Nếu có dịp ghé thăm Bắc Giang, du khách hãy dành thời gian để thưởng thức những món ăn vô cùng đặc biệt này nhé!
Cua da là một loại cua khá to, tựa như cua đồng, có mình gấp ba đến bốn lần cua đồng, chân dài. Nó chỉ xuất hiện ở khoảng cuối thu đầu đông, vào tầm tháng 9, 10 âm lịch hàng năm. Loại cua này chỉ bắt gặp vào hai tháng cuối năm thêm việc đánh bắt khó nên nó trở nên khá đắt đỏ và khá hiếm.
Càng cua có hai lớp lông và yếm cua có lớp diềm rêu - lớp này đã tạo nên tên gọi cua da và cũng có có nhiều người gọi là cua gia hay cua ra.
Cua da là loại cua thường sống ở các vùng ghềnh đá cạnh sông Cầu, chỉ xuất hiện vào hai tháng mùa lạnh, khi nhiệt độ xuống thấp. Đến với Bắc Giang vào khoảng đầu đông bạn sẽ được thưởng thức món cua này.
Cua da có vị ngọt, thịt dai hơi giống cua biển nhưng đặc biệt hơn ở chỗ gạch cua béo ngậy, thơm ngon và không bị tanh. Cua da được chế biến thành nhiều món ăn ngon như cua rang muối, canh cua nhưng có lẽ ngon nhất chính là món cua hấp bia. Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn. Thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm, chấm bột canh pha mù tạt kèm nửa quả chanh vắt vào thì không gì thú vị bằng.
Xôi trứng kiến có lẽ là món ăn quen thuộc với rất nhiều người nhưng ở mỗi nơi, mỗi vùng miền món ăn này lại có những biến tấu khác nhau. Ở Bắc Giang, xôi trứng kiến là đặc sản ở huyện Lục Ngạn, chỉ có một mùa trong năm. Đây là loại xôi được nấu từ trứng của loài kiến đen với gạo nếp nương của người Tày. Trứng kiến sau khi được sơ chế bằng cách xào lên cho thơm ngon rồi đem trộn với xôi nếp nương tạo thành món đặc sản Bắc Giang có hương rất hấp dẫn và đặc biệt.
Thông thường để thưởng thức món xôi trứng kiến thơm ngon là khoảng độ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm. Nhưng vì nhu cầu phục vụ du khách, nhiều nơi vẫn dự trữ trứng kiến lại để có thể phục vụ du khách quanh năm. Bạn có thể ghé tới các nhà hàng ngon ở Bắc Giang để thưởng thức.
Nham cá là một món đặc sản của vùng Vân Xuyên - Bắc Giang. Để làm món này cần khá nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu. Trám đen (đã om chín và ngâm trong nước muối loãng) giã nhỏ; thịt ba chỉ áp chảo thái chỉ; cá nướng gỡ xương lấy thịt, rau mùi gai, húng quế, tía tô, khế chua thái nhỏ, đặc biệt không thể thiếu lá gừng tươi và lá hẹ thái nhỏ. Tất cả trộn đều và rắc thêm vừng hoặc lạc rang giã rối… khi ăn dùng bánh đa nem cuốn ngoài.
Thưởng thức đặc sản này, thực khách sẽ cảm nhận được vị bùi, béo của trám đen; ngọt đậm của cá và hương thơm của các loại gia vị rau thơm, vừng, lạc… tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị đặc trưng rất lạ, khó quên.
Gỏi cá mè là một món đặc sản Bắc Giang chỉ dành cho khách quý đến nhà. Cũng bởi để làm món này cần khá nhiều nguyên liệu đến các bước làm kỹ lưỡng. Người ta phải lựa chọn những con cá tươi sống, đồng thời phải có đủ loại gia vị như: riềng, mẻ, bánh đa nem, chuối xanh, khế chua, thịt ba chỉ, lạc, vừng, đỗ tương, nước mắm, mì chính, lá thơm… Riêng các loại rau sống phải chuẩn bị trên dưới 10 loại lá gồm: lá nhội, lá sung, lá lộc vừng, lá mơ lông, lá vọng cách, lá đài bi, lá diếp cá, tía tô, kinh giới, mùi tàu, lá ổi, lá đinh lăng… Các loại lá có thể thái nhỏ, trộn đều, cũng có thể để nguyên để người ăn có thể chọn loại lá hợp sở thích.
