Cô tiểu thư quyết rời cuộc sống nhung lụa, ở nhà thuê, đến với ẩm thực từ bàn tay trắng

Ngày 08/03/2018 11:22 AM (GMT+7)

Rời bỏ cuộc sống ấm êm, chấp nhận nhiều khó khăn và bắt đầu từ con số "0", Phan Tôn Tịnh Hải đã trở thành chuyên gia, thạc sĩ ẩm thực nổi tiếng.

Được biết đến là một chuyên gia, thạc sĩ ẩm thực và dinh dưỡng nổi tiếng nhưng ít ai biết chị Phan Tôn Tịnh Hải lại có những quãng thời gian đầy khó khăn, thử thách, thậm chí là từ hai bàn tay trắng để thành công hôm nay.

Cô tiểu thư quyết rời cuộc sống nhung lụa, ở nhà thuê, đến với ẩm thực từ bàn tay trắng - 1

Chỉ nghe qua tên họ đầy đủ của Phan Tôn Tịnh Hải, có lẽ ai cũng phần nào đoán được, chị có thân thế đặc biệt. Chị chia sẻ, bản thân mình may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có cội nguồn hoàng tộc và có truyền thống về ẩm thực cung đình Huế.

“Mẹ tôi là nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà. Từ nhỏ chị em tôi được mẹ dạy nấu nướng rất nghiêm túc và khắt khe. Nhà tôi có một nhà hàng cung đình Huế. Đến giờ ở tuổi 80, mẹ vẫn yêu thích và đam mê nghề bếp. Bà còn dành thời gian nghiên cứu về các nguyên liệu và gia vị, nghiên cứu về món ăn cung đình, chụp hình và viết sách ẩm thực”.

Chính tình yêu ẩm thực của mẹ tiếp thêm cho chị năng lượng và động lực để theo đuổi đam mê của chính mình sau này. Từ nhỏ, căn bếp trong nhà hàng cung đình Huế của gia đình khiến chị có cơ hội học hỏi mỗi ngày từ mẹ, từ những món ăn Huế bình dị đến những món ăn cung đình sang trọng và cầu kỳ.

Cô tiểu thư quyết rời cuộc sống nhung lụa, ở nhà thuê, đến với ẩm thực từ bàn tay trắng - 2

Từ nhỏ, căn bếp trong nhà hàng cung đình Huế của gia đình khiến chị có cơ hội học hỏi mỗi ngày từ mẹ, từ những món ăn Huế bình dị đến những món ăn cung đình sang trọng và cầu kỳ.

Hiện tại, đã là một thạc sĩ ẩm thực và dinh dưỡng, nhưng chẳng mấy ai biết chị Tịnh Hải thời tuổi mười tám, đôi mươi vốn là một sinh viên của Đại học Luật. Nếu như chẳng có gì thay đổi, giờ có thể chị đã là một luật sư theo đúng nghĩa. Vậy nhưng, cơ duyên đến với chị lại là nghề bếp.

“Khi ở Huế, tôi vừa học đại học luật song song với việc học tại trường cao đẳng văn hóa du lịch. Sau khi tốt nghiệp, tôi được mời về giảng dạy tại Trường trung cấp du lịch Huế”, chị nói.

Cũng trong thời gian này, chị may mắn được làm việc với thầy Tony, một Master Chef từ Luxembourg đến trường cộng tác giảng dạy. Nhận thấy chị có tiềm năng về ẩm thực nên thầy chọn chị tham dự vào khóa huấn luyện đặc biệt và được đi thực tập tại các khách sạn 5 sao ở Hà Nội. Chính môi trường này đã truyền cho chị nguồn cảm hứng mạnh mẽ để nhận ra rằng ẩm thực mới thật sự phù hợp với năng khiếu và nguyện vọng của bản thân mình.

Cô tiểu thư quyết rời cuộc sống nhung lụa, ở nhà thuê, đến với ẩm thực từ bàn tay trắng - 3

Thế là, hoàn toàn dứt áo với ngành luật như chưa hề có sự “quen biết”, chị đến với ẩm thực như một cơ duyên, mà cơ duyên ấy đã giúp chị tiến xa, thành công rực rỡ trong ngành này.

