Từ hôm mẹ chồng lên chăm, tôi chưa được một bữa cơm nào ngon miêng, toàn ăn cầm chừng, bụng lúc nào cũng đói.
Sau cưới vợ chồng tôi mua nhà trên thành phố, chỉ khi nào có việc mới về quê nên cũng không phải va chạm với mẹ chồng nhiều. Thế mà mỗi lần về nhìn mâm cơm của bà là tôi không ăn nổi vì xoong nồi bát đĩa cứ nhem nhuốc. Xoong bà đun bếp ga thật nhưng không đánh cọ bao giờ, đen không khác gì người ta đun củi. Bát đũa bà không rửa bằng nước rửa bát nên đầy mỡ lại còn tanh, không sao đưa lên miệng nổi. Thấy con dâu ngồi chấm mút, ăn cho có lệ bà để ý lại bảo:
“Con chê đồ ăn nhà quê hả?”.
Về cơ bản, mẹ chồng tôi cũng không phải là người quá xét nét nhưng hay để bụng và dỗi thành ra tôi sợ không muốn về quê, tránh va chạm với bà.
Từ hôm mẹ chồng lên chăm, tôi không có được một bữa ăn ngon miệng. (Ảnh minh họa)
Khổ nỗi thời gian này tôi ở cữ, mẹ đẻ sang giúp được vài ngày còn lại bà nội lên. Chồng tôi đi làm suốt, anh ấy không lo cơm nước cho vợ được toàn để mẹ làm. Từ hôm bà chăm, tôi chưa được một bữa cơm nào ngon miệng, toàn ăn cầm chừng, bụng lúc nào cũng đói. Đồ bà nấu khó ăn lắm, đi chợ lại tiết kiệm tiền toàn mua chỗ thịt mỡ cho rẻ về kho trắng ởn chỉ nhìn thôi đã hãi. Thấy con dâu ăn ít bà lại than ngắn thở dài với con trai:
“Mẹ chịu vợ anh. Vợ anh chắc chê mẹ nhà quê không biết nấu ăn nên mẹ bưng mâm lên lại bưng xuống, nó có động đũa đâu. Mẹ vượt 200 cây số xuống chăm con dâu mà thấy nó như thế, mẹ buồn lắm”.
Tôi nói khéo với bà nhiều lần, góp ý để bà thay đổi cách nấu nướng cho bà đẻ nhưng bà chẳng chịu nghe. Có hôm đói quá, tôi tự mò xuống bếp định làm gì ăn. Bà thấy lạch cạch liền chạy xuống bắt con dâu lên nhà.
“Con muốn ăn gì thì bảo mẹ làm không người ngoài nhìn vào lại bảo không hay. Mẹ lên đây để phục vụ con cháu chứ có phải an dưỡng đâu”.
Bà lúc nào cũng giữ kẽ như thế làm tôi càng mệt. Hôm qua cũng thế, tôi vừa tắm xong thấy bà đã bưng 1 bát canh nóng lên đặt xuống bàn trang điểm giục con dâu:
“Đưa mẹ bế thằng cu cho, con ăn trứng vịt lộn đi cho nóng. Thấy người ta bảo gái đẻ ăn món này nhiều sữa lắm”.
Bà lúc nào cũng giữ kẽ như thế làm tôi càng mệt. (Ảnh minh họa)
Ban đầu tôi còn tưởng bà làm trứng lộn hầm lá ngải, ai ngờ vừa bê bát canh trứng lên, ngửi mùi tôi nôn thốc nôn tháo vì bà nấu trứng với rau đay nhìn không ăn nổi. Thấy tôi nôn, bà hỏi sao. Tôi bảo canh đó tanh quá không ăn nổi. Mặt bà tối sầm lại đặt luôn cháu nội xuống giường, rớm nước mắt chạy xuống dưới nhà nói với chồng tôi rằng con dâu khó tính, khó chiều.
Bà còn nói không thể ở lại thêm vì tôi chê bà nhà quê không biết nấu ăn. Ở trên tầng, nghe mẹ chồng nói thế, tôi chẳng còn biết nói sao nữa. Nói thật, giờ tôi chỉ mong sức khỏe nhanh hồi phục để tự làm việc nhà, không cần nhờ mẹ chồng chăm nữa. Nhưng tính tới thời điểm này tôi mới sinh được 2 tuần, tự dọn dẹp nấu nướng sợ sớm quá, không kiêng khem sẽ ảnh hưởng sức khỏe về sau. Các chị em đẻ thường cho tôi hỏi, sau sinh bao lâu có thể làm việc nhà? Ai kinh nghiệm chia sẻ giùm tôi với!
Sau sinh kiêng làm việc nhà bao lâu?
Thời gian kiêng làm việc nhà của mỗi người là khác nhau, tùy theo tình trạng sức khỏe. Khi vết thương đã lành, cơ thể trở nên khỏe mạnh, mẹ hoàn toàn có thể làm những việc nhẹ nhàng như quét nhà, lau bàn, cắm hoa,… Nhưng mẹ sau sinh cần tuyệt đối tránh những việc nặng, yêu cầu phải mang vác.
Mẹ sinh thường cần kiêng làm việc nhà bao lâu?
Theo các chuyên gia, hầu hết các bà mẹ sau sinh thường có thể thực hiện công việc nhà mà không gặp nhiều khó khăn sau 2 tuần kể từ khi sinh con. Tuy nhiên, hãy luôn lắng nghe cơ thể của bạn, nếu có bất kỳ khó chịu này, bạn cần dừng lại ngay lập tức và nghỉ ngơi.
Cần lưu ý rằng, những bà mẹ có sức khỏe yếu nên được nghỉ ngơi, hạn chế làm việc nhà trong thời gian dài hơn.
Mẹ sinh mổ cần kiêng làm việc nhà bao lâu?
Thời gian hồi phục của các bà mẹ sinh mổ lâu hơn so với sinh thường. Vì vậy, thời gian kiêng làm việc nhà cũng lâu hơn. Nếu chị em làm việc nhà sớm, vết mổ có thể bị bục chỉ.
Nhiều mẹ chỉ mất khoảng 6 tuần để sức khỏe ổn định. Nhưng cũng có những trường hợp mất hơn 8 tuần. Về cơ bản, mẹ sinh mổ nên kiêng làm việc nhà từ 6 – 8 tuần.