Cuộc sống hiện đại bận bịu nên hầu hết các bạn sinh viên lựa chọn cơm hàng cho nhanh lại tiện lợi. Thế nhưng, Minh Nguyệt (22 tuổi, Hà Nội) lại lựa chọn cách thức ăn uống khác khiến nhiều người phải trầm trồ khen ngợi, cô đúng là "của hiếm" thời nay.
Hiện tại Minh Nguyệt đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở Hà Nội, rất bận bịu để chuẩn bị ra trường lại đi làm thêm nhưng cô nàng 22 tuổi này vẫn rất miệt mài nấu ăn. Cô chia sẻ, bản thân mình nấu cơm mang đi học và đi làm mỗi ngày. Cuối tuần về nhà với bố mẹ, cô cũng là "chân nấu chính" của gia đình.
Với Minh Nguyệt, nấu ăn là một sở thích rất đặc biệt từ khi còn nhỏ. Cô luôn thấy bản thân vui vẻ khi vào bếp. Vào những ngày lễ Tết, các món nấu để cúng cô cũng thay mẹ làm hết, thế nên mẹ cô nàng rất nhàn trong khoản nội trợ. "Mới đầu mình chỉ học mẹ nấu mấy món trứng rán hay đậu rim cà chua thôi, lớn lên chút thì bắt đầu tự mày mò những món ăn khác. Mình thích nấu ăn tới nỗi mình có thể đứng trong bếp cả ngày (nhất là ngày giáp Tết, mẹ mình sẽ đi chợ và mình sẽ là người nấu tất cả các món ăn cúng, cũng như món ăn dùng bữa). Mấy bác hàng xóm hay bảo mình rằng, làm nhiều khổ nhiều, nhưng mình không thấy khổ, mình luôn thấy vui vẻ khi được nấu ăn", Nguyệt nói.
Theo như lời chia sẻ của bạn bè, hàng xóm thì Minh Nguyệt là một người có tác phong nhanh nhẹn trong mọi việc. Chính vì thế cô mới có thể tranh thủ vừa đi học, vừa đi làm, lại có thể chuẩn bị được đồ ăn mang đi mà không tốn nhiều thời gian.
Với những hộp cơm cô chuẩn bị chỉ mất khoảng 30 phút đến 1 tiếng (tuỳ từng món). Rất may mắn vì xóm trọ của Nguyệt sát chợ, nên việc đi chợ của cô không tốn thời gian. Vì đã biết nấu ăn từ lâu, lại từng nấu cỗ với số lượng nhiều nên thao tác của cô rất nhanh. "Nhiều người không tin rằng 8h30 mình vào làm hoặc đi học mà mình có thể thức dậy vào lúc 7h để chuẩn bị cơm. Nhưng đó là điều hoàn toàn có thể khi mình biết điều chỉnh thời gian và tranh thủ mọi việc", nàng sinh viên năm cuối chia sẻ.
Mặc dù kinh tế của sinh viên khá hạn hẹp nên việc ăn uống không được đặc sắc nhưng cũng chính vì thế mà Minh Nguyệt luôn cố gắng thay đổi thực đơn mỗi ngày. Hơn nữa cô tự nấu ăn nên luôn chủ động được việc thay đổi món cho phong phú và phù hợp với khẩu vị của mình. Chẳng hạn, trong 1 tuần cô sẽ cố không lặp lại món nào, nếu có lặp thì sẽ chỉ là rau.
Nguyệt thường đi chợ vào buổi sáng rồi nấu đồ ăn cho cả ngày (3 bữa). Nơi cô sống gần chợ đầu mối, giá rẻ và thực phẩm cũng đa dạng do đó chi phí cũng đỡ tốn kém. Nếu chia ra mỗi bữa cũng rất rẻ, chỉ 15-20 nghìn/bữa. Không chỉ để ý đến việc chuẩn bị đủ món mang đi mà cô nàng sinh viên năm cuối còn rất thích sắp xếp các hộp cơm sao cho ngon và bắt mắt.