Cô tiểu thư quyết rời cuộc sống nhung lụa, ở nhà thuê, đến với ẩm thực từ bàn tay trắng - 4

Là con út, được ba mẹ và các anh chị yêu thương hết mực nên việc chị lựa chọn bỏ ngành luật hay từ bỏ việc giảng dạy bộ môn kỹ thuật chế biến món ăn vô cùng ổn định ở trường để theo đuổi nghề bếp đầy gian nan vất vả đã khiến cả gia đình chị không đồng ý.

Thế nhưng, ý chí đã định, quyết tâm theo đuổi nghề bếp chuyên nghiệp, chị đã rời xa gia đình, nơi đang công tác, để vào Sài Gòn, bắt đầu mọi việc từ con số “không”.

Cô tiểu thư quyết rời cuộc sống nhung lụa, ở nhà thuê, đến với ẩm thực từ bàn tay trắng - 5

Ý chí đã định, quyết tâm theo đuổi nghề bếp chuyên nghiệp, chị đã rời xa gia đình, nơi đang công tác, để vào Sài Gòn, bắt đầu mọi việc từ con số “không”.

Năm 2003, chị đến Sài Gòn. Thời gian đầu, mọi thứ rất khó khăn. Nhưng đã quyết tâm ra đi thì có khổ cũng không thể nói với bố mẹ. Một mình cô tiểu thư khuê các ấy đã tự xoay sở cuộc sống, từ xin việc, thuê nhà trọ đến kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có những tháng đầu cuộc sống quá khó khăn, chưa có công việc, mệt mỏi nhưng chẳng hề khiến chị cảm thấy nản chí.

Cuối cùng, chẳng biết vì duyên phận hay vì quá quyết tâm bằng những nỗ lực hết mình, chị cũng đã tìm được công việc như ý muốn để theo đuổi nghề bếp, đó là làm việc và giảng dạy tại các trường ẩm thực du lịch.

Cũng từ đây, sự nghiệp với nghề bếp của chị chính thức bắt đầu.

“Trong quá trình giảng dạy và làm bếp, tôi nhận ra rằng dinh dưỡng là một phần vô cùng quan trọng trong ẩm thực. Một người đầu bếp giỏi không chỉ tạo ra món ăn đẹp, ngon mà còn phải tạo ra món ăn cân bằng về dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Vì vậy họ phải có sự hiểu biết về dinh dưỡng. Thế là tôi tìm kiếm cơ hội để theo học bằng thạc sỹ về Khoa học ẩm thực và dinh dưỡng tại Mỹ”.

Cô tiểu thư quyết rời cuộc sống nhung lụa, ở nhà thuê, đến với ẩm thực từ bàn tay trắng - 6

Một buổi giao lưu ẩm thực trên đất Mỹ của chị

Cuối cùng, sau 5 năm lăn lộn với nghề tại mảnh đất Sài Gòn, 2008, chị đã tự tay thành lập một ngôi trường nghệ thuật ẩm thực - nơi mà chị đặt tất cả tâm huyết và ước mơ của mình vào nghệ thuật ẩm thực Việt, nơi chị mong muốn truyền đạt giá trị ẩm thực đích thực đến những học trò của mình.

“Vào thời điểm đấy tôi nhìn thấy nghề bếp ở Việt Nam bắt đầu phát triển nhanh nhưng hầu hết đầu bếp trong nước chưa được đào tạo chuyên nghiệp, trường VCA ra đời mang đến cho những người yêu nghề bếp và muốn theo đuổi như một nghề chuyên nghiệp một môi trường học tập và thực hành với những đầu bếp và chuyên gia ẩm thực nổi tiếng trong và ngòai nước.

Phần lớn học trò của trường là các bạn trẻ ở lứa tuổi từ 18 trở lên, muốn theo đuổi nghề bếp chuyên nghiệp, cũng có những bạn trẻ đã thành công ở một lĩnh vựa khác nhưng đam mê với nghệ thuật ẩm thực và muốn thử thách mình trong một lĩnh vực mới. Nhưng nói thật, nghề bếp là một nghề rất vất vả, đòi hỏi cả đam mê và nỗ lực hết mình thì mới có thể theo đuổi nghề đến nơi đến chốn”, chị tâm sự.