Để làm nên thành công cho món gỏi cá không chỉ ở cách chế biến mà còn ở khâu pha chế nước chấm (hay còn gọi là hạt). Hạt được chế biến rất công phu với nguyên liệu chủ yếu là đầu và gan cá, thịt ba chỉ, trứng và các gia vị như hành, tỏi khô, mẻ, mắm, muối, mì chính, đường, tiêu, ớt… Đầu và gan cá được băm nhỏ cùng với thịt ba chỉ rồi ướp với mẻ và các gia vị nói trên. Cho mỡ lợn hoặc dầu ăn vào xoong đun sôi để phi thơm hành, tỏi, cho hỗn hợp trên vào xào qua rồi cho thêm vào một ít nước, đun sôi nhỏ lửa khoảng 15 – 20 phút. Trứng vịt đập vào bát, đánh tan cho vào nồi khuấy đều, nêm thêm muối và bột ngọt cho vừa ăn là được.
Việc làm ra gỏi cá đã một công phu, nhưng thưởng thức gỏi cá còn là cả một nghệ thuật. Thực khách dùng thìa san một ít hạt vào bát của mình, có thể dùng bánh đa nem hoặc trực tiếp dùng lá nhội, lá lộc vừng, lá sung, lá vọng cách để gói. Đặt miếng cá vào giữa rồi cuộn lại, chấm vào hạt rồi đưa lên miệng cảm nhận vị ngọt thơm của cá; mằn mặn, cay cay, beo béo của hạt hòa quyện với mùi vị của các loại rau thơm, nhấp thêm chén rượu gạo nồng đượm thì quả là sự kết hợp tuyệt vời.
Nhiều người đến Bắc Giang đều tò mò về món ăn này mà không tìm được chỗ bán. Do khâu chế biến, chuẩn bị phức tạp và tốn nhiều thời gian nên người dân nơi đây chỉ đặc biệt dành món ăn này trong các dịp đặc biệt hoặc chiêu đãi khách quý mà thôi!
Bánh vắt vai được làm từ gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng, có vị thơm ngon, ngọt bùi là món ăn dân dã của người Cao Lan ở Bắc Giang. Bánh hấp dẫn bằng chính cái tên lạ và hình thức của nó. Tên gọi này xuất phát từ việc bánh có thể vắt lên vai khi đi đường và thưởng thức bất kỳ thời điểm nào. Đây là loại bánh truyền thống của người Cao Lan nên ngay từ nhỏ, các thiếu nữ đã được bà, mẹ truyền dạy cách làm.
Thoạt nhìn, nguyên liệu làm món này giống như bánh chưng, bánh tét gồm gạo nếp, đậu xanh. Ngoài ra còn có lá chuối, đường và đặc biệt không thể thiếu rau ngải cứu. Chính thứ rau này mang đến mùi vị khác lạ và đặc biệt cho bánh.
Không phải gạo nếp nào cũng làm được bánh ngon mà phải là nếp Phì Điền nổi tiếng ở huyện Lục Ngạn. Gạo nếp được xay nhỏ bằng cối đá. Ngải cứu luộc cùng với nước vôi cho bớt vị chát và đắng rồi xay nhỏ, trộn cùng với bột gạo nếp. Sau đó, người làm nặn thành những viên bột, nhân gồm đậu xanh được xào qua với đường.
Để bánh ngon và dậy vị thơm, phải chọn lá chuối tươi, non mỡ màng rồi nướng qua trên bếp lửa, sau đó đem gói. Bánh được đặt ở hai bên đầu lá chuối, để có thể gập vào được và vắt lên vai. Bánh cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng là được, mùi thơm của ngái cứu lan tỏa. Trong những dịp lễ, Tết, người Cao Lan vắt vai đi biếu họ hàng nội ngoại ở xa.
Bánh vắt vai có vị của đậu xanh, vị ngọt của đường, bùi của gạo nếp và chút hương ngai ngái của ngải cứu khiến món bánh trở nên đậm đà, quyến rũ. Đến Lục Ngạn vào mùa tháng 3 âm lịch hay dịp gần Tết, bạn sẽ dễ dàng tìm mua bánh trong các chợ quê.