Mứt Tết là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền dân tộc, mang đậm nét văn hóa của người Việt mỗi dịp đầu xuân năm mới.
Ngày Tết, cùng nhau quây quần, nhâm nhi tách trà ấm, thưởng thức các loại mứt Tết đủ vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay, giòn mềm và hàn huyên những câu chuyện vui, mang lại cảm giác ấm cúng và gắn kết mọi người trong gia đình.
Tết này, bạn có thể không cần mua mứt ở ngoài nữa mà hãy tự tay làm mứt Tết tại nhà sẽ vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa ngon lại bổ dưỡng, đặc biệt không làm mất đi những giá trị dinh dưỡng và “vị thuốc” có trong mứt.
1. Mứt gừng
Đây là món mứt có hương thơm và vị cay cay, ngọt nhẹ, tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp làm ấm cơ thể, lưu thông khí huyết rất hữu hiệu khi vào mùa lạnh. Ngoài ra, vào dịp lễ Tết, tình trạng ăn uống nhiều bữa, uống bia rượu và ăn nhiều các chất béo khiến hệ tiêu hóa dễ bị rối loạn, lúc này mứt gừng có tác dụng trong việc giảm đầy hơi, khó tiêu, trướng bụng và kích thích tiêu hóa rất tốt.
Mứt gừng là một trong những loại mứt khá dễ làm và nguyên liệu thì rất dễ mua. Khi làm mứt gừng, bạn nên chọn những loại gừng non, củ màu vàng, ăn sẽ ít cay và không có nhiều sơ như gừng già.
Để hạn chế độ cay của gừng khi làm mứt Tết thì bạn gọt vỏ, rửa sạch rồi thái lát sau đó cho vào ngâm với pha loãng đường và muối sẽ giảm bớt độ hăng cay, ăn ngon hơn.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt gừng
2. Mứt dừa
Đây là loại mứt được đông đảo mọi người ưa thích, đặc biệt là trẻ nhỏ. Mứt dừa khi làm thành phẩm dạng sợi mỏng hoặc dạng thanh, ăn vị dẻo dẻo, ngọt vừa, bùi bùi và thơm mùi dừa rất đưa miệng. Mặc dù, cơm dừa để làm mứt dừa chỉ có màu trắng nhưng bạn có thể pha trộn thêm màu sắc xanh từ lá dứa, màu cam từ cà rốt, và màu tím đỏ từ thanh long để tăng thêm độ hấp dẫn cho món mứt này.
Tuy là món ăn vặt ngày Tết nhưng ít ai biết, mứt dừa lại có tác dụng tốt cho sức khỏe như nhuận tràng, giảm táo bón, thanh nhiệt và giảm mụn nhọt khá tốt.
Để làm được mứt dừa ngon, bạn nên chọn loại dừa bánh tẻ, tức dừa không quá non hay quá già, có thể bấm móng tay vào. Phần màng bám ngoài cùi dừa sau khi đẽo lớp vỏ cứng sẽ có màu nâu nhạt là dừa bánh tẻ, nâu đậm là dừa già. Dừa già ăn sẽ cứng và dễ bị gãy khi làm mứt.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt dừa
3. Mứt bí
Được chế biến từ loại quả thường được dùng làm nấu các món canh nhưng khi làm mứt lại cực kỳ ngon đó chính là quả bí xanh (bí đao). Loại mứt Tết này khi làm xong sẽ có hình thanh vuông nhỏ như chiếc đũa, màu trắng, bên ngoài có độ cứng cứng, giòn giòn nhưng khi ăn bạn sẽ thấy mứt bí ngọt mềm, tan nhanh trong miệng.
Nếu bạn làm mứt bí tại nhà thì nên chọn những quả bí xanh già màu xanh đậm, không bị dập, cầm nặng tay và có phấn trắng bám ngoài mặt vỏ khi làm mứt sẽ không bị ngót, xốp và mềm.
Mứt bí có vị ngọt, tính mát giúp tiêu đàm, lợi tiểu, hết táo bón và mụn nhọt, nóng trong người.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt bí
4. Mứt khoai lang
Nhắc đến khoai lang thì các món ăn vặt chế biến từ loại củ này khá nhiều như khoai lang kén, khoai lang chiên, bánh khoai lang, khoai lang lắc phô mai… nhưng để mà đặc biệt nhất thì có lẽ, món mứt khoai lang sẽ khiến bạn cảm thấy rất thú vị.
