Viêm họng kiêng ăn gì? Các loại đồ ăn khiến bạn đau họng mãi không khỏi

H.M - Ngày 01/10/2021 16:10 PM (GMT+7)

Viêm họng là tình trạng khá quen thuộc và thường gặp ở nhiều người. Thông thường, viêm họng sẽ thuyên giảm mà không cần phải điều trị. Kiêng ăn một số loại thực phẩm cũng là cách để giảm viêm họng.

Viêm họng xảy ra khi cổ họng bị viêm và kích ứng. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân bao gồm virus, vi khuẩn hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Viêm họng có thể gây khó chịu, đặc biệt là khi nói, ăn uống và đôi khi thậm chí  khiến bạn khó thở. Có nhiều biện pháp khắc phục, chẳng hạn như uống nhiều chất lỏng như nước và trà, súc miệng nước muối và ngậm nước muối để giảm đau tạm thời. 

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống có thể khiến tình trạng viêm họng trở nên trầm trọng hơn. Khi bị viêm họng, cảm giác đau rát và khó chịu có thể khiến bạn gặp khó khăn khi ăn uống. Vậy bị viêm họng kiêng ăn gì hay nên ăn những thực phẩm nào để hết viêm họng?

Bị viêm họng nên ăn gì?

Thức ăn mềm và dễ nuốt sẽ giúp hạn chế tình trạng kích ứng cổ họng. Thức ăn và đồ uống ấm cũng có thể giúp làm dịu cổ họng bị viêm.

Một số loại thực phẩm nên ăn khi bị viêm họng là:

- Mì ống nấu chín

- Bột yến mạch ấm, ngũ cốc nấu chín

- Rau nấu chín

- Sinh tố trái cây hoặc rau

- Khoai tây nghiền

- Nước canh

- Nước trái cây không có cồn, chẳng hạn như nước ép nho hoặc táo

- Trứng bác hoặc trứng luộc chín. Nhiều người thường thắc mắc khi viêm họng có được ăn trứng không thì câu trả lời là có. Trứng mềm, dễ ăn và chứa nhiều dinh dưỡng tốt giúp bạn phục hồi sức khỏe. Tất nhiên cũng không nên ăn quá nhiều trứng, dễ gây khó tiêu.

Ăn và uống những món này sẽ giúp bạn được bổ sung dinh dưỡng mà không gây khó chịu cho chứng đau họng.

Một số thực phẩm mềm, dễ nuốt sẽ khiến tình trạng viêm họng thuyên giảm. (Ảnh minh họa)

Một số thực phẩm mềm, dễ nuốt sẽ khiến tình trạng viêm họng thuyên giảm. (Ảnh minh họa)

Viêm họng kiêng ăn gì?

Bạn nên tránh những loại thức ăn có thể gây kích ứng cổ họng nhiều hơn hoặc khó nuốt. Những thực phẩm này có thể bao gồm: Bánh quy giòn, bánh mì giòn, gia vị cay, nước ngọt có ga, cà phê, rượu, thực phẩm ăn nhanh khô, chẳng hạn như khoai tây chiên, bánh quy hoặc bỏng ngô; rau tươi; trái cây có tính axit, chẳng hạn như cam, chanh, cà chua và bưởi...

Ở một số người, sữa có thể làm đặc hoặc tăng sản xuất chất nhầy. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm họng.

Thực phẩm có axit

Thực phẩm như cà chua, cam, bưởi, chanh có tính axit và có thể gây kích ứng cổ họng. Ăn chúng cũng dẫn đến trào ngược axit, có thể là chất xúc tác cho cơn đau họng.

Đồ ăn cay nóng

Bất kỳ món ăn nào có nước sốt nóng, ớt bột, nhục đậu khấu, hạt tiêu hoặc bột cà ri đều có thể làm đau họng hơn do chúng khiến cho tình trạng viêm trở nên trầm trọng. Điều này là do gia vị cay nóng kích hoạt tuyến nước bọt và tạo ra một lượng lớn chất nhầy trong cổ họng. Chất nhầy tích tụ khiến bạn phải hắng giọng nhiều hơn và gây khó chịu thêm.

Thực phẩm chưa chín

Rau chưa nấu chín không lý tưởng để ăn khi bạn bị đau họng. Điều này là do chúng quá khô và thô, thường có các cạnh sắc nhọn có thể khiến bạn cảm thấy đau họng hơn và khó nuốt.

