Sẩy thai do đồ uống chứa caffeine

Ngày 21/06/2013 17:00 PM (GMT+7)

Phụ nữ mang thai phải nhận biết được các loại thức ăn, đồ uống hay thuốc men nào là nguồn caffeine chính để hạn chế.

Caffeine là chất kích thích được tìm thấy trong nhiều loại thức ăn, đồ uống và một số loại thuốc. Caffeine tự nhiên có nguồn gốc thực vật được cho vào thức ăn và đồ uống để tạo hương vị. Caffeine còn có nhiều trong trà, nước sôđa, một số thuốc men. Phụ nữ mang thai hoặc muốn có thai phải nhận biết được các loại thức ăn, đồ uống hay thuốc men nào là nguồn caffeine chính để hạn chế.

Không sợ con đen cũng đừng uống

Do là một chất kích thích, caffeine làm tăng nhẹ huyết áp, nhịp tim và lượng nước tiểu. Phụ nữ có thai có thể đặc biệt nhạy cảm với caffeine hơn những người khác vì thời gian đào thải ra khỏi cơ thể lâu hơn. Caffeine có thể làm cho một số người bồn chồn, khó tiêu hoặc khó ngủ. Trong thai kỳ, caffeine qua nhau thai và đến bào thai, có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai và gây hại cho bào thai. Một số nghiên cứu nước ngoài cho biết, chất caffeine có ảnh hưởng đến sự mang thai với khoảng 25% trường hợp sẩy thai ở thai phụ khi dùng liều trên 200mg/ngày, trong khi những người không dùng caffeine thì tỷ lệ sẩy thai trong nhóm này là 13%. Mặc dù vậy, đến nay các kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của caffeine đến sẩy thai hay các biến chứng khác ở thai kỳ vẫn còn mâu thuẫn, chưa được chứng minh rõ ràng. Tốt nhất, phụ nữ mang thai được khuyến cáo không nên tiêu thụ hơn 200mg caffeine mỗi ngày (tương đương 300ml càphê hay 750ml trà).

Sẩy thai do đồ uống chứa caffeine - 1
Phụ nữ có thai có thể đặc biệt nhạy cảm với caffeine hơn những người khác vì thời gian đào thải ra khỏi cơ thể lâu hơn. (ảnh minh họa)

Lượng caffeine trung bình có thể không làm giảm khả năng mang thai của phụ nữ. Hầu hết các nghiên cứu đã tìm thấy rằng, khi tiêu thụ ít hơn 300mg caffeine mỗi ngày sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa mức caffeine cao (khoảng 500mg/ngày hoặc cao hơn) và giảm khả năng sinh sản. Cho đến nay, các kết quả nghiên cứu vẫn chưa thống nhất rằng caffeine có ảnh hưởng gì đến trẻ sơ sinh hay không. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh từ những phụ nữ mang thai uống hơn 500mg caffeine/ngày có nhiều khả năng thở nhanh, nhịp tim nhanh và ít ngủ trong vài ngày đầu mới chào đời. Một lượng nhỏ càphê được tiết vào sữa mẹ. Do vậy, phụ nữ cho con bú nên hạn chế dùng caffeine. Trẻ sơ sinh ở những bà mẹ uống 2 – 3 tách càphê trong ngày có thể trở nên cáu gắt hoặc khó ngủ.

Kỵ thuốc tây lẫn thảo dược

Một số thuốc giảm đau, trị đau nửa đầu, cảm lạnh có chứa caffeine. Phụ nữ mang thai không được dùng các thuốc có chứa caffeine, trừ khi được bác sĩ chỉ định cụ thể. Một vài thuốc và thảo dược gây hại khi tương tác với caffeine. Chẳng hạn, kháng sinh Ciprofloxacin, Norfloxacin làm tăng thời gian lưu trữ caffeine trong máu nên tăng tác hại của caffeine. Dùng Theophylline cùng lúc với các đồ uống có chứa caffeine làm tăng nồng độ Theophylline trong máu và gây những tác dụng xấu như buồn nôn, ói mửa và đánh trống ngực. Caffeine làm tăng các rủi ro có thể xảy ra khi dùng thảo dược Ephedra. Tốt hơn hết, cần tư vấn với bác sĩ hay dược sĩ về nhu cầu càphê nếu bạn đang uống các thuốc này.

Caffeine được tìm thấy trong: càphê và các sản phẩm từ càphê như sữa chua, kem trà; một số nước giải khát; sôcôla và các sản phẩm từ sôcôla như sirô sôcôla và cacao nóng. Số lượng caffein trong thức ăn và đồ uống rất khác nhau.

Theo DS Huỳnh Thị Hồng Gấm (SGTT)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dấu hiệu sảy thai