Sapa không chỉ có nhiều cảnh vật nên thơ mà còn có nhiều món đặc sản ngon lành có thể mua về làm quà.
Nấm hương rừng
Nấm hương rừng là một trong những đặc sản quý, được xem là món quà tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho Sapa. Nấm thường có vào mùa hạ, cực kỳ thơm và sạch, vị khác hẳn với nấm bình thường chúng ta hay ăn. Nấm hương rừng Sapa cánh mỏng, màu sáng, chân nấm nhỏ, nấm có vị ngọt, mùi hương nhẹ, dùng để thêm vào các món ăn xào, chế nước dùng, lẩu đều rất tuyệt. Và đặc biệt, nấm được nấu chung hoặc ăn kèm với thịt gà, cá hồi hoặc thịt lợn cắp nách. Đây không chỉ là món ăn đặc sản hấp dẫn mà còn là thứ quà quý có giá trị dinh dưỡng cao.
Bạn nên chọn vài xâu nấm hương về dự trữ cho căn bếp gia đình hoặc làm quà nhé. Nếu ở gần, bạn có thể mua nấm tươi, còn nếu di chuyển xa, bạn có thể mua nấm khô để dễ bảo quản trong quá trình vận chuyển.
Bạn có thể ghé các chợ phiên của người bản xứ và tìm mua. Khách du lịch đến hỏi mua thì nhiều mà số lượng nấm thì ít, nên để mua nấm có nguồn gốc đúng Sapa thì các bạn nên đến các bản làng Sapa chọn mua. Khi mua, bạn nhớ chú ý hỏi kỹ người bán rằng nấm hương này có phải mọc trên thân cây hạt dẻ không, bởi khi mọc trên thân cây hạt dẻ sẽ cho loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao nhất.
>>> Xem thêm:
Món xưa chỉ có ở quê giờ thành đặc sản nhiều người săn lùng, có tiền chưa chắc mua được
Thứ nhà quê, rẻ như cho trở thành món ăn được dân thành phố săn lùng và ưa chuộng
Hạt dẻ rừng
Do khí hậu và địa hình nên hạt dẻ Sapa có kích thước to hơn, vỏ màu nâu sẫm, trơn bóng. Ngoài vỏ có một lớp lông tơ, mỏng, màu trắng nhạt, qua lớp vỏ là đến lớp lụa, ruột có màu vàng, thơm và béo ngậy. Vẻ bề ngoài của quả dẻ có hình dạng giống như chôm chôm với những lông gai tua tủa. Khi quả chín lớp bao bọc bên ngoài chuyển sang màu nâu đậm, rụng rơi trên mặt đất. Lúc này, những quả dẻ rừng Sapa đạt độ ngon nhất. Đó cũng là thời điểm người dân bản địa cầm giỏ vào những khu rừng nhặt những quả dẻ rơi rụng, được xem là “sản vật nơi đại ngàn”.
Vì gai của quả dẻ rất sắc nên khi thu lượm phải mang theo dụng cụ không được dùng tay. Sau khi thu lượm xong, mang về nhà, tách lớp bao bọc bên ngoài, lấy hạt bên trong và chế biến theo các cách khác nhau đem tiêu thụ khắp nơi.
Tương ớt Mường Khương
Tương Ớt Mường Khương nổi tiếng là loại đặc sản của huyện Mường Khương, thuộc Tỉnh Lào Cai. Ở đây có trồng loại ớt thóc, quả nhỏ, chín đỏ, vị cay đặc trưng, đậm đà khác biệt. Những quả ớt chín đỏ được thu hoạch, rửa thật sạch rồi đem xay chung với tỏi. Các loại hạt rang chín như: hạt thì là, hạt rau mùi, hạt dổi và hạt thảo quả được trộn với ớt tỏi xay, thêm chút nước muối, chút rượu, đem ủ 2 tháng. Tất cả tạo nên vị ớt Mường Khương cay nồng không đâu có.
Loại tương ớt này khiến cho mọi món ăn đều trở lên ngon miệng hơn. Và đặc biệt có chất gây nghiện khiến cho bạn đã ăn một lần sẽ nhớ mãi. Nếu đã đến Sapa mà không mang loại tương ớt này về làm quà thì thật là thiếu sót. Bởi, không chỉ ngon, loại đặc sản Sapa làm quà này còn có tác dụng dụng giải cảm và làm nóng cơ thể những ngày lạnh. Nếu vị cay không thể thiếu trong gu ẩm thực của bạn thì ớt Mường Khương sẽ không chê vào đâu được.
Bạn có thể mua ở chợ phiên Sapa hoặc chợ Bắc Hà (Lào Cai) nhé.
Rau cải mèo
Ở Sapa có giống cải mèo luôn xanh tươi, ăn rất giòn và mang hương vị đặc biệt. Khi thưởng thức, cảm nhận đầu tiên là vị đắng mát, sau đó các bạn có thể cảm nhận vị ngọt đầu lưỡi. Cải mèo thuộc hàng rau có bẹ, lá dài, có màu xanh đậm, viền lá xoăn như có gai, có loại có lông và có loại thân trơn không lông. Cải mèo được trồng nhiều ở các khu vườn vùng cao của người Mông và trở thành thức ăn chính của họ hàng ngày.
Theo kinh nghiệm của người Mông thì loại rau cải mèo nhỏ với lớp lá có lông li ti màu trắng thì chế biến ngon hơn loại lớn. Khi du lịch Sa Pa chưa phát triển, đồng bào thường trồng cải mèo để ăn chứ không đem bán. Người dân địa phương có thói quen không trồng rau thành hàng luống mà cứ rải hạt giống ra ven nương, đồi để mọc tự nhiên, vì lẽ đó mà cây cứ thế lớn lên, xanh tốt. Người ta có thể nhìn thấy cải mèo trên khắp các vùng đất đồi thấp, dù là vùng đất xấu, nên rau cải mèo còn được gọi vui là loài rau vượt khó. Dù thời tiết đông giá khắc nghiệt ở vùng núi nhưng chúng vẫn sinh trưởng khỏe và chống chịu sâu bệnh tốt.
Cải mèo thường được chế biến thành rau cải xào mỡ đông, thêm tí gừng để ăn trong tiết trời Tây Bắc lạnh tê người, cải mèo cũng có thể được luộc rồi chấm với nước tương, ăn rất ngon và đưa cơm hay đặc biệt ở Sa Pa có món thịt nướng xiên cuốn cải rất ngon. Cách chế biến đơn giản mà ngon nhất là thái nhỏ, giã gừng, đổ nước vào đun sôi và nêm nếm là có một bát canh nóng hổi. Ngoài ra, người ta có thể nấu cùng với thịt gà băm nhỏ để cảm nhận chất ngọt của thịt gà cùng vị ngọt mát trong tô canh cải ấm nóng. Điều đặc biệt, dù chế biến bằng cách nào thì người nấu chỉ vặn tròn để ngắt rau thành từng đoạn thay vì lấy dao thái để đảm bảo giữ nguyên hương vị ngọt tự nhiên của cải.
Các rau họ cải nói chung phát triển mạnh vào mùa đông và mùa xuân. Nếu đến tham quan Sapa vào thời điểm này, các bạn sẽ mua được những bó cải mèo tươi ngon và còn được thưởng thức những bát canh cải ngọt ngào, ấm nóng của người dân tộc. Ngoài ra, nếu đi dạo Sapa vào buổi tối, các bạn còn được thưởng thức xiên nướng Sapa, trong có có món xiên thịt cuốn cải mèo rất độc đáo.