Những biếc bánh thời gian đầu Khánh Chi làm bị cháy đen xì, nát bét không thành khuôn khiến mọi người bất ngờ.
Nhìn những chiếc bánh như một bức tranh nghệ thuật mà Tô Khánh Chi (24 tuổi, hiện sống và làm việc CH Séc) làm, ít ai biết trước đây cô vốn thuộc tuýp con gái "đoảng" khi làm gì cũng đổ vỡ. Vậy mà khoảng thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 này, Chi đã thay đổi hoàn toàn khi chìm đắm trong những chiếc bánh. Và từ kinh doanh thời trang đang bị ảnh hưởng, cô gái 9X này đang có ý định thực hiện ước mơ trở thành bà chủ tiệm bánh ở nơi xa xứ.
Khánh Chi hiện đang sinh sống ở Séc
Khánh Chi chia sẻ, cô có một cửa hàng kinh doanh thời trang ở Séc được 2 năm nay. Công việc làm thời trang khá bận rộn, có khi làm cả cuối tuần nên không có thời gian nhiều nấu những bữa cơm chỉn chu dành cho gia đình. Và dịch COVID-19 hiện nay khiến Khánh Chi có thời gian rảnh rỗi nhiều hơn, giúp cô có cơ hội bén duyên với bếp núc, nhất là khoản làm bánh.
“Chính xác là từ khi chính phủ Cộng hòa Séc có lệnh giãn cách xã hội, ban đầu mình cũng mất thăng bằng không biết ở nhà làm gì rồi sẽ kéo dài tình trạng này trong bao lâu, rồi kinh tế chi trả hàng tháng của cửa hàng, mình lo lắm nhưng rồi sau mấy ngày quen dần mình mới thay đổi suy nghĩ, không lo toan mà như các cụ đã nói “có thực mới vực được đạo”, chị Khánh Chi chia sẻ.
Những chiếc bánh đầu tiên làm bị hỏng và thành quả miệt mài.
Từ đó cô bắt đầu nấu cơm, chăm chút từng món ăn hàng ngày, bồi bổ nhiều chất tăng sức đề kháng cho gia đình – việc mà trước đây cô chưa từng làm. Nói đến đây, Khánh Chi thổ lộ, trước đây cô có biệt danh là Tồ vì bố mẹ sang Séc từ khi cô còn nhỏ, 2 anh em được dì cùng các bác nuôi rồi tự bảo nhau. Vốn được mọi người chiều, không phải làm gì nên Chi làm gì là đụng đâu vỡ đấy.
Học hết lớp 7, Chi sang sinh sống cùng bố mẹ. Mặc dù biết bố mẹ vất vả, công việc cực nhọc mưu sinh, Chi bắt đầu trưởng thành hơn nhưng mẹ yêu thương con cái nên cô cũng không phải làm gì. Mẹ cô cứ làm hết mọi việc, từ việc lo kinh tế, lo chuyện nhà cửa chồng con, cơm nước dù bận hay ốm đau đến như nào. Vì thế mà khoản nấu ăn của Khánh Chi đã vụng lại càng vụng hơn. Mãi đến năm 17 -18 tuổi Chi mới bắt đầu được bố dạy tập nấu từ những món đơn giản nhất trứng rán, rau luộc, pha nước mắm.
“Đó là điều bất ngờ và cũng là kỉ niệm ngọt ngào nhất tuổi thơ của mình. Những năm đó gia đình mình nhiều khó khăn nhất, mẹ ốm phải về Việt Nam chữa bệnh, chỉ có mình và bố ở lại bên này, nghĩ thương mẹ mà không làm gì được, trong thời gian đó 2 bố con tự thay nhau nấu cơm, mình phụ giúp bố lúc rảnh trông nom cửa hàng.
Để lấp đầy khoảng trống, bố đã “tạo việc làm” thêm cho mình, bố đi chợ mình ở nhà nấu cơm vì nếu mình đi chợ phải nửa ngày sau mới về nhà hoặc tay không đi về không biết chọn rau hay mua thịt. Bố dạy mình rửa đồ, chặt gà chặt xương cách thức nấu, gia giảm gia vị, dần dần mình làm được. Có những hôm 2 bố con không biết ăn gì, mình cũng đã tự tìm món ăn mới thay đổi khẩu vị, mình vẫn nhớ món mì Ý làm bố khen ngon và thích ăn nhất”, Khánh Chi nhớ lại.
