Ít ai ngờ rằng những loại rau dại này lại có thể chế biến thành món ăn ngon và có công dụng tuyệt vời đến vậy.
Rau dớn
Rau dớn mọc hoang dã bìa rừng và ven các dòng suối có hình dạng tựa như dương xỉ. Đây được coi là loại rau đặc sản, rau sạch không những được bán thường xuyên trong các chợ phiên Tây Bắc mà còn được người dân mang bán sang Trung Quốc với giá khá cao.
Cách chế biến khá đơn giản: nộm rau dớn gà áp chảo hoặc xào mẻ, thịt bò. Ngoài ra rau dớn vừa là một loại thảo mộc dùng để chữa các bệnh phổ biến như cảm, ho, viêm họng…
Theo Đông y, rau dớn còn là loại rau có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, rau có thể phơi khô để dành nấu nước uống giải nhiệt. Ăn rau dớn sẽ làm máu lưu thông, giải độc và giải nhiệt trong mùa nắng nóng, chất nhầy trong lá có tác dụng nhuận trường và làm dịu đau lưng.
Rau bò khai
Rau bò khai (hay còn gọi là dạ yến) mọc hoang dại ven rừng và trên núi đá vôi. Nó nhìn khá giống ngọn su su nhưng có màu xanh đậm, nhỏ và ngọn mềm như sợi bún.
Thường, người dân vùng cao Tây Bắc hái rau bò khai về xào chung với thịt bò, vô cùng giòn và thơm ngon. Ngoài ra nó còn là một vị thuốc: bổ thận, lợi tiểu, làm tan sỏi và chất đóng cặn.
Rau sắng
Rau sắng có nhiều ở vùng chùa Hương (Hà Nội) và một số khu vực thuộc núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc. Gọi là “rau” nhưng nó không phải loại cây thân mềm như rau cải, rau diếp, rau muống… mà lại thuộc loại họ mộc, thân cao và to, chỉ mọc trên vùng núi đá vôi.
Rau sắng sử dụng lá non, đọt thân, hoa và quả để chế biến. Người dân cho biết chỉ cần tuốt lá, lấy cả những cọng non cho vào nấu canh với thịt lợn xay là có thể tận hưởng vị ngọt tự nhiên của rau. Khi ăn lá rau mềm ngọt, cọng rau bùi và ngồng hoa thì có li ti những hoa nhỏ.
Rêu đá
Là đặc sản ở một số tỉnh thuộc Tây Bắc. Nó chính là rêu mọc bám theo các tảng đá lớn ở lòng các con suối, quanh khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái), Tuần Giáo, Mường Chà (Điện Biên)… Không phải loại rêu nào ở suối cũng có thể ăn được nên việc hái rêu đòi hỏi phải chọn lọc kỹ càng: phải chọn những khúc suối đầu nguồn, nước sạch, chọn hái những tảng rêu mọc dài thướt tha, sờ vào thấy mát rượi.
Sau đó, người ta sẽ đập sạch các tạp chất trong rêu ở ven suối rồi mang về rửa sạch lần nữa rồi thái nhỏ, thả vào nổi nước luộc gà, xào tỏi và bọc trong lá chuối rồi nướng trên bếp than hồng.
Rêu đá có vị ngọt thơm. Các món ăn từ rêu đá còn có tác dụng lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp.