Nhiều người dân bản địa khẳng định, bánh nướng Cao Bằng có giá cực rẻ nhưng đảm bảo chất lượng, không sử dụng phụ gia bảo quản và mang hương vị thơm ngon.
Bắt đầu từ khoảng tháng 7 âm hàng năm, bánh Trung thu bắt đầu được bày bán khắp đường phố. Những cửa tiệm bánh truyền thống hay các cơ sở sản xuất lớn “đua nhau” tung ra thị trường mặt hàng bánh nướng, bánh dẻo đủ nhân hấp dẫn người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bánh Trung thu handmade cũng được nhiều người tin mua bởi chất lượng an toàn, giá thành phù hợp với túi tiền.
Năm nay, thị trường xuất hiện một loại bánh có giá thấp chưa từng thấy. Chỉ với 20.000 đồng, khách hàng có thể sở hữu 1 cọc 5 chiếc bánh nướng nhân đậu xanh hoặc thập cẩm.
Bánh nướng đủ nhân giá rẻ 4.000 - 10.000 đồng/chiếc
Trên các trang mạng xã hội, những lời quảng cáo, rao bán loại bánh nướng giá cực rẻ từ 4.000 - 10.000 đồng/chiếc đã thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Theo đó, sản phẩm bánh nướng “thần thánh” có xuất xứ từ Cao Bằng, gồm 2 loại nhân thập cẩm và đậu xanh.
Lời quảng cáo, rao bán loại bánh nướng giá cực rẻ từ 4.000-10.000 đồng/ chiếc đã thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng.
Chị Đào Hà (Đống Đa - Hà Nội) chuyên kinh doanh online các sản phẩm tiêu dùng - thực phẩm cho biết: “Tình cờ, mình được người bạn ở Cao Bằng cho ăn thử món bánh nướng nhân đậu xanh. Đưa miếng bánh vào miệng, mình cảm nhận được sắc vị mềm, thơm ngon, không quá ngọt và ngấy như bánh của hãng sản xuất công nghiệp. Do vậy, mình đã nhờ bạn mua vài túi về cho tụi trẻ ăn vặt. Thấy con ăn nhiều nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe, mình quyết định mua buôn và rao bán trên mạng”.
Chiếc bánh nướng Cao Bằng có hình vuông với trọng lượng 100g, vỏ ngoài được nướng vàng với các loại nhân bên trong. Đặc biệt, bánh không sử dụng chất bảo quản, nên hạn sử dụng rất ngắn ngày. Thông thường, bánh được đóng gói đơn giản, 5 chiếc gói chung 1 túi nilon tạo thành cọc dài kèm theo tờ giấy ghi rõ thành phần, địa chỉ sản xuất,...
Thông thường, bánh được đóng gói đơn giản, 5 chiếc gói chung 1 túi nilon tạo thành cọc dài kèm theo tờ giấy ghi rõ thành phần, địa chỉ sản xuất,...
Mỗi cọc bánh 5 chiếc, chị Hà bán với giá 50.000 đồng. Chị cho biết, khách đến nhà xem bánh, ăn thử và mua rất nhiều. Thậm chí, họ mua cả thùng về cất giữ ăn trong nửa tháng.
Trong một diễn đàn khác, bánh nướng Cao Bằng được bán với giá rẻ chưa từng thấy, dao động từ 4.000-5.000 đồng/chiếc. Theo đó, bánh có 3 vị thập cẩm, đỗ xanh và tàu xá (đỗ đen và đường). Khi chỉ ra mức giá chênh lệch quá nhiều, chủ “shop” bánh nướng giải thích: “Bánh nướng được gia đình chú họ tôi sản xuất, chất lượng đảm bảo và không sử dụng phụ gia bảo quản. Hằng năm, tôi thường lấy buôn bán với giá của người nhà. Chính vì thế, tôi bán ra thị trưởng giá rẻ hơn những nơi khác”.
Người dân Cao Bằng bán bánh theo giá trị thật...
Trước giá bán siêu rẻ, nhiều người tiêu dùng cảm thấy hoang mang và lo lắng về chất lượng sản phẩm chiếc bánh nướng Cao Bằng. Thậm chí, họ nghĩ đó là bánh có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Chị Hoa Nguyễn (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết: “Gần đây, mình có thấy vài mẹ bỉm sữa dành lời khen có cánh cho bánh nướng Cao Bằng thơm ngon, giá rẻ. Họ có rủ mình mua chung cho các con ăn. Tuy nhiên, mình không tin loại bánh nướng đó do chính tay người Việt mình sản xuất. Bởi, chi phí để làm ra một chiếc bánh nướng không thể thấp đến mức “cho không” như vậy! Mình ngờ rằng, bánh được nhập từ Trung Quốc và đóng nhãn mác hàng Cao Bằng”.
Theo người dân sinh sống tại Cao Bằng, bánh nướng được bán theo đúng giá trị thật
Tuy nhiên, theo ý kiến của một người dân bản địa, loại bánh nướng rẻ tiền này được người dân Cao Bằng sản xuất quanh năm. Bạn Kiều Giang (Trùng Khánh - Cao Bằng) khẳng định, từ nhỏ Giang đã được thưởng thức món bánh nướng gia công. Tại các xưởng nhỏ ở Cao Bằng, người dân sản xuất bánh nướng bằng phương pháp thủ công với những loại nguyên liệu sẵn có. Vì thế, giá bán bánh ra thị trưởng rất thấp.
“Ở quê mình, các hộ gia đình chế biến bánh nướng quanh năm như một thức quà quê. Họ làm bánh với những nguyên liệu, nhân công của chính gia đình nên chi phí rất thấp. Đặc biệt, họ không sử dụng các chất phụ gia để bảo quản bánh lâu. Nhờ đó, họ bán bánh cho các tiểu thương với giá trị thật, lấy công làm lãi”, Kiều Giang tâm sự.
Mặc dù được một người dân bản địa khẳng định như vậy nhưng chất lượng thực của chiếc bánh vẫn là một câu hỏi thắc mắc cho nhiều người tiêu dùng. Tuy trên bánh có ghi rõ thành phần nguyên liệu, địa chỉ sản xuất nhưng giá rẻ đến bất ngờ khiến người mua phải cảnh giác. Do đó, cách tốt nhất, khi mua, chị em nội trợ cần lưu ý lựa chọn bánh Trung thu có nguồn gốc rõ ràng, nhiều người biết đến... để đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm cho bản thân cũng như cho gia đình.