Xưa nay, người Việt vốn chỉ dùng hạt đậu đen để nấu chè, nấu xôi... mà ít ai biết rằng lá đậu đen cũng có thể ăn được.
Đậu đen thuộc dạng cây thảo mọc liên tục quanh năm, thường đứng, có khi leo, toàn thân không có lông. Chúng có đặc điểm: lá kép gồm 3 lá chét, mọc so le với nhau, có các lá kèm nhỏ. Lá chét giữa to và dài hơn các lá chét ở bên; chùm hoa thường dài từ 20-30cm và có hoa màu tím nhạt; quả mọc thẳng đứng hay nghiêng, dài tầm 7-13cm, chứa từ 8-10 hạt xếp dọc trong quả, to hơn hạt đậu xanh, dài từ 5-6mm.
Cây đậu đen có nguồn gốc từ châu Phi, sau đó được nhân giống rộng tại sang khu vực Trung Á, Ấn Độ và các nước châu Á. Ngày nay, chúng được trồng nhiều ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như Nam Mỹ, Hoa Kỳ, Việt Nam...
Đậu đen thuộc dạng cây thảo mọc liên tục quanh năm, thường đứng, có khi leo, toàn thân không có lông.
Tại Việt Nam, đậu đen được trồng khắp các tỉnh thành và chủ yếu ở các vùng nông thôn. Cây thường được thu hoạch vào mùa hè khoảng tháng 5 -6 hàng năm. Khi thu hoạch người ta sẽ hái những quả già trước. Quả được phơi khô, tách vỏ và lấy hạt đậu bên trong. Hạt đậu phơi khô được mang đi bảo quản và dùng dần.
Xưa nay, người Việt vốn chỉ dùng hạt đậu đen để nấu chè, nấu xôi... mà ít ai biết rằng lá đậu đen cũng có thể ăn được. Thậm chí, chúng còn là đặc sản của một số vùng quê ở Đồng bằng Bắc bộ.
Anh Chính Vũ (40 tuổi, Nam Định) cho hay: “Hồi còn ở quê, cứ độ tháng 2, nhà nào cũng trồng vài luống đỗ đen lấy hạt nầu chè. Cây đỗ đen dễ trồng, chẳng kén đất nên gieo hạt ở chỗ nào cũng mọc xanh um. Thỉnh thoảng, chị em phụ nữ lại ngắt bớt đọt non, lá non, hãm không cho ngọn đỗ vươn cao để tập trung nuôi quả.
Vườn quê rau xanh các loại lúc nào cũng sẵn nhưng những món canh từ lá đỗ mát lành luôn được ưa thích trong mùa hè nóng bức. Lá đỗ đen xanh mềm, lại rất ngọt, dù luộc hay nấu canh suông đều có vị bùi và hương thơm riêng nhưng ngon nhất là canh lá đỗ non nấu với cua”.
Lá đỗ đen có thể ăn được.
Cũng theo anh Chính Vũ, thường trước lúc nấu cơm, các bà các mẹ mới xách rổ ra vườn hái ngọn non và lá bánh tẻ về nấu. Chờ cho nồi nước cua sôi, từng đám gạch nâu hồng nổi lên bề mặt mới nhẹ nhàng thả nắm rau vào, đun sôi bùng lên rồi bắc ra ngay. Canh cua lá đỗ đen đã có vị ngọt lịm tự nhiên, ai đã ăn một lần đều không thể nào quên.
“Từ ngày rời quê lên phố, bao món ngon dân dã của quê hương chỉ còn trong hoài niệm. Cuộc sống đã dư giả hơn, nhưng nhiều lúc, thấy nhớ, thấy thèm một món ăn xưa cũ, dù có tiền cũng chẳng thể mua nơi phố sá. Thỉnh thoảng, gặp bạn bè đồng hương cũ, trong những ồn ào ôn nghèo kể khổ vẫn không quên gợi nhắc món này rồi xuýt xoa ngon làm sao”, anh Chính Vũ tâm sự.