Ngay từ những tuần đầu mang thai, mẹ bầu này đã phải chịu đựng cơn ốm nghén tồi tệ đến nỗi cô nôn mửa tới 130 lần/ngày, bị rách cả thực quản và bị tổn thương niêm mạc dạ dày vĩnh viễn.
Khi mang thai, đa số các mẹ bầu đều bị ốm nghén, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, nhưng mức độ nặng hay nhẹ của mỗi người lại khác nhau. Có người chỉ bị nôn khan một chút khi ngửi thấy mùi khó chịu, hết 3 tháng đầu thai kỳ là thôi, nhưng có người lại bị ốm nghén tới tận ngày sinh nở, nôn mửa một ngày không biết bao nhiêu lần khiến cân nặng sụt giảm đi rất nhiều, điển hình như mẹ bầu dưới đây.
Breanna Schroeder bị ốm nghén nặng khi mang thai.
Breanna Schroeder đến từ bang Colorado, Mỹ đã trải qua 39 tuần mang thai vất vả vì cô bị chẩn đoán mắc chứng Hyperemesis Gravidarum (HG, hội chứng ốm nghén nặng) trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Trung bình, cô nôn tới 80 lần/ngày.
Ban đầu, cô gái 19 tuổi đến bệnh viện thăm khám khi bị đau quặn thắt vùng bụng khiến cô bị nôn mửa. Lúc đó, cô không hề biết mình đang mang thai.
Sau khi thực hiện nhiều xét nghiệm, các bác sĩ cho biết Breanna đã mang thai được 3 tuần. Vì vậy, các nhân viên y tế cho rằng đó chỉ là triệu chứng ốm nghén thông thường, không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, đến tuần thứ 7 thai kỳ, mẹ bầu này lại nôn tới 80 lần/ngày, thậm chí có lúc cô đã nôn tới 130 lần/ngày. Đó là thời điểm tồi tệ nhất trong hành trình mang thai của cô.
Breanna khi mang thai 12 tuần (trái) và hiện tại.
Trong suốt thời gian mang thai, thai phụ trẻ tuổi này hầu hết dành thời gian để ngồi bên toilet, cô không thể đi đâu cũng không thể ăn uống được. “Tôi không thể hiểu những gì đang xảy ra với chính cơ thể của mình. Vào những ngày tồi tệ nhất, tôi không thể đếm nổi chính xác tôi đã nôn bao nhiêu lần nữa, chắc là tới 130 lần đấy. Lúc đó tôi còn nôn ra cả mật vàng và máu”, Breanna chia sẻ.
Mẹ bầu này cho biết thêm: “Những cơn nôn mửa tồi tệ đến nỗi nó đã khiến niêm mạc dạ dày của tôi bị tổn thương vĩnh viễn và làm rách cả thực quản. Lần tôi ăn được nhiều nhất là một chiếc bánh quế đông lạnh, nhưng cũng 3 ngày tôi mới ăn được 1 lần. Sau đó, tôi được tiêm chất lỏng vào cơ thể để thay thế cho chế độ ăn của mình”.
Cô nàng 10X bên cạnh bạn trai và cô con gái nhỏ.
Nhiều tuần trôi qua, Breanna được kê một số loại thuốc khác nhau. Có thời điểm, cô ấy đã uống 15 loại thuốc khác nhau cùng một lúc, nhưng các bác sĩ vẫn không thể tìm ra cách phù hợp để giúp cô vượt qua cơn ốm nghén khủng khiếp này.
Vào cuối thai kỳ, mẹ bầu này đã giảm 36% trọng lượng cơ thể, bị mất nước và suy dinh dưỡng đến mức cô bước vào giai đoạn đầu của bệnh suy đa tạng (hay còn gọi là suy đa hệ thống cơ quan). Cô cũng được chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng trong máu và lượng kali thấp khiến tim bị tổn thương vĩnh viễn.
Con gái của Breanna được đặt tên là Adela, sinh non ở tuần 39.
Ở tuần thứ 39, Breanna hạ sinh một bé gái khỏe mạnh. Cô và bạn trai đặt tên cho con gái là Adela và ngay sau khi con gái đến, cơn buồn nôn của người mẹ cũng bắt đầu biến mất.
Bây giờ, 5 tháng đã trôi qua, Breanna gần như đã bình phục hoàn toàn. “Khi nhìn lại quá trình mang thai của mình, tôi thực sự không muốn điều này xảy ra với bất cứ ai. Adela hiện rất khỏe mạnh, có con gái thật tuyệt vời, những khó khăn mà tôi phải chịu đựng đều xứng đáng”, Breanna chia sẻ.
Dù rất vất vả khi mang thai nhưng Breanna đều cảm thấy xứng đáng khi nhìn thấy con gái bình an chào đời.
Hội chứng ốm nghén nặng khi mang thai là gì?
Theo nghiên cứu, 85% phụ nữ sẽ gặp phải chứng buồn nôn khi mang thai và vấn đề này sẽ nghiêm trọng hơn khi mẹ bầu mắc hội chứng HG - ốm nghén nặng khi mang thai. Các triệu chứng của HG thường xuất hiện trong khoảng 4-6 tuần đầu thai kỳ và có thể lên đến đỉnh điểm trong khoảng 9-13 tuần thai kỳ.
Các triệu chứng thường gặp khi mắc hội chứng HG bao gồm: buồn nôn và nôn nhiều, không ngửi được mùi thực phẩm, giảm đi tiểu, mất nước, nhức đầu, giảm cân từ 5% trọng lượng trở lên so với trước khi mang thai, hay nhầm lẫn, ngất xỉu, vàng da, mệt mỏi, mất độ đàn hồi của da, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh,…
Hiện vẫn chưa có cách phòng ngừa hội chứng HG nhưng vẫn có cách để mẹ bầu kiểm soát nó. Một số phương pháp điều trị cho hội chứng ốm nghén nặng là truyền dịch tĩnh mạch, cung cấp dinh dưỡng bằng truyền dịch, nội soi dạ dày, thuốc, bấm huyệt, thôi mien để giảm triệu chứng ốm nghén nặng,…