Bún ốc - món ăn ngon nhiều người tìm sau dịp Tết hóa ra lại có nhiều lợi ích đến như vậy.
Bắt đầu từ mùng 3, mùng 4 dịp Tết, nhiều người bắt đầu đi tìm các hàng bún phở để thưởng thức món ăn ngon dịp đầu năm mới – bún ốc.
Theo quan niệm từ xưa, việc ăn bún ốc đầu năm sẽ giúp mang lại may mắn. Vì vậy, nhiều người cứ đến Tết nhất định phải đi ăn bát bún ốc.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Chuyên gia dinh dưỡng thì lý do khiến mọi người lựa chọn ăn bún ốc đầu năm đó là vì đã quá ngấy với thịt bò, thịt lợn, thịt gà, bánh chưng... trong suốt 3 ngày Tết. Hơn nữa, bún ốc không quá nhiều năng lượng là dinh dưỡng, vì thế khi ăn sẽ không bị ngán. Nếu so sánh phở bò, phở gà, kể cả là bún cá... thì bún ốc có năng lượng thấp nhất.
Không chỉ là món ăn dễ xơi hay lấy may, bún ốc còn có những lợi ích nhất định với sức khỏe. Trong ốc nhồi có chứa 11,9% protid; 0,7% lipid, các vitamin (B1 0,01mg%; B2 0,06mg%; PP 1mg%); các muối (Ca 1.357mg%; P 191mg%). Ốc cung cấp 86 calo/100g thịt.
Theo Đông y, thịt ốc có vị ngọt mặn, tính hàn; vào vị, đại tràng, bàng quang. Vỏ ốc có vị ngọt, tính bình, không độc. Tác dụng lợi thủy, thanh nhiệt. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, đái khó, phù nề, vàng da, bệnh tiểu đường, trĩ. Vỏ ốc có tác dụng giải tâm phiền.
Bên cạnh đó, khi ăn bún ốc thường kèm theo một số loại rau thơm như hành hoa giúp chữa mụn nhọt, cảm mạo phong hàn, ngạt mũi, cảm cúm, nhức đầu,… Hay lá tia tô rất tốt cho người mắc bệnh gout, người bị ngộ độc hải sản, giảm béo cho các chị em sau Tết bị tăng cân.
Mặc dù là món ăn ngon, bổ dưỡng nhưng tuyệt đối không nên ăn quá nhiều vì dễ gây đầy bụng do ốc có tính lạnh. Hơn nữa, ốc cũng lâu tiêu nên không nên ăn quá nhiều.
Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyễn Văn Lân – Viện Y học cổ truyền Quân, những người mới ốm dậy, mới đẻ, người lạnh bụng, đại tiện phân lỏng hoặc phân sống không nên ăn. Tuy nhiên những người nhiệt nhiều, những người gầy, nóng, đại tiện táo bón ăn bún ốc rất tốt bởi ốc và bún đều là lạnh".