Màu vàng tự nhiên bắt mắt của mứt khoai lang mà không cần pha trộn phẩm màu, cắn một miếng bạn sẽ thấy vị dẻo dẻo, thơm thơm và ngọt ngọt của khoai lang. Món mứt này nếu ngào đường không ngọt quá thì bạn có thể ăn no mà không thấy ngán.
Ngoài ra, khoai lang còn chứa nhiều chất xơ có tác dụng giúp nhuận tràng, các loại vitamin E, C… tốt cho cơ thể.
Khi chế biến mứt khoai lang thì bạn nên lựa chọn khoai lang vỏ tím, ruột vàng và không bị hà. Nếu muốn dẻo và màu đậm hơn thì bạn có thể chọn khoai lang mật.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt khoai lang
5. Mứt me
Thường những loại đồ ăn có vị chua chua ngọt ngọt mọi người sẽ rất thích ăn, mứt me cũng vậy. Tuy nhiên, thời gian sơ chế me để làm mứt cũng khá lâu, từ 1 đến 2 ngày nên khi dự định làm món này, bạn cần làm sớm để ăn đúng dịp Tết.
Đổi lại, mứt me có hương vị rất thơm ngon, vị dẻo, có vị chua chua cay cay và ngọt mặn rất vừa miệng.
Thưởng thức mứt me ngày Tết, ngoài là món ăn chơi thì đây là món ăn có lợi cho sức khỏe, giúp bổ sung vitamin B2, B3, sắt, kẽm, kali và chất xơ tốt cho tiêu hóa.
Làm mứt me ăn Tết thì bạn nên chọn những trái me còn nguyên vẹn, không bị sâu đục hay ọp ẹp, còn nguyên cuống lá xanh, vỏ rám xanh, chắc quả. Để tăng thêm hương vị mới lạ cho món này thì bạn có thể kết hợp thêm với ớt, hạt tiêu và gừng.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt me
6. Mứt quất
Vào mùa xuân, quất rất nhiều và bạn nên lựa chọn loại quả này làm mứt vì nguyên liệu phong phú và giá rất rẻ, mứt quất cũng rất thơm ngon.
Mứt quất ngọt dẻo dễ ăn, không bị đắng như lúc chưa chế biến. Ngoài ra, quất còn cung cấp các loại vitamin C, A, B2, chất xơ,... hỗ trợ chữa ho do cảm lạnh, kích thích tiêu hoá, viêm họng khá tốt.
Để có được những đĩa mứt có màu đẹp và ngon, bạn nên chọn những quả quất chín vàng, vỏ căng mọng, không chọn quất xanh quá hoặc quất chín già, nẫu khi làm mứt sẽ bị nát, ăn không ngon. Quất được rửa sạch sau đó cho vào chậu nước pha muối loãng, ngâm trong nước muối 30 phút sau đó rửa lại một lần nữa với nước sạch rồi chế biến.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt quất
7. Mứt cam
Với nguyên liệu là trái cam vàng căng mọng, bạn có thể chọn cách làm mứt cam dẻo bằng cách thái cam thành từng lát rồi đem chế biến hay lấy phần vỏ cam để làm mứt cam dẻo đều được.
Nếu sơ chế và chế biến đúng cách thì bạn có thể loại bỏ được hết phần tinh dầu gây nên vị đắng ở vỏ và khi ăn sẽ thấy dẻo thơm, ngọt ngọt rất ngon. Ngoài ra, bạn có thể pha nước mứt cam với một chút mật ong hoặc gừng và một chút nước ấm để thanh lọc cơ thể, tinh thần thoải mái và tốt cho tiêu hóa.
Khi làm mứt cam tại nhà đón Tết Nguyên Đán, các bạn chọn cam là loại cam vàng, mứt làm xong sẽ có màu đẹp và không bị đắng.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt cam
8. Mứt cà rốt
Cà rốt bạn có thể chế biến thành mứt dạng viên, dạng thái lát hoặc dạng sợi tùy thích nhưng màu sắc và hương vị vẫn rất hấp dẫn, ăn dẻo dẻo, ngọt ngọt, thưởng thức cùng ly trà ấm thì thật tuyệt.
