Ghé thăm Hà Tĩnh, du khách sẽ được người dân địa phương gợi ý những món ăn ngon này.
Ram bánh mướt
Ram theo tiếng Hà Tĩnh dùng chỉ món nem rán, là món ăn nổi tiếng, góp phần làm nên hương vị ẩm thực Việt Nam. Nhưng ăn ram ở Hà Tĩnh, sẽ cảm nhận một hương vị thật khác mà không có nơi nào có được. Bánh mướt là cách gọi khác của bánh cuốn, bánh ướt – món ăn ưa dùng của xứ Nghệ. Bánh mướt đơn giản chỉ cần chấm mắm, thường ngày là bánh mướt cuốn chả, sang hơn là canh gà bánh mướt. Người miền Bắc thường cuốn mướt với nhân thịt, khi tráng cho nhiều mỡ, nhưng người miền Trung bánh mướt để không nên khi ăn thưởng thức được hương vị mát lành, thanh đạm.
Ram mướt là thức bánh kết hợp hài hòa của hai loại bánh khác nhau, vừa giản dị vừa tinh tế, ăn vào giòn mà dẻo, béo nhưng không ngấy. Tuy cách chế biến khác nhau nhưng cả hai loại bánh cùng được làm từ gạo nếp, ngon, trắng, dẻo. Nếp được xay nhuyễn thành bột, trộn muối, đổ nước ấm, nhào cho chắc, mịn. Người làm bánh khéo léo phải biết lấy lượng bột vừa đủ, bánh mỏng nhưng dai.
Mực nháy Vũng Áng
Vùng biển Vũng Áng nổi tiếng với nhiều món hải sản tươi ngon và hấp dẫn, nhưng trong số đó nổi bật nhất là món mực nhảy. Vậy nên, sẽ là một thiếu sót lớn nếu như bạn không được thưởng thức món đặc sản Hà Tĩnh này.
Loại mực này được thợ câu trong đêm, sau đó đem thả vào các khoang thuyền trữ nước biển rồi đem về bán. Vì mực ở đây khá to con, ngay sau khi đánh bắt vẫn giữ nguyên được độ tươi nên người dân địa phương đặt tên là mực nháy.
Có nhiều cách chế biến mực nhảy, đơn giản nhất là mực để nguyên con, rửa sạch rồi cho vào nồi hấp ngay, cách chế biến này sẽ giúp giữ được vị ngọt tự nhiên nhất của món ăn. Chính vì thế không cần thêm gia vị gì mà chỉ cần chén mắm gừng là đã khiến bao tín đồ ẩm thực không thể kiềm lòng được.
Ngoài ra, đặc sản Hà Tĩnh này còn có thể nướng, xào hoặc làm gỏi,… đều rất được lòng thực khách gần xa bởi độ tươi ngọt, thịt mực vừa giòn vừa dai, ăn mãi mà chẳng hề thấy chán.
Gỏi cá đục
Khi đến với vùng biển của Hà Tĩnh, có một món ăn mà chúng ta không thể bỏ qua, đặc biệt là ở vùng biển Xuân Nghi, đó chính là gỏi cá đục.
Cá đục có hình dáng hơi giống cá bống nhưng dài hơn, khoảng từ 13 đến 18 cm, thân của nó bằng ngón tay cái và là loại cá sống gần bờ biển. Do thịt của chúng chắc, có vị ngọt, xuất hiện hầu hết các mùa trong năm nên ngoài làm gỏi ra, các đục có thể làm thêm những món ăn khác.
Rau thơm, đinh lăng, lá sung,... là những thức ăn đi kèm không thể thiếu khi thưởng thức gỏi cá nục. Khi thưởng thức ta dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, ăn cùng với nước dùng bạn sẽ cảm nhận được mùi vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt.
Hến sông La
Hầu như vùng sông nước nào cũng có hến. Và hến cũng là món ăn ưa thích của nhiều gia đình Việt. Hến có một hương thơm đặc trưng quyến rũ, bát nước Hến đầu tiên nóng hôi hổi mát, thơm, đậm ngọt, bổ dưỡng, màu trắng sữa như nguồn sống vô tận của dòng sông quê mẹ.
Đúng như câu ca ai ví “Dẫu ai đi quanh về quắt – không kẻo nước giắt Kẻ Thượng” (Giắt là loại Hến con sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, thích nghi sống ở vùng nước lợ như phía hạ nguồn giáp ranh giữa sông La và sông Lam). Từ hến có thể chế biến ra nhiều món ăn để thay đổi hương vị cho bữa cơm thường ngày, như hến xào giá, ăn kèm bánh tráng, canh hến nấu rau tập tàng, cơm nước hến thêm chút gừng cay ăn kèm với cà muối mới thật đậm đà làm sao.
Cá trích nướng
Đi dọc cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà), bất kể mùa nắng hay mùa mưa, ta vẫn nghe thơm lừng mùi cá trích nướng lẫn trong mùi khói than hồng, ngào ngạt. Những rổ cá còn tươi ròng, đầy ắp hương vị mặn mòi của biển đã níu chân bao người phương xa.
Với người dân nơi đây, cá trích không phải là sơn hào hải vị quá xa xỉ, thậm chí còn được xem là món ăn bình dân nhất so với những loại cá, tôm biển. Thế nhưng, bất kỳ ai, khi nếm thử một con cá trích tươi vừa được nướng chín còn bốc hơi nóng hổi đều cảm nhận được sự quyến luyến không rời.
Bún bò Đò Trai
Đây là món được người dân địa phương khuyên là món ăn bạn nhất định phải thử mỗi khi có cơ hội ghé qua vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh. Có cách ăn khá giống với món bún chả nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, bún bò Đò Trai không để bún sẵn vào bát nước dùng mà cho ra đĩa riêng. Sợi bún Đò Trai to, tròn, có màu hơi nâu như hoa cau, bởi được làm theo cách thủ công hoàn toàn bằng tay từ một loại gạo quê vẫn thường được người dân nơi đây sử dụng để nấu rượu. Thịt bò được sử dụng để làm ra món bún cũng phải từ chính những con bò được chăn thả ven đê nơi vùng quê Đức Thọ.
Bún được ăn kèm cùng các loại rau thơm, xà lách và bánh đa (còn gọi là bánh tráng). Các gia vị cần thiết khác như chanh, ớt, dấm tỏi và sa tế giúp cho món ăn trở nên hoàn hảo.