Theo chị Thanh Loan, cứ độ tháng 8-9 hàng năm, lũ trẻ quê chị lại tíu tít rủ nhau vào rừng hái nhót. Chúng thi nhau vít từng cành xuống rồi vặt... vặt... những quả nhót còn xanh rồi chấm muối ớt hoặc chẩm chéo ăn tại gốc.
Nhót rừng là cây mảnh mọc trườn, cành nhiều lông. Lá mọc so le, phiến lá mỏng, hình bầu dục dài 8-9cm, mặt dưới phủ đầy lông hình khiên, màu bạc và ít lông mày sắc nét; gân phụ 8-9 cặp; cuống lá dài 4-6mm. Hoa nhóm thành từng chúm ngắn ở nách lá, dài 2-3cm; cuống hoa 1.5mm; hoa trắng. Quả nhỏ, vỏ ngoài mọng nước và có lông.
Loại quả này có nhiều ở Hòa Bình và rừng Cúc Phương (Ninh Bình). Chị Thanh Loan (26 tuổi) – sinh sống tại khu vực có nhiều nhót rừng nhất tại Hòa Bình cho biết: “Nhắc đến quả nhót Bắc, người ta lại nhớ về tuổi thơ với biết bao kỷ niệm. Hễ cứ đến mùa là lũ trẻ hoặc chị em nội trợ lại mua nhót xanh nhót đỏ về chế biến thành những món ăn ngon như: nhót xanh ăn cùng bắp cải, lá tỏi tươi, gừng, rau mùi rồi chấm với muối, đường, ớt bột. Nhót chín đỏ, người ta dùng làm nguyên liệu chế biến nộm, gỏi cá hoặc đơn giản nhất là cứ thể bỏ vô miệng thưởng thức.
Đó là quả nhót mà ai cũng từng nếm thử một lần, còn nhót rừng quê mình hẳn không nhiều người biết đến”.
Nhót rừng chỉ cần chấm muối ớt cũng thấy ngon đến đắm say.
Theo chị Thanh Loan, cứ độ tháng 8-9 hàng năm, lũ trẻ quê chị lại tíu tít rủ nhau vào rừng hái nhót. Chúng thi nhau vít từng cành xuống rồi vặt... vặt... những quả nhót còn xanh rồi chấm muối ớt hoặc chẩm chéo ăn tại gốc luôn.
“Ăn vậy mới đã, mới cảm nhận được hương vị chua mọng nước của thứ quả do núi rừng ban tặng. Mình biết chúng không thèm khát gì nhưng đứa nào đứa nấy đều ngấu nghiến từng quả nhót rừng. Chúng bảo đó là món quà thiên nhiên ban tặng cho quê hương nên năm nào cũng muốn thưởng thức”, chị Thanh Loan tâm sự.
Nếu như xưa đến mùa nhót, lũ trẻ trong xóm ùa vào rừng hái ăn thì giờ đây người dân bắt đầu đi hái rồi đem ra chợ huyện bán với giá khá đắt đỏ. “Không biết vì lý do gì mà nhót rừng bỗng trở nên hót đến vậy. Người dân trong bản chỉ cần đem vài cân nhót rừng ra chợ thị trấn là bán hết vèo. Họ bán với cái giá không phải rẻ so với hoa trái ở quê, từ 50.000 – 90.000/kg, tùy thời điểm”, cô gái trẻ nói.
Không chỉ bán ở chợ, người dân quê chị Thanh Loan còn rao bán nhót rừng trên mạng xã hội với hi vọng người dân dưới xuôi hoặc thành phố được nếm thử thức quà vùng núi rừng. “Nhót rừng bán online có khá cao hơn ở quê mình một chút, khoảng 120.000 đồng/kg. Sở dĩ vậy vì tính cả chi phí vận chuyển xuống thành phố”, chị Thanh Loan cho hay.
Anh Trung Vũ – chủ vựa hoa quả, chuyên bán các loại quả rừng đặc sản ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay: “Vào mùa nhót rừng, khách hàng liên tục nhắn tin đặt mua. Thậm chí có hôm tôi cháy hàng, phải hẹn khách tuần sau mới có. Họ vẫn vui vẻ đồng ý bởi đã mua quen nhót rừng ở đây.
Nhót rừng không ngọt như nhót ta song lại có hương vị rất lạ: chua chua, chát chát, thơm nồng. Bạn chỉ cần cầm quả nhót rừng chấm với muối ớt rồi căn một miếng sẽ thấy họng khác lạ”.