Đồ chiên rán

Khi bạn không khỏe, hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu, vì vậy những thực phẩm không lành mạnh như khoai tây chiên hoặc gà rán sẽ không khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Mặc dù thức ăn chiên rán không gây ảnh hưởng trực tiếp đến chứng viêm họng nhưng chúng không có tác dụng làm giảm bất kỳ triệu chứng nào hoặc giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Sữa chua

Chúng ta thường nói sữa chua rất tốt cho sức khỏe đường ruột, nhưng ăn sữa chua khi bạn bị viêm họng và ho sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Điều này là do sữa chua làm đặc chất nhầy bạn tiết ra, khiến bạn ho nhiều hơn và khó chịu hơn ở cổ họng.

Nước ngọt có ga

Nước ngọt có ga gây ra tình trạng viêm, vì vậy hãy tránh đồ uống này khi đang bị đau họng. Tương tự như thức ăn chiên rán, đồ uống có hàm lượng đường cao sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn. Cách tốt nhất là uống nhiều nước lọc.

Cà phê

Caffeine trong cà phê làm mất nước và có thể khiến cho cơn đau họng tồi tệ hơn. Nó cũng là một chất lợi tiểu và dễ gây nôn nao cũng như khiến bạn cảm thấy khát, ngứa ngáy cổ họng hơn. 

Cách làm hết viêm họng

Cách đầu tiên và hiệu quả nhất để giảm đau họng là súc họng bằng nước ấm và muối. Đổ khoảng một thìa muối vào 250ml nước ấm. Khuấy đều muối trong nước. Sau đó, nhấp vài ngụm, ngửa đầu ra sau và súc miệng. Đảm bảo không nuốt, nhổ ra và lặp lại.

Nên súc họng bằng nước muối ấm, uống trà thảo dược để cơn viêm họng chóng khỏi

Nên súc họng bằng nước muối ấm, uống trà thảo dược để cơn viêm họng chóng khỏi

Một số biện pháp thảo dược cũng có thể sẽ giúp ích khi bị đau họng. Thuốc xịt họng, thuốc nhỏ hoặc trà thảo dược có chứa rễ cam thảo hoặc hoa kim ngân có thể giúp giảm đau. Tuy nhiên, trước khi sử dụng phương pháp điều trị bằng thảo dược, hãy đảm bảo rằng bạn không gặp phản ứng phụ, dị ứng, tương tác với các loại thuốc này hay tương tác với các chất bổ sung thảo dược khác.

Nếu bạn không chắc mình có thể dùng thuốc gì một cách an toàn, hãy hỏi bác sĩ. Điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn đang mang thai. Một số liệu pháp thảo dược không an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai.

Bạn cũng có thể sử dụng các phương thuốc không kê đơn như viên ngậm trị viêm họng. Nó không chỉ giúp giảm đau họng một chút mà nhiều loại viên ngậm còn có hương vị dễ chịu.

Nếu dùng các cách trên mà tình trạng đau họng vẫn tiếp diễn, bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

Hầu hết các cơn đau họng xảy ra do nhiễm virus, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm, hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như viêm họng liên cầu khuẩn. Nếu bạn bị nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh. 

Viêm họng cũng có thể xảy ra do các yếu tố môi trường như dị ứng theo mùa, hít phải khói thuốc lá, hoặc thậm chí do không khí khô. Những người ngủ ngáy cũng dễ bị viêm họng.

Tốt nhất nên đi khám nếu cơn đau họng kéo dài quá lâu khiến bạn rất khó chịu hoặc khi bạn xuất hiện thêm các triệu chứng khác như:

- Khó nuốt hoặc khó thở

- Sốt

- Phát ban

- Đau nhức không rõ nguyên nhân hoặc đau khớp

Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu tình trạng đau họng kéo dài hơn một tuần. 

Nguồn tham khảo:

What to Eat and Drink When You Have a Sore Throat - đăng tải trên trang tin Health Line. Xuất bản ngày 15/8/2019.

7 FOODS TO AVOID IF YOU HAVE A SORE THROAT - đăng tải trên trang tin Naturally Sassy. Xuất bản ngày 19/1/2021.

Đau mắt kiêng ăn gì? Những thực phẩm cần tránh để mắt không bị tổn thương thêm
Khi bị đau mắt hoặc gặp các bệnh về mắt, có một số loại thực phẩm mà bạn nên tránh để sức khỏe đôi mắt được cải thiện.

Bệnh mắt

H.M (Dịch từ Health;ine)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh viêm họng