Tôi cứ tưởng chị chồng vì sốt ruột mà sẽ ghét bỏ mình lắm nào ngờ bà cũng không muốn các con tan đàn xẻ nghé.
Khi tôi đám cưới thì bố mẹ chồng đã mất từ lâu. Nhà anh chỉ còn có chồng tôi và chị chồng. Chị ấy hơn anh 5 tuổi, đã lập gia đình và sống ở quê. Chị cũng đã có 2 đứa con đủ nếp đủ tẻ.
Ban đầu, chị chồng và em dâu cũng rất hợp nhau. Dù chị ấy ở quê, vợ chồng tôi ở thành phố nhưng cứ cuối tuần là lại gọi điện ríu rít buôn đủ thứ chuyện. Do ở cùng làng nên chị hay về căn nhà cũ của bố mẹ quét dọn sạch sẽ và hương khói cho ông bà. Mỗi khi các em về quê, cả nhà chị ấy đều về nhà cũ cùng ăn uống chuyện trò rất đầm ấm.
Cưới nhau đã 5 năm nhưng chúng tôi vẫn chưa có con. Hai vợ chồng đi khám thì bác sĩ cho biết tôi bị đa nang buồng trứng, khó đậu thai tự nhiên. Bao nhiêu thuốc thang mà mãi không có tin vui nên tôi suy sụp lắm. Chồng phải nhiều lần động viên mà tôi vẫn mệt mỏi, tuyệt vọng.
Bao nhiêu thuốc thang mà mãi không có tin vui nên tôi suy sụp lắm. (Ảnh minh họa)
Càng não nề hơn khi mỗi lần về quê hoặc mỗi lần buôn chuyện với chị chồng, chị thường không nén được tiếng thở dài và sắc mặt buồn rầu. Chỉ thoáng qua tôi cũng đủ hiểu chị sốt ruột cho vợ chồng em trai có cháu đến thế nào.
Hay mỗi khi nhà có việc phải kéo về quê, người thân, hàng xóm lại hỏi thăm chuyện con cái. Mỗi lần vậy, chị chồng lại bảo:
“Mong muốn duy nhất của chị là vợ chồng cậu mợ có em bé thôi, mong lắm rồi. Không biết bao giờ mợ mới có em bé nhỉ?”.
Lời chị nói cứ dần khiến tôi ám ảnh. Từ đó tôi dần có ác cảm với chị chồng. Nhiều lần tôi còn nghĩ xiên xẹo rằng, hẳn chị cũng muốn vợ chồng tôi ly hôn vì chắc chắn không muốn nhà mình bị tuyệt tự. Rồi sớm muộn chị sẽ xúi em trai bỏ vợ để kiếm người phụ nữ khác thôi.
Nhiều lần tôi cứ đem chuyện ly hôn ra để nói với chồng. Có lúc tôi còn bảo: “Không có con được thì 2 chúng ta ly hôn sớm đi để anh có con và cho chị anh vừa lòng”.
Chồng tôi toàn bảo vợ gây sự, đừng gây mệt mỏi thêm cho anh, chị anh đã nói câu nào đâu mà quàng vào.
Biết vợ chồng tôi trục trặc, chị chồng cũng vài lần gọi lên khuyên nhủ bảo có bệnh thì chữa, chữa mãi cũng sẽ có con, đừng quá stress và gây áp lực lên nhau. Tôi thậm chí còn cười khẩy vì nghĩ chị 2 mặt, trong lòng không muốn thế nhưng vẫn giả vờ khuyên các em vậy thôi.
Cuối tuần trước là giỗ bố chồng nên 2 vợ chồng tôi về quê từ hôm trước để chuẩn bị. Hôm đó vợ chồng chị cũng sang quét dọn rồi cùng mua sắm bao thực phẩm chuẩn bị cho 7-8 mâm cỗ giỗ ngày hôm sau. Tối ấy, cả nhà ăn xong, anh chị và các cháu cũng ngủ lại nhà.
Đêm ở quê chồng nên tôi trằn trọc không ngủ được. Bởi thế tôi ra góc sân đứng thì thấy phòng thờ trên tầng vẫn sáng. Nghĩ chiều lau dọn quên không tắt điện nên tôi trèo lên để tắt thì giật mình thấy chị chồng đang đứng chắp tay trước bàn thờ lầm rầm khấn thành tiếng.
Bao lâu nay chị luôn mong những gì tốt đẹp nhất cho các em mà tôi lại từng nghĩ sai về chị. (Ảnh minh họa)
Chị nói rằng vợ chồng tôi cưới nhau 5 năm mà không có con cái nên khiến em dâu buồn lòng. Dạo này 2 em còn hay cãi vã muốn ly hôn. Vì thế chị mong bố mẹ và ông bà hãy phù hộ cho em dâu mau chóng sinh được con để vợ chồng không mâu thuẫn và không đòi ly hôn nữa.
Nghe những lời chị chồng khấn trước ban thờ mà tôi ứa nước mắt cảm động. Bao lâu nay chị luôn mong những gì tốt đẹp nhất cho các em mà tôi lại từng nghĩ sai về chị. Tôi lặng lẽ về phòng và tự nhủ thời gian tới sẽ phải tích cực chạy chữa, không bi quan nữa để sớm có tin vui. Vì tâm lý nặng nề sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình chữa trị hiếm muộn đúng không ạ?
Ảnh hưởng của tâm lý đến kết quả điều trị hiếm muộn thế nào?
Căng thẳng tâm lý là điều khó tránh khỏi đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn. Căng thẳng có thể phát sinh từ những lo toan trong đời sống hằng ngày hay trực tiếp từ vấn đề hiếm muộn và ngay cả áp lực trong quá trình điều trị (chẩn đoán hiếm muộn, chi phí, tỉ lệ thành công và kết quả điều trị…).
Chính vì vậy căng thẳng tâm lý là yếu tố quan trọng cần được quan tâm trong quá trình điều trị hiếm muộn. Cụ thể, căng thẳng tâm lý làm cho các cặp vợ chồng hiếm muộn thường trải qua những cảm xúc tiêu cực. Phản ứng thường gặp là: đau buồn, chán nản, tức giận và thất vọng. Cũng như tự ti, mặc cảm, đôi lúc là tội lỗi, cảm giác bất lực.
Những tâm lý tiêu cực trên có thể đến từ phía người vợ, người chồng hoặc cả hai. Ngoài ra, các mối quan hệ xung quanh họ như bạn bè, người thân trong gia đình cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân. Cụ thể là bệnh nhân thường sẽ rơi vào trầm cảm và có xu hướng tránh giao tiếp xã hội với bạn bè, gia đình, người thân. Từ đó, dẫn đến các thói quen lối sống không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội mang thai.
Bên cạnh đó, căng thẳng tâm lý ảnh hưởng đến kết quả điều trị hiếm muộn và chi phối đến quyết định điều trị. Đồng thời tạo nên những phản ứng của bệnh nhân trước những khó khăn hay thất bại trong quá trình điều trị của mình.
Do đó, vợ chồng nên ngồi lại với nhau để động viên cũng như chuẩn bị tốt tinh thần trước khi đến bệnh viện. Một tâm lý tốt sẽ giúp các cặp vợ chồng hợp tác tốt hơn với bác sĩ điều trị để đạt được kết quả như nguyện vọng trên hành trình tìm kiếm những thiên thần nhỏ của mình.