản khoa thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mẹ trong các tai biến sản khoa. Nhiễm khuẩn hậu sản là các nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục và thâm nhập vào cơ thể người phụ nữ bằng cách ngược dòng âm đạo. Sản phụ bị nhiễm khuẩn sau sinh do nhiều nguyên nhân như:
- Sản phụ bị sót rau.
- Trong quá trình sinh con và làm thủ thuật môi trường không vô khuẩn, các trang thiết bị y tế không vô khuẩn.
- Vệ sinh âm đạo của sản phụ sau sinh kém.
- Sau đẻ non, đẻ thai lưu.
- Tiền sử sản phụ từng sảy, nạo, hút thai nhiều lần.
Nhiễm khuẩn sau sinh là nỗi ám ảnh với nhiều sản phụ. (ảnh minh họa)
Cũng theo bác sĩ, một số dấu hiệu để nhận biết sản phụ bị nhiễm khuẩn sau sinh là:
- Sản phụ bị băng huyết, đây là tai biến sản khoa hay gặp nhất và có nguy cơ trong 20-24 giờ sau sinh. Triệu chứng của băng huyết là sản phụ chảy máu nhiều, cơ thể bị choáng, mặt xanh xao, khát nước và ra nhiều mồ hôi.
- Mẹ bị nhiễm khuẩn ở vùng tầng sinh môn sẽ làm cho âm hộ phù nề, sưng to, vết khâu ở tầng sinh môn có mủ.
- Mẹ bị nhiễm khuẩn ở tử cung ra nhiều dịch có mùi hôi thối, thậm chí ra máu. Bình thường sản dịch không bao giờ có mủ nhưng khi chảy qua âm đạo, âm hộ, sản dịch mất tính chất vô khuẩn và có thể bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh. Trong trường hợp sản phụ bị nhiễm khuẩn, sản dịch sẽ có mùi hôi, khó chịu.
- Sau sinh khoảng 1 tuần sản phụ bị sốt cao <39 độ C, khó chịu mệt mỏi trong cơ thể, da xanh.
Phòng tránh nhiễm khuẩn sau sinh
Theo bác sĩ Khanh, để phòng tránh nhiễm khuẩn sau sinh các mẹ nên lưu ý một số điều:
- Khi thấy bất cứ triệu chứng: sốt, ra máu hay ra sản dịch nhiều có mùi hôi các mẹ nên đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nặng gây nên rủi ro đáng tiếc.
- Chăm sóc vùng kín trước khi sinh: Khi mang bầu các mẹ nên giữ vệ sinh sạch sẽ đặc biệt là những ngày gần sinh con. Mẹ nên vệ sinh vùng kín bằng nước sạch, tránh thụt rửa âm đạo.
- Sản phụ kiêng quan hệ tình dục sau sinh do sức khỏe của sản phụ chưa phục hồi.
- Thay quần lót thường xuyên để giữ vùng kín luôn sạch sẽ và khô thoáng.
- Dùng băng gạc vô trùng để thấm dịch chảy ra từ âm đạo, giữ cho vùng kín luôn khô ráo. Không nên dùng các loại giấy hoặc khăn ướt có mùi thơm để lau vùng kín.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, sau sinh các mẹ không nên nằm nhiều trên giường nên vận động nhẹ nhàng. Sau khi sinh 2 tuần, sản phụ nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để khám lại để chắc chắn đã hồi phục sức khỏe, phát hiện những biến chứng nếu có và kịp thời điều trị.