Ghé thăm Hà Tĩnh mà không mua những món đặc sản này về làm quà thì coi như chưa biết hết tinh hoa của vùng đất này.
Bưởi Phúc Trạch
Nhắc đến đặc sản Hà Tĩnh mua về làm quà trước tiên phải nghĩ tới bưởi Phúc Trạch. Bưởi Phúc Trạch có hình cầu tròn, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ không trơn không ráp, màu sắc vỏ quả xanh vàng, màu sắc thịt quả màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong, khối lượng quả đạt từ 1-1,5 kg.
Bưởi Phúc Trạch trồng ở Hương Khê cho chất lượng quả ngon nổi tiếng, được xếp vào hạng nhất trong tất cả các giống bưởi hiện đang trồng ở Việt Nam. Khi bóc, các múi thẳng đều, tép bưởi không dính vào cùi, có màu trắng trong hoặc hồng nhạt, mọng nước, khi ăn thấy giòn, có vị ngọt thanh, dễ bóc… Bưởi Phúc Trạch là giống bưởi đặc sản của huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Phúc Trạch là tên làng nơi được cho là tạo ra thứ bưởi này ngon nhất.
Vỏ ram
Vỏ ram là một trong số những đặc sản của Hà Tĩnh làm quà dành riêng cho những ai yêu thích nấu ăn. Những miếng ram này có thể làm nên món nem rán với lớp vỏ giòn rụm ngon nhất miền Trung.
Vỏ ram được làm từ hai nguyên liệu chính là gạo lứt và mật mía. Người ta xay gạo thật mịn rồi trộn với mật mía. Đem tráng mỏng thật mỏng rồi phơi hai ba sương. Đến khi lớp bánh tráng săn lại người ta cho vào bịch nilon kín. Khi nào cần dùng mới lấy ra.
Vỏ ram Hà Tĩnh có màu vàng nhạt. Lớp bánh mỏng nhưng dẻo dai, mềm, rất dễ cuốn. Trước khi rán nem cho thêm vài giọt giấm ăn vào rồi lắc đều lúc dầu còn nguội. Làm vậy ram chiên xong vừa giòn vừa vàng lại không bị vỡ. Bánh ram rán chín tới ăn giòn, thơm, ngọt nhẹ do mật mía và gạo lứt đặc sản quê hương.
Bánh ram Hà Tĩnh vừa rẻ lại vừa dễ mua. Bạn đến đây có thể tìm mua ở bất cứ khu chợ hay cửa hàng tạp hóa nào ở Hà Tĩnh. Mua về bạn có thể để ngăn đá tủ lạnh để bảo quản. Vỏ ram Hà Tĩnh có điểm đặc biệt là dù để bao lâu thì khi cuốn ram vẫn mềm dẻo, rán lên cho vỏ giòn tan.
Kẹo cu đơ
Kẹo cu đơ đã trở thành đặc sản Hà Tĩnh “danh bất hư truyền”. Kẹo có nguồn gốc từ huyện Hương Sơn - một nơi có truyền thống lâu đời làm các loại kẹo đậu phộng.
Kẹo cu đơ được làm từ 3 nguyên liệu chính là đậu phộng (lạc), bánh tráng và mật mía. Người ta chọn ra những hạt đậu phộng chắc và đều nhất, sau đó rang lên và tách vỏ ra. Mật mía đun sôi rồi cho thêm vào đó một chút gừng để tạo mùi thơm. Trộn lạc rang vào với hỗn hợp này và quấy đều đến khi sệt lại cuối cùng cho lên hai miếng bánh tráng mỏng ốp hai đầu. Lớp mật khô lại liên kết hai mặt bánh tráng lại với nhau vậy là đã hoàn thành.
Kẹo cu đơ Hà Tĩnh khác biệt với những vùng khác ở chỗ mật mía rất dẻo và mềm, thơm nức mùi mật mía, chứ không hề bị cứng. Hương vị ăn rất vừa miệng. Mật mía ngọt lịm, đậu phộng rang giòn thơm thơm bùi bùi, hai lớp bánh tráng mỏng cân bằng lại vị để ăn đỡ ngán. Kẹo cu đơ ngon nhất là khi vừa ăn vừa nhấm nháp với chén trà nóng.
Bởi thế, nhiều người khi đến Hà Tĩnh thường mua kẹo cu đơ mang về làm quà, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều yêu thích.
Hồng Đông Lộ và hồng Tiến Nghi Xuân
Ngoài bưởi Phúc Trạch, Hà Tĩnh có hai loại quả quý là hồng Đông Lộ ở Thạch Hà và hồng Tiến Nghi Xuân. Hồng Đông Lộ có quả hình vuông, màu xanh cam hoặc vàng và ruột màu vàng. Khi hồng Đông Lộ chín ăn vừa ngọt và vừa thơm. Hồng Tiến – đặc sản Nghi Xuân Hà Tĩnh khi chín có màu sẫm rất đẹp, vỏ mỏng và khi ăn mềm ngọt mát, thơm. Cả hai loại đặc sản Hà Tĩnh này đều chín từ cuối hè cho đến hết thu.
Vào mùa thu, đặc biệt vào ngày Tết trung thu thì quả hồng Đông Lộ vẫn thường được dùng làm quà quê Hà Tĩnh biếu cho bạn bè và người thân. Nét văn hóa đặc thù này đã làm cho giá trị và nét đặc trưng của hồng được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.