Cô tiểu thư quyết rời cuộc sống nhung lụa, ở nhà thuê, đến với ẩm thực từ bàn tay trắng - 7

Cuối cùng, sau 5 năm lăn lộn với nghề tại mảnh đất Sài Gòn, 2008, chị đã tự tay thành lập một ngôi trường nghệ thuật ẩm thực - nơi mà chị đặt tất cả tâm huyết và ước mơ của mình vào nghệ thuật ẩm thực Việt,

Tuy nhiên, khi tự mình quản lý ngôi trường đồng thời tham gia rất nhiều các hoạt động khác trong lĩnh vực ẩm thực, lại chăm sóc gia đình, có nhiều lúc chị cũng cảm thấy khó khăn chồng chất. Sự mệt mỏi chẳng tránh được nhưng chị không hề từ bỏ đam mê, dù chỉ là trong ý nghĩ.

"Có những lúc tôi dành quá nhiều thời gian cho công việc nên cũng đã không chăm sóc gia đình tốt như mình mong muốn. Người phụ nữ cần học cách cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình để có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Dù biết điều đó là không dễ, nhưng tôi luôn học hỏi và thực hành hàng ngày trong đời sống".

Cô tiểu thư quyết rời cuộc sống nhung lụa, ở nhà thuê, đến với ẩm thực từ bàn tay trắng - 8

Chị cũng đã từng du học Mỹ, hiểu được văn hóa cũng như ẩm thực đặc trưng của nhiều nước, tiếp xúc với nhiều nền ẩm thực khác nhau nên chị Tịnh Hải cũng nhận thấy, món ăn Việt được nhiều người nước ngoài yêu thích. Tuy nhiên, những món có mùi nặng như các loại mắm, mắm ruốc, mắm cá, mắm tôm... sẽ khiến họ không thích.

Vì vậy, là người đầu bếp, muốn tất cả thực khách dù bất cứ nước nào cũng phải hài lòng với các món ăn mình nấu ra cũng như tôn vinh ẩm thực việt, chị sẽ sử dụng kỹ thuật xử lý mùi hoặc thay đổi cách ăn sao cho hợp lý.

"Bún Bò Huế có nấu mắm ruốc thì tôi có cách nấu xử lý mùi sao cho bún bò Huế khi ăn không có mùi mắm ruốc. Hoặc mắm ruốc tôi pha và nấu để bên ngoài, khách có thể dùng nhiều hay ít tuỳ ý", chị Tịnh Hải nói.

Cô tiểu thư quyết rời cuộc sống nhung lụa, ở nhà thuê, đến với ẩm thực từ bàn tay trắng - 9

Là một chuyên gia ẩm thực và dinh dưỡng, lại có một ngôi trường đào tạo nghề bếp chuyên nghiệp riêng, nên chị Phan Tôn Tịnh Hải không cho phép mình "dậm chân tại chỗ". mà trong những năm tới, chị sẽ phát triển thêm chuyên môn nghiên cứu của mình. Mà cụ thể, năm 2018, "tôi tiếp tục phát triển dự án Xốt Việt với các sản phẩm xốt mang thương hiệu của cá nhân tôi được sản xuất theo hương vị truyền thống với những bí quyết riêng từ gia đình, với những nguyên liệu hòan tòan tự nhiên, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an tòan thực phẩm".

Thực tế, nguyên liệu làm ra các loại xốt ở Việt Nam rất nhiều và phong phú như xả, hành, ớt, tỏi, chanh, cà chua. Tuy nhiên, nông nghiệp chế biến ở Việt Nam còn hạn chế. Rất dễ nhìn thấy, nông dân đến các mùa thu họach các loại rau củ quả, trúng mùa thì giá thành rất rẻ, bán không kịp có thể đổ đi, rất phí. Chính chị đã trăn trở và nghiên cứu cách chế biến các sản phẩm hiệu quả nhất.

Xã hội ngày càng phát triển, những sản phẩm tiết kiệm thời gian cho người vào bếp cũng như người bận rộn sẽ trở thành xu hướng phát triển. Các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn sẽ giúp mọi người dễ dàng hơn cho việc nấu nướng, dù nam hay nữ vẫn vào bếp đều chuẩn bị được món ngon, tiên lợi và dinh dưỡng.

Bị chê nấu ăn dở, mẹ Hà Nội nghỉ việc quyết theo đuổi đam mê tỉa thạch rau câu
Mắc căn bệnh không rõ lý do, bị mẹ chồng và chồng phản đối nhưng chị Huyền Đào vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê theo con đường tỉa thạch rau câu.
Lam Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật Bếp Eva