Dọc chân đồi, bìa núi ở vùng đồng bằng Quảng Ngãi thường có rất nhiều cây quăng với chùm quả chín đỏ. Nhưng giờ đây loại cây này thường bị chặt bỏ do giá trị kinh tế không cao.
Trời vào tháng 6 và ve kêu vang rừng cũng là lúc trái quăng chín đỏ rực. Dọc trên con đường vào các bản làng, ra nương rẫy ở các vùng miền núi Quảng Ngãi, thỉnh thoảng bạn sẽ phải giật mình khi chợt bắt gặp cây quăng rừng lúc lỉu quả chín, nhuộm đỏ cả cành.
Trái quăng rừng mọc thành từng chùm, có hình tròn, kích cỡ nhỏ hơn ngón chân cái người lớn, vỏ màu đỏ sậm hoặc hồng tím trông rất đẹp mắt. Trái quăng có lớp vỏ bao bọc bên ngoài khá dày nhưng có thể bóc tách dễ dàng bằng móng tay. Hạt quăng to và lớp thịt mỏng có vị ngọt pha lẫn chua chua rất đặc trưng.
Người dân Quảng Ngãi mô tả về loại cây này thì từ khi mọc đến lúc ra quả của cây quăng phải mất rất nhiều năm. Với chiều cao của loại cây này thấp cũng phải 5-7m và quả thường nằm ở các cành nhánh ở phần giữa thân, trên ngọn... Để hái được trái, người ta thường phải sử dụng thang cao để trèo, hoặc dùng sào tre để đập cho quả rơi xuống và nhặt.
Trước kia quăng mọc rất nhiều ở dọc bìa chân đồi, bìa núi vùng đồng bằng Quảng Ngãi. Theo đó cứ mỗi dịp đến mùa hè, vào tầm thời gian từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6, nhiều người đặc biệt là trẻ nhỏ, học sinh ở vùng thôn quê lại kéo nhau mang sào đi đập trái quăng để ăn.
Trái quăng rừng có vị chua chua ngọt ngọt rất hấp dẫn, bề ngoài lại có màu đỏ bắt mắt, nhưng vì phần ruột khá mỏng, hạt to nên ít khi được hái bán. Cây quăng cũng dần bị người dân chặt bỏ để lấy đất sản xuất nên ngày một ít dần.
Mùa quăng chín hàng năm thường vào tầm thời gian từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6, đúng vào dịp nghỉ hè nên khá đông lũ trẻ ở các vùng quê kéo nhau mang sào đi đập trái quăng để ăn. Cho đến giờ, đây vẫn là loại quả rừng ngon lành mà trẻ nhỏ nơi đây yêu thích.