Mỗi đĩa cơm đều được chị Ngọc Mai nặn bằng tay rất tỉ mỉ, đẹp mắt, sống động với nhiều tạo hình khác nhau, ai thấy cũng phải khâm phục.
Sang Nhật được 4 năm sống với chồng, lại sinh 2 con trai nên chị Ngọc Mai (33 tuổi) ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình. Chính vì thế, chị có nhiều thời gian để dành cho việc bếp núc. Mỗi ngày chị đều nấu ăn 3 bữa với những món khác nhau để chồng và con không bị ngán.
Đặc biệt, để con ăn vui vẻ chị làm những đĩa cơm với các tạo hình vô cùng sống động và bắt mắt hàng ngày. Khi chia sẻ những bữa ăn như vậy lên mạng xã hội, chị được hàng nghìn chị em ngưỡng mộ, phong là "bà mẹ quốc dân" vì quá chăm chỉ và đảm đang.
8X cho biết, 2 bé trai song sinh của chị không hề kén ăn hay biếng ăn nhưng vì muốn bữa cơm của con trở nên vui vẻ, hấp dẫn hơn nên chị quyết tâm tìm hiểu rồi thực hiện cách tạo hình như vậy. Lúc mới bắt tay vào việc này, chị cần phải sử dụng đến các khuôn có sẵn hình đầu của các con vật như gấu, mèo, thỏ... nhưng vì chưa quen nên phải mất 3-4 tiếng mới xong 1 đĩa cơm gồm có cơm, canh và đồ ăn mặn.
Bà mẹ đảm cũng thường xem sách hướng dẫn dạy làm cơm hình các con vật cho bé và xem trên mạng, nhìn hình rồi làm theo. Sau này con biết nói nên tối trước khi đi ngủ chị hay hỏi bé ngày mai muốn ăn gì. Bé trả lời muốn ăn mickey hay hươu cao cổ hay con gì đó... ngày hôm sau chị sẽ thực hiện. Chính vì vậy, con càng hào hứng và thích thú hơn.
Sau một thời gian làm quen, khi đã thạo việc nặn cơm rồi, chị không còn sử dụng các khuôn ép cơm nữa vì nhận thấy cơm khi ép bằng khuôn hay bị cứng con rất khó thưởng thức. Do đó, chị quyết định nặn cơm bằng tay để điều chỉnh lực bàn tay sao cho vẫn ra hình dạng nhưng bên trong cơm vẫn mềm xốp, các bé vừa dễ ăn và cũng ngon hơn nhiều. Ngoài ra, gần đây phần thân của các con vật không có khuôn cắt sẵn nên chị đều nặn bằng tay. Chỉ có mắt, mũi, miệng nếu có khuôn cắt thì bà mẹ đảm sẽ dùng, còn không chị sẽ tự cắt bằng kéo.
Chị cũng cho biết, thời gian đầu cứ loay hoay không biết nắn thế nào, sắp xếp đồ ăn và rau ra sao để trông bắt mắt, giờ làm quen tay nên 8X cứ nghĩ gì thì làm đó thôi, chỉ khoảng 30 phút là xong.
"Mình rất may mắn vì con không thuộc dạng kén ăn, dù cơm mình có làm đẹp mắt hay không, hay chỉ đơn giản múc cơm và đồ ăn để vào dĩa con vẫn vui vẻ ăn hết, mình làm chỉ muốn thấy con vui hơn, và ở độ tuổi con mình 2,5 tuổi thì việc nhìn ngắm các con vật hay các màu sắc sẽ làm con phấn khích hơn", chị tâm sự.
Khi thấy các đĩa cơm mẹ làm, 2 bé trai song sinh của chị luôn thốt lên từ tiếng Nhật là “Oishisou” có nghĩa là “trông ngon quá”. Sau đó các con sẽ bốc thử một món gì đó, khi ăn xong 2 nhóc đều giơ ngón cái ra hiệu “good”. Điều đó khiến chị Mai cảm thấy rát vui vì nỗ lực của mình đã được con chấp nhận, và lần nào con cũng ăn hết các món mẹ làm. Chỉ khi nào không ăn nổi nữa bé sẽ tự nói “Gochisosama” có nghĩa là “cảm ơn về bữa ăn ngon”. Sau đó, tối đi ngủ thì 8X sẽ hỏi bé suy nghĩ xem ngày mai con muốn ăn gì... Chỉ điều đó thôi mà mấy mẹ con chị bàn tán cả buổi.
Các nguyên liệu làm món ăn của con hầu như chị đều nấu chung với gia đình. Từ khi con ăn cơm cùng thì chị nấu gia vị nhạt hơn và luôn dùng đồ tươi mới nấu, chứ ít khi dùng món đã chế biến sẵn. Mỗi bữa đều có thực đơn khác nhau nên con ăn rất hào hứng và không hè bị ngán.
Tuy nhiên, chị cũng cho rằng, các bà mẹ khác để làm được việc này cần có nhiều thời gian, ngoài ra các bé có thực sự hợp tác trong ăn uống hay không. "Vì nếu con mình có ngày không muốn ăn thì mình cũng không ép được, đành cho nhịn đói luôn".