Tác dụng của mứt cà rốt giúp bổ sung lượng vitamin A dồi dào tốt cho mắt. Ngoài ra, loại củ này còn chứa nhiều glucoza, lecithin, carotene... giúp kích thích ăn uống và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Lưu ý khi làm mứt cà rốt là bạn không nên chọn những củ dáng cong, sẽ khó làm hơn, những củ bị sâu, nhỏ quá cũng không chọn mua vì sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng món mứt. Nên chọn củ to, thẳng, màu vàng tươi và còn tươi cuống sẽ cho chất lượng tốt nhất.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt cà rốt
9. Mứt dâu tây dẻo
Các loại mứt Tết như mứt gừng, mứt bí, mứt dừa đã quá quen thuộc với mọi người thì bạn có thể thử làm ngay món mứt dâu tây dẻo, hương thơm nhẹ của dâu tây, chua ngọt thanh thanh và dẻo dẻo và màu sắc đỏ bắt mắt chắc chắn sẽ đắt khách vô cùng.
Ngoài ra, dâu tây còn là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời cho cơ thể, hạn chế viêm nhiễm và tăng cường chất xơ, ngừa nếp nhăn và loại bỏ cholesterol có hại…
Để mứt dâu tây thành phẩm chuẩn vị và màu sắc bắt mắt thì bạn nên chọn những quả dâu tây chín ngọt, có màu đỏ tươi, đều màu, căng mọng nước. Không nên mua những quả dâu tây có màu sắc không đều, những quả có đốm xanh trắng trên thân quả thường là những quả được hái khi vẫn chưa chín, chúng thường có vị chua, ít nước.
Tham khảo cách làm mứt dâu tây tại nhà
10. Mứt hồng dẻo
Bạn hãy thử bắt tay vào làm món mứt hồng dẻo dẻo dai dai ngọt thơm tự nhiên để đón Tết, đảm bảo nhận mưa lời khen vì quá khéo tay.
Tuy nhiên, yếu tố thành công của món mứt Tết này là cách chọn quả hồng, bạn cần chọn đúng những quả hồng giòn đã chín, săn chắc và không mềm ỉu, còn nguyên cuống để khi thực hiện dễ dàng hơn, lúc bảo quản cũng được lâu hơn. Không chọn quả bị dập, có chấm đen xung quanh.
Cách làm món mứt này cũng khá dễ dàng, bạn sơ chế hồng và cho phơi nắng vàng hoặc sấy khô sau đó bảo quản rồi dùng dần.
Mứt hồng có vị ngọt, không còn vị chát và có tác dụng thanh nhiệt, giảm táo bón, đau nhức do bệnh trĩ…
Tham khảo chi tiết cách làm mứt hồng dẻo treo gió cực ngon
11. Mứt quất hồng bì
Đây là món mứt cực kỳ mới lạ trong thời gian gần đây được chị em cực kỳ ưa thích. Bạn lựa chọn những quả hồng bì tươi sau đó lột bỏ hạt bằng cách bóp nhẹ sau đó ngâm với đường và muối sau đó cho vào sên rồi phơi nắng hoặc sấy khô là xong.
Vị ngọt dai dai, dẻo dẻo, chua chua ngọt ngọt và thơm đậm mùi vỏ quất hồng bì giúp bạn làm mới các loại mứt Tết của mình để đãi khách. Thưởng thức mứt quất hồng bì còn có tác dụng chống ho, tiêu đờm, kích thích tiêu hóa, cầm nôn.
Vào mùa quất hồng bì từ tháng 6 đến tháng 7 thì bạn nên chuẩn bị cho mình một vài lọ mứt từ loại quả này để đón Tết nhé.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt quất hồng bì ngon
12. Mứt củ sen
Củ sen tươi ăn giòn, ngọt thanh và thơm mát nhưng khi chế biến thành mứt lại ăn rất mềm, bùi ngùi thơm thơm. Bạn nên chọn củ sen to, không già quá và không non quá, thành củ sen dày để làm mứt không bị ngót nhiều.
Ngoài là món ăn vặt ngày Tết, mứt củ sen còn có tác dụng an thần, điều hòa giấc ngủ nên rất phù hợp cho những ai bị chứng mất ngủ.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt củ sen
13. Mứt mận
Chua chua, ngọt ngọt thanh thanh thanh và màu đỏ cực kỳ bắt mắt, đặc biệt là mứt mận để được lâu nên có thể ăn được quanh năm.
