Hà Tĩnh nổi tiếng với nhiều món ăn ngon như gỏi cá đục, cháo canh, bánh đa vừng…
Hến
Hến vốn là món ăn ưa thích của nhiều gia đình Việt. Nó mang hương vị rất đặc trưng: thơm, đậm ngọt, man mác. Ở Hà Tĩnh, hến sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, sống chủ yếu ở phía hạ nguồn giáp ranh sông La và sông Lam. Bởi vậy đây được coi như một đặc sản của người dân nơi này.
Từ hến, người dân Hà Tĩnh có thể chế biến ra nhiều món ngon như hến xào giá, hến nấu canh, ăn kèm bánh tráng, cơm nước hến…
Gỏi cá đục
Đây là thức quà đặc biệt của vùng biển Xuân Nghi. Cá đục dài khoảng 13-18 cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Nó có thể chế biến được nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.
Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non… cùng với xoài xanh, chuối xanh thai lát. Khi ăn, người ta dùng bánh đa nem cuộn rau với cá rồi chấm với nước lèo để cảm nhận vị cay, vị chua, vị thanh thanh.
Cháo canh
Món ăn này rất giống bún hoặc mỳ vằn thắn nhưng hương vị rất đặc biệt: chua chua, ngọt ngọt và cay cay. Nó được làm từ bột mì cán thành sợi như bún rồi chan với nước dùng từ xương lợn ninh nhừ, ăn kèm giò chả, thịt lợn, chút thịt bò và lá mùi tàu thái sợi.
Ram bánh mướt
Ram (hay còn gọi là nem rán) là một món ăn nổi tiếng của Hà Tĩnh. Còn bánh mướt chính là bánh cuốn không nhân, có hương vị thanh đạm, mát lành.
Ram bánh mướt là thức bánh kết hợp hài hòa của hai loại bánh khác nhau, ăn vào giòn mà dẻo, béo nhưng không ngấy. Dù cách chế biến khác nhau nhưng 2 loại này đều được làm từ gạo nếp trắng, dẻo. Nếp được xay nhuyễn thành bột, trộn muối, đổ nước ấm, nhào cho chắc, mịn. Sau đó người làm bánh phải khéo léo biết lấy lượng bột vừa đủ, bánh mỏng nhưng dai.
Bánh đa vừng
Đây là đặc sản dân dã, rẻ tiền nhưng rất thơm ngon, được bày bán ở khắp các chợ, quán ăn. Nó được làm bằng gạo, không pha thêm ngô hay sắn như ở nhiều nơi khác. Thường khi làm bánh đa, người dân Hà Tĩnh sẽ chọn loại gạo gié vụ mùa, vừa dẻo, vừa thơm, không dùng gạo xay từ các vụ trước vì để lâu nên gạo mất chất không ngọt và thơm.
Bánh đa vứng sau khi làm xong rất to, dày, có nhiều vừng đen và mang hương vị béo ngậy. Bánh có thể ăn thay cơm hoặc dùng để xúc bắp chuối, hến xào…
Bánh gai
Được làm từ lá gai, hòa quyện cùng mật mía. Để chế biến ra một chiếc bánh gai phải trải qua nhiều công đoạn và rất mất thời gian. Lá gai được hái từ vườn, chọn lá to dầy, đem về nấu cùng mật mía, sau đó trộn với bột gạo, giã nhuyễn, nhào nặn.
Nhân bánh làm từ đậu tằm, mứt dừa, nếu là bánh mặn thì có thêm thịt mỡ. Bánh còn được tráng một lớp vừng bên ngoai, vỏ bánh có màu đen. Bánh có vị ngon lành, ngậy, béo bùi.