Từ rau xau xau, người dân vùng cao có thể chế biến thành các món ăn ngon, làm xôi. Tất cả đều mang hương vị vô cùng độc đáo và mới mẻ.
Cao Bằng nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch như Thác Bản Gốc hùng vĩ, suối Lê-nin trong vắt và hang Pác Bó chứa đựng biết bao giai thoại đẹp về lịch sử dân tộc. Nơi này còn là điểm đến trong mơ của giới trẻ khi sở hữu danh sách đặc sản độc nhất vô nhị, trong đó phải kể đến rau xau xau.
Xau xau là loại cây thân gỗ, thường mọc trên rừng ở huyện Trùng Khánh. Chúng đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân. Đó cũng là thời điểm người dân Cao Bắng nói chung và Trùng Khánh nói riêng rủ nhau lên rừng hái lá nón về chế biến thành các món ăn ngon.
“Xưa loại rau này có nhiều lắm! Chỉ cần mùa xuân về là lũ trẻ chúng tôi lại theo các bà các mẹ vào rừng để hái. Chúng tôi hái đến khi nào đầy sọt thì í ới nhau về rồi tích ăn dần cho cả mùa mưa phùn.
Xau xau là loại cây thân gỗ, thường mọc trên rừng ở huyện Trùng Khánh.
Ngày nay khách du lịch đến Trùng Khánh nhiều hơn, họ được thưởng các món ăn từ rau xau xau và thấy ngon nên tìm mua về làm quà nhưng làm gì có để bán chứ. Bởi rừng càng ít, người dân xuống thành phố làm ăn nhiều nên chẳng có ai vào đó hái nữa! Họa chăng lắm mới có người già đi rừng hái xau xau”, chị Kiều Kiều (27 tuổi) nói.
Từ rau xau xau, người dân vùng cao có thể chế biến thành các món ăn ngon, làm xôi. Tất cả đều mang hương vị vô cùng độc đáo và mới mẻ. Theo đó cách chế biến búp lá xau xau đơn giản, chỉ cần băm một ít thịt ba chỉ, rang lên, cho mắm muối và một bát con nước vào chảo. Khi nước sôi được một lúc, họ cho dấm vào, đến khi sôi lại thì cho lá xau xau xuống chảo, đảo nhanh và múc ra bát.
“Vị chát, vị ngọt lẫn vị chua cùng chất mỡ béo ngậy của thịt ba chỉ tạo cảm giác cho ta một bữa ăn ngon miệng. Nếu không có thịt ba chỉ, có thể dùng tép để thay, hoặc dùng mẻ để chấm ngọn xau xau ăn cũng rất ngon”, chị Kiều Kiều cho hay.
Ngoài ra, người dân Cao Bằng còn sử dụng lá xau xau cho Tết Thanh minh – lễ tảo mộ vào mùng 3/3 âm lịch. Họ sẽ lấy lá băm nhỏ, ngâm khoảng 1 - 2 ngày. Khi các chất từ lá xau xau ngấm ra hết, người ta vắt bã bỏ đi, rồi đem gạo nếp vào ngâm từ 3 - 5 giờ, sau đó đem đồ, tạo thành món xôi nếp thơm ngