Đi Bắc Kạn mua 6 món ngon này đảm bảo ai cũng thích mê.
Lạp sườn hun khói
Mỗi dịp đầu xuân tết đến, người Bắc Kạn lại cùng nhau mổ lợn, chế biến nhiều món ăn khác nhau, trong đó có lạp sườn. Lạp sườn được người Bắc Kạn làm rất tỉ mỉ và công phu từ lòng non và thịt nạc băm nhuyễn, phơi khô rồi lại tiếp tục hong trên gác bếp.
Khách đến nhà đầu xuân, người Bắc Kạn thết đãi món lạp sườn hun khói có mùi nắng của vùng cao, có mùi khói bếp và cả mùi rượu, mùi gừng thoang thoảng, chấm cùng với nước mắm đậm đà thì không còn gì bằng.
Rau sắng
Không giống như các loại rau khác, trồng ngày một ngày hai là được hái lá, rau sắng từ khi trồng đến khi được hái lá lần đầu phải sau ít nhất 3-5 năm, tận sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Bởi phải chờ lâu như vậy mà rau sắng thành đặc sản Bắc Kạn khó cưỡng.
Đây là loại rau xanh thẫm, óng ả, hết lớp này đến lớp khác và ra nhiều nhất vào tháng Hai, tháng Ba âm lịch hằng năm. Lá rau dùng để nấu canh với thịt hoặc cá, kể cả nấu suông cũng khá là ngon. Mùi vị của nó rất đậm đà, chỉ cần một vài cọng cũng đủ để nấu bát canh ngon lành cho bốn người ăn. Những cây rau sắng đực cho những chùm rồng rồng, có thể dùng để nấu canh hoặc xào thịt bò.
Tôm chua Ba Bể
Bên cạnh những món đặc sản của vùng cao Bắc Kạn như gà đồi, nếp Tày, nấm hương, miến dong, cơm lam và bánh chưng Bắc Kạn thì tôm chua là món ăn ngon đặc sản ở Bắc Kạn được chế biến từ tôm hồ Ba Bể. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc, coi như chưa tới Bắc Kạn.
Tôm chua Ba Bể khác với tôm chua vùng biển hay xứ Huế với vị ngọt dịu của đường, chua cay nồng nàn của ớt giềng, tôm chua vùng hồ Ba Bể cũng có vị ngọt, vị chua, vị cay nhưng lại tự nhiên, hương vị ngọt dìu dịu, chua thanh, hơi cay cay nhưng lại rất đậm đà, riêng biệt như làm say lòng thực khách.
Miến dong Na Rì
Miến dong là đặc sản nổi tiếng Bắc Kạn, được làm thủ công từ những củ dong riềng trồng trên đèo Áng Toòng ở độ cao trên 1.000 m. Sợi miến được làm từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây nên giữ nguyên được màu sắc tự nhiên vốn có. Sợi miến có màu vàng hoặc trong đục. Sợi dai, giòn, để lâu cũng không bị nát. Đây cũng là nét đặc trưng khiến nhiều người yêu thích món ăn dân dã này.
Sợi miến có màu tự nhiên do không dùng hóa chất, khi nấu có vị dai, giòn và thơm của dong riềng. Từ miến dong, bạn có thể chế biến nhiều món ngon và dễ ăn.
Khâu nhục
Khâu nhục là món ăn đặc sản Bắc Kạn nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cái tên “khâu nhục” xuất phát bởi phiên âm tiếng Hoa: “Khâu” có nghĩa là “hấp đến mềm rục”, còn “nhục” có nghĩa là “thịt”, do đó nếu dịch đúng có thể hiểu là “thịt được hấp rục” Hay hấp đến chín nhừ.
Món khâu nhục làm rất cầu kì và lắm công phu. Thành quả sau thời gian dài chế biến khoảng 5 giờ đồng hồ và hấp nóng là: Miếng thịt có màu vàng cánh rán, khi ăn miếng thịt mềm nhừ, có vị béo ngầy ngậy của thịt mỡ, vị ngọt nhẹ của mật ong, vị thơm của ngũ vị hương, thảo quả. Chỉ cần thử một chút bạn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị thơm ngon kết tinh trong món ăn này.
Mứt mận
Món mứt mận ở Bắc Kạn được người dân xem nhưl đặc sản, bởi nó có những hương vị đặc trưng riêng và hấp dẫn. Hầu như người dân Bắc Kạn dù di tới đâu đều mang món mứt mận để làm quà biếu, để giới thiệu đặc sản quê hương mình.
Mứt mận nâu sậm, trong veo, cắn vào thấy dai và có vị ngọt hấp dẫn, có thể để được từ năm này qua năm khác mà không sợ bị mốc hay chảy nước, ăn vẫn cảm nhận được hương vị của nó.