"Mình rất thích ăn trứng cuộn lá lốt và đồ kho, nên hầu như mỗi tuần đều có món này. Hơn nữa, mình thích màu sắc được nổi bật, nên luôn lựa rau củ nhiều màu", cô chia sẻ.
Vào mùa hè là mùa mà đồ ăn dễ ôi thiu, Nguyệt sẽ luôn đi chợ vào lúc sáng sớm để nấu đồ cho tươi, chỉ khi nào sáng có việc bận phải đi sớm thì cô sẽ nấu từ tối trước. Muốn được như vậy thì đồ ăn sẽ phải là đồ rang rim mắm, vì sẽ để được lâu hơn.
Cô cho biết, khi còn học năm đầu tiên, bản thân vẫn còn thích cơm hàng và là fan cứng của món bánh mì pate. Nhưng cũng chính vì ăn uống không cẩn thận nên cân nặng của Nguyệt tăng lên một cách khó kiểm soát. Sau này, cô còn để ý hơn và lo lắng vấn đề an toàn thực phẩm nên quyết định từ bỏ những ngày "cơm hàng cháo chợ" mà tự nấu ăn cho đảm bảo.
"Bạn mình cũng có nhiều người lựa chọn việc đi ăn quán thay vì việc tự nấu mang đi, vì họ không có thời gian và nấu ăn không phải là niềm đam mê của họ. Nhưng mỗi khi ăn ở căng tin, so sánh hộp cơm của mình và khay cơm các bạn mua sẽ có sự chênh lệch rất lớn. Mình luôn nghĩ tới lúc được ăn vừa miệng mình để thức dậy vào mỗi sáng (có kì mùa đông học từ 7h sáng, mình cũng dậy sớm và nấu cơm đi học)".
Theo Minh Nguyệt, mang cơm đi làm rất tiện. Ở văn phòng - nơi Nguyệt làm thêm - có lò vi sóng, tới giờ ăn trưa cô có thể hâm nóng đồ ăn lại. Vào mùa hè, thay vì phải đội nắng đi ăn, cô sẽ được ngồi điều hoà ăn cơm nóng hổi. Hơn thế, vấn đề an toàn thực phẩm cũng yên tâm hơn và đặc biệt, chi phí cho việc ăn uống cũng giảm một cách đáng kể. Trước đây, khi la cà quán xá ăn qua bữa, tuần nào cô cũng phải hết hơn 350-400 nghìn đồng. Từ ngày tự nấu, cô có tuần chỉ tiêu hết 200-300 nghìn, Nguyệt đã tiết kiệm được rất nhiều. Nhờ đó, tiền sinh hoạt cũng dư dả hơn, mẹ cô cũng không cần phải chu cấp thêm nhiều nữa.
Nguyệt tự hào chia sẻ, bạn bè cô luôn nói rằng hộp cơm của mình đẹp và lắm món. Có một số bạn rất thích cơm cô nấu. Thậm chí em trai cô tuần nào cũng hóng chị về nhà để được ăn món ăn chị nấu và hay trêu chị gái là "Vua đầu bếp".
"Vì gu ăn uống của mình và em trai rất giống nhau nên nó hay nịnh mình như vậy để được ăn ngon. Mỗi người một tính, nấu ăn có thể là sự mệt mỏi với một số người, nhưng với mình nó là niềm vui. Hơn nữa, mình là con gái, những điều cơ bản của bếp núc mình phải nắm rõ, nấu ăn là một trong những điều quan trọng đễ giữ lửa trong cuộc sống gia đình. Mình biết nấu sớm và hay nấu, thì sau này khi có gia đình, mình sẽ không còn phải nghiên cứu hay gọi sự hỗ trợ từ người thân để nấu cơm nữa".
Minh Nguyệt được nhiều người khen ngợi là "của hiếm" thời nay