Những loại quả này thường gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ sống ở vùng nông thôn, vùng núi…
Quả chay
Đây là loại quả có hình dáng độc lạ, thường mọc thành chùm nhỏ xinh ở vùng nông thôn Bắc Bộ. Khi còn xanh sẽ có vị chua và chát. Nhưng chín thì vàng ươm, ruột hồng và mang hương vị chua ngọt. Quả này thường dùng để ăn sống chấm với muối trắng hoặc phơi khô nấu canh, kho cá…
Quả chùm chày
Loại quả này mọc thành từng chùm, hình dáng khá dài và có đầu tròn như cái chày. Nó thường mọc ở các chân đồi, ven vùng núi miền Trung. Khi còn non chùm chày có màu xanh, lúc chín thì chuyển đỏ sẫm, thịt mỏng và hạt to, vị ngọt nhẹ và rất thanh.
Quả quăng
Cây quăng mọc nhiều ở vùng núi rừng Việt Nam, nhất là Quảng Ngãi. Mùa quăng chín thường rơi vào tầm giữa tháng 5 đến cuối tháng 6 hàng năm.
Quả quăng có hình tròn, mọc thành chùm, quả có lớp vỏ màu đỏ sậm, kích thước nhỏ hơn ngón chân cái người lớn. Hạt quăng to, lớp thịt mỏng và có vị chua, ngọt vô cùng đặc biệt. Đây chính là loại quả gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ sống ở vùng rừng núi.
Quả vả
Trồng nhiều ở Huế, được xem là món ăn dân dã của người dân nơi đây. Qủa vả khá giống quả sung nhưng to hơn và khi chín có dòng mật ngọt lịm chảy ra. Khi xanh, phần thịt bên trong có màu trắng, được dùng để chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Huế như: vả trộn hến, vả tôm…
Quả dủ dẻ
Dủ dẻ là loài cây dại thường mọc ở ven rừng thuộc khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Quả dủ dẻ khi còn non có màu xám nhạt, lúc chín có màu vàng, thịt mỏng và có vị ngọt thanh rất ngon.
Quả cám
Cám là cây thân leo, mọc dại ở nơi gần sống nước, chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ. Quả của cây này có lớp vỏ màu nâu sần sùi, nhiều mủ, khi bóc ra sẽ thấy lớp “xốp xốp” giống như cùi bưởi. Quả cám có vị ngọt giống sắn hoặc bọng dừa.