Chăm hay không bằng tay quen, một thời gian sau khi mẹ đỡ bệnh sang Séc, việc nhà lại một tay mẹ cô lo liệu. Cô đi làm từ sáng đến tối nên cũng được mẹ chăm bẵm hết mọi thứ mà không phải làm gì. Thậm chí sắp cơm, chuẩn bị bát đĩa cũng là anh trai cô làm cho. Chính vì được chiều nên cô ỷ lại, đoảng lại càng thêm đoảng, chỉ động nhẹ vào dao thái hành cũng bị đứt tay.
Chị Khánh Chi cho biết, cô thay đổi nhiều hơn từ khi cưới và bắt đầu nữ công gia chánh, học những món ăn mới nhiều hơn để nấu cho bố mẹ. May mắn có chồng thoáng tính, chiều vợ, luôn làm cùng vợ, thậm chí chỉ bảo vợ như bố dạy từng tí một nên cô tiến bộ hơn.
Và đặc biệt, từ một người nấu cơm phải tra google, mua rau cũng phải cầm rau ở nhà đi để không bị mua nhầm, vậy mà từ khi giãn cách xã hội Chi lại đam mê với căn bếp hơn, mày mò những món ăn mới và bén duyên với bếp bánh.
Từ nhìn bố làm những loại bánh như bánh bao, chè để ăn cùng mà từ đó cô làm những chiếc bánh đầu tiên. Tuy nhiên, cô cũng phải gặp thất bại khá nhiều lần, làm những chiếc bánh cháy đen thui, nát bét mới được những chiếc bánh thành công.
“Mình làm bánh bông lan 2 lần đầu đều xẹp và đến lần thứ 3 mình thử nướng bằng nồi cơm điện, lúc lấy ra nó nở cao quá trời khiến mình hò reo vang cả nhà. Mình còn tuyên bố là đã có thể mở tiệm bánh”, Khánh Chi cười.
Bánh mochi hoa anh đào muối của Nhật Bản.
Chiếc bánh cheesecake tạo hình tổ ong hoa cúc khiến ai cũng giục cô mở tiệm.
Dần dần từ đó cô mày mò làm thêm các loại bánh kem, bánh mì của Nhật, bánh của Hàn, của Pháp, cũng có những bánh mặn như bánh mì giòn, bánh xèo, bánh bao, bánh trôi truyền thống của người Việt. Có những lần làm hỏng, bánh bị chai cứng, bánh thì chảy kem,… dù nản nhưng cứ chỉ cần ngửi mùi thơm của bánh khi mới nướng xong là cô như có gì đó thôi thúc để tiếp tục. 5 tháng làm bánh không quá dài cũng không quá ngắn nhưng nó đủ để cho Chi duy trì đam mê. Đối với Chi, chỉ cần được nhìn mọi người thưởng thức chiếc bánh của mình làm ra, được mọi người khen cũng như góp ý thôi cũng là động lực to lớn.
Ở Séc khá đầy đủ nguyên liệu, không khó khăn khi tìm mua. Tuy nhiên với bánh truyền thống Việt như bánh Trung thu, bánh gai, bánh rán đường, bánh cuốn,…không có sẵn nguyên liệu nên Chi vẫn phải tự tay chuẩn bị từ A-Z. Dẫu gian nan để mang hương vị quê nhà vào những chiếc bánh ở nơi xứ người nhưng khi làm được ra thành quả, mọi mệt nhọc, khó khăn của Chi tan biến hết, chỉ còn niềm vui, xúc động và tự hào.
Chiếc bánh mì cô tâm đắc nhất.
Theo Chi, chiếc bánh cô tâm đắc nhất là bánh mì giòn truyền thống của người Việt Nam rồi đến bánh mochi hoa anh đào muối của Nhật Bản, bánh cheesecake tạo hình tổ ong hoa cúc. Khi làm được chiếc bánh này từ nơi xứ người cô rất tự hào và yêu quê hương nhiều hơn. Hiện nay, dù nắng nóng cô vẫn hì hụi với lò nướng để thỏa mãn đam mê. Với tình hình dịch bệnh khiến cả thế giới khó khăn nhưng Chi hy vọng một ngày không xa có thể thực hiện ước mơ mở tiệm bánh cho riêng mình.
Một số hình ảnh bánh Chi làm.