Sau cơn hôn mê sâu 40 ngày, sản phụ tỉnh lại và chỉ vào bụng của mình, hỏi bác sĩ rằng chị sinh con từ khi nào.
Là phụ nữ, hầu hết ai cũng mong được làm mẹ, được nghe con gọi 2 tiếng “mẹ ơi”, nhưng với một số người thì việc đó quả thực rất khó khăn và gian nan. Và với gia đình anh Jozsef Bedo (đến từ Hungary) thì việc anh được làm bố quả thực là một phép màu.
Anh Jozsef cho biết, cách đây 5 năm, anh phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật vì bị u não và các bác sĩ nói rằng có thể anh sẽ không có con. May mắn thay, bạn gái của anh là chị Szilvia Bedo-Nagy vẫn bất chấp tất cả để ở bên cạnh anh.
Nhưng sau 1 năm hẹn hò, phép màu đã xảy ra với họ khi chị Szilvia mang thai. “Khi biết tin Szilvia mang thai, chúng tôi rất bất ngờ và ngay lập tức đến gặp bác sĩ. Bác sĩ nói rằng rất hiếm người có khả năng sinh sản sau khi điều trị hormone như tôi. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc và kết hôn”, anh Jozsef nói.
Anh Jozsef bên cạnh vợ của mình là chị Szilvia.
Tuy nhiên, hạnh phúc này cũng chẳng kéo dài được bao lâu khi chị Szilvia ốm nặng suốt thai kỳ. Thậm chí, 3 tuần cuối thai kỳ, cặp đôi còn phải mời bác sĩ tới tận nhà thăm khám.
“Bác sĩ đưa chúng tôi đến bệnh viện ở thành phố Hatvan và tại đây vợ tôi được chẩn đoán mắc Covid-19, nhưng vợ tôi không được nhập viện. Sau đó, các bác sĩ cũng kiểm tra tình trạng sức khỏe của con tôi và nói rằng nó vẫn ổn”, anh Jozsef chia sẻ.
Thế nhưng, 3 ngày sau, thai phụ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn và được đưa đến một bệnh viện ở thủ đô Budapest vào ngày 15/11/2020. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành mổ bắt thai và bé gái Napsugar đã chào đời.
Anh Jozsef hạnh phúc khi bên cạnh cô con gái nhỏ của mình.
Sau ca mổ, sản phụ được đeo mặt nạ dưỡng khí nhưng sau đó tình trạng của chị lại chuyển biến xấu hơn và buộc phải sử dụng máy tim phổi nhân tạo. Chị Szilvia được chuyển tới một bệnh viện khác, nơi chị được phẫu thuật ghép phổi và hôn mê sâu 40 ngày sau đó. Dù vậy, các bác sĩ nói rằng cơ hội sống của sản phụ chỉ có 10%. “Nhìn Szilvia nằm trên giường bệnh qua cửa sổ, trái tim tôi như vỡ vụn”, anh Jozsef nói.
Tình trạng của bà mẹ một con bắt đầu cải thiện vào Giáng sinh năm 2020. Ban đầu, chị chỉ có thể phản ứng bằng mắt và muốn được gặp chồng mình. “Bác sĩ nói rằng vợ tôi muốn gặp tôi. Ngày hôm sau, tôi đến thăm cô ấy. Cô ấy đã tỉnh lại và khi tôi hỏi cô ấy điều gì, cô ấy sẽ trả lời tôi bằng ánh mắt”, chồng chị Szilvia chia sẻ.
Chị Szilvia tỉnh dậy sau cơn hôn mê sâu và biết rằng mình đã làm mẹ.
Vào đêm giao thừa năm 2020, sản phụ đã tỉnh táo sau khi từ “cõi chết” trở về, nhưng chị vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra. “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi chỉ vào bụng của mình để hỏi xem tôi sinh con từ lúc nào. Sau đó, bác sĩ nói rằng đứa bé đã chào đời cách đây không lâu”, chị Szilvia nhớ lại.
Bela Mer carved, bác sĩ của sản phụ cho biết, trường hợp của chị rất phức tạp. May thay, Szilvia đã được về nhà và sức khỏe của chị đang phục hồi rất tốt.
Cách phòng tránh Covid-19 cho bà bầu Hiện tại, bước tốt nhất để tránh nhiễm virus Sars Cov 2 khi mang thai là tuân thủ các biện pháp phòng ngừa theo các bước sau: - Rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước thường xuyên; - Sử dụng khẩu trang đúng cách; - Tránh tiếp xúc gần với những người bị sốt và ho; - Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi; - Khăn giấy được dùng để vệ sinh tay sau khi ho hoặc hắt hơi cần được vứt bỏ vào thùng rác ngay lập tức; - Đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức nếu bạn gặp các triệu chứng suy hô hấp sau khi đi du lịch hay có tiếp xúc với người nghi nhiễm…; - Đảm bảo vệ sinh ăn uống bằng việc thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi; - Tuân thủ lịch khám thai. Trường hợp không muốn đi khám thai mùa dịch, mẹ bầu nên gọi điện vào đường dây nóng của bệnh viện nơi thường xuyên tiến hành khám thai để được tư vấn về việc giãn cách nhằm không bỏ qua các mốc khám thai quan trọng. |