Vốn đảm đang nên chị Hải Yến lên kế hoạch chi phí rất phù hợp với điều kiện của gia đình mình, mỗi bữa dao động từ 100-200 nghìn đồng.
Là người phụ nữ của gia đình nên chị Hải Yến (31 tuổi, Thái Bình) dù bận bịu đến mấy cũng cố gắng vào bếp nấu ăn cho cả nhà. Chị đảm nhiệm nấu ăn hầu hết các bữa sáng và bữa tối trong ngày bởi các thành viên gia đình không ai có thói quen ăn hàng quán. Chỉ có buổi trưa các con chị đi học, hai vợ chồng đi làm mới phải ăn bên ngoài. Nấu ăn nhiều thành một thói quen khiến đây không còn là trách nhiệm nữa mà biến thành sở thích của chị Yến lúc nào không hay.
"Cứ mỗi khi mình vào bếp là quên đi mệt nhọc, được nấu nướng cũng là một cách tự tìm niềm vui cho chính mình", chị Yến nói.
Chị Hải Yến
Gia đình chị hiện tại có 3 người lớn và 2 trẻ nhỏ vì thế mỗi bữa ăn 8X chế biến rất nhiều món. Mỗi bữa như vậy chị thường dành từ 30-60 phút để chế biến. Do bận bịu công việc nên để tiết kiệm thời gian, bà mẹ 2 con thường mua đồ về sơ chế rồi cất tủ lạnh, khi nào cần chỉ việc mang ra nấu. Ngoài ra, chị sẽ nấu những món cầu kỳ trước, sau đó vừa canh bếp vừa chuẩn bị những món tiếp theo. Thường cùng 1 lúc chị sẽ nấu 2 bếp để tranh thủ thời gian nhất có thể.
Vốn đảm đang nên chị Yến lên kế hoạch chi phí rất phù hợp với điều kiện của gia đình mình. "Vì tiền ăn cũng nằm trong sinh hoạt phí nên mình có dự toán tiền ăn cho cả tháng, sau đó chia ra từng tuần rồi từng bữa. Bữa nào ăn nhiều tiền thì bù cho những nữa ít tiền hơn, đâu đó dao động khoảng 100-200 nghìn/bữa", chị tâm sự.
Khi nấu ăn điều đầu tiên 8X quan tâm là bữa đó có đủ dinh dưỡng không đủ. Trong thực đơn đã có 3 món mặn, xào, canh hay chưa. Ngoài ra chị còn xem xét bữa đó phải đáp ứng được sở thích của mỗi người hay không. Từ đó, các món ăn được chị thay đổi thường xuyên để không bị trùng lặp liên tục, gây ra sự nhàm chán, không muốn ăn của mỗi người trong nhà.
Vào những ngày cuối tuần được nghỉ làm, 8X sẽ đi chợ mua thực phẩm dự trữ cả tuần. Sau đó về sơ chế và chia sẵn ra từng bữa đem bảo quản. Ngày hôm trước chị sẽ nghĩ thực đơn cho ngày hôm sau rồi cứ thế mà thực hiện, vừa nhanh gọn lại ít tốn thời gian.
Chị Hải Yến tâm sự, hạnh phúc của người đứng bếp là thấy chồng con ăn hết sạch các món mình nấu với cảm giác ngon miệng. Ông xã chị vốn ít nói nhưng chỉ cần thấy anh xoa bụng, kêu no căng bụng là đủ hiểu anh thích các món chị nấu thế nào. Các con chị thì thường xuyên khen "cơm mẹ nấu là ngon nhất", nên dù có mệt mấy đi nữa chị cũng cố gắng vào bếp làm cơm ngon cho cả nhà.
Với bà mẹ đảm đang, bữa cơm gia đình vô cùng quan trọng. "Cả ngày bận rộn với công việc nên các thành viên trong nhà ít có cơ hội gắn kết với nhau. Qua bữa cơm gia đình, cả nhà quây quần để có thể chia sẻ về một ngày làm việc học tập. Ở đó người chồng dù có về muộn thế nào cũng nhất định ăn cơm vợ nấu, người vợ dù thế nào cũng đợi chồng về ăn cơm". Chính vì ý thức được điều đó, nên cứ như một thói quen, ai vợ chồng chị lúc nào cũng đợi cơm nhau dù muộn đến cỡ nào.