Nếu muốn làm mứt mận tại nhà, bạn nên chọn những quả mận chín đỏ nhưng phải rắn chứ không mềm, quả căng mọng, vỏ sáng bóng như vậy làm mứt mận mới ngon.
Mứt mận màu đỏ đậm tượng trưng cho tình cảm gắn kết, yêu thương và hạnh phúc, cũng đúng như mong muốn của các gia đình trong ngày Tết đoàn viên.
Ngoài ra, mứt mận còn có tác dụng giảm căng thẳng, mệt mỏi, chuột rút cơ, cải thiện trí nhớ.
14. Mứt táo ta
Làm mứt này thì bạn có thể chọn táo ta chua hoặc táo ta ngọt tùy theo sở thích. Táo chua sẽ cho ta vị chua ngọt mặn, thêm chút cay cay nếu thích và ăn sẽ ít ngấy hơn so với táo ta ngọt kiểu truyền thống.
Làm mứt táo bạn cũng cần lựa chọn đầu vào là những quả táo to tròn, chín, màu vàng chanh và không bị sâu hay bị dập. Bạn cũng cần chú ý ở bên trong rất hay có sâu vậy nên chọn mua ở những nơi canh tác tốt và bổ thử xem nếu không sâu ở trong ruột thì mua.
Táo ta là một trong những loại quả rất giàu vitamin C, ngoài ra, các dưỡng chất trong quả này giúp ngăn ngừa chứng táo bón, ổn định dạ dày và ngăn ngừa thiếu máu.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt táo ta
15. Mứt mơ dẻo
Mơ có vị chua chua nhưng khi làm mứt lại ngon tuyệt, mứt ăn dẻo ngọt và thơm thơm của mùi gừng hòa quyện giúp bạn ấm bụng trong mùa lạnh của những ngày đầu xuân.
Để làm mứt mơ tròn vị, bạn chọn những quả mơ chín căng mọng nước, vỏ mỏng màu vàng. Không nên chọn những quả nhũn, dập nát. Mơ tươi dù chín vẫn cứng và còn nguyên lớp phấn mịn.
Tham khảo cách làm mứt mơ tại nhà
16. Mứt xoài dẻo
Mứt xoài có màu vàng bắt mắt, giàu vitamin C và lại tốt cho tiêu hóa, mứt xoài dẻo được các mẹ hay làm, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ lại rất thích ăn.
Nếu bạn làm mứt xoài dẻo thì nên chọn những quả xoài ương xanh, cầm chắc tay, cứng mà không mềm, không chọn xoài chín quá khi làm mứt sẽ bị nát.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt xoài
17. Mứt Kiwi
Kiwi là loại quả nhập khẩu từ New Zealand, Ý, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc nên giá thành khá cao so với với các loại hoa quả làm mứt khác nên mứt Kiwi phần nào ít được phổ biến hơn.
Tuy nhiên, loại quả này rất giàu dưỡng chất, có hương vị độc đáo, khi làm thành phẩm mứt, bạn chỉ cần cắn một miếng sẽ cảm nhận được sự dẻo dẻo thơm thơm, vị chua chua ngọt ngọt, màu xanh bắt mắt.
Tết này, ngồi quây quần bên người thân, thưởng thức mứt Tết kiwi mới lạ này thì còn gì bằng.
Tham khảo chi tiết cách làm mứt kiwi ngon dẻo đón Tết
Cách bảo quản mứt Tết
- Mứt bạn phơi sấy kỹ, sau đó chia từng phần nhỏ. Ăn đến đâu lấy ra đến đó, còn lại bạn cho vào hũ đựng, đậy kín nắp sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát (tùy từng loại mứt) để bảo quản và sử dụng trong khoảng 2 đến 3 tuần.
- Mỗi hũ đựng mứt khô, bạn cho vào một ít đường hoặc gói hút ẩm để đảm bảo mứt luôn được khô. Đối với loại mứt dẻo thì bạn không cần cho đường hoặc gói hút ẩm, loại mứt này thường bảo quản tốt trong thời gian từ 1 đến 2 tuần.
- Nếu mứt Tết khi ăn bạn đã thấy thay đổi mùi vị, không ngon như trước hoặc mứt xuất hiện màu sắc lạ, như đốm đen hoặc đốm trắng thì không nên sử dụng nữa vì đó có thể là mứt đã bị hỏng, lên men, nấm mốc ăn vào sẽ có hại cho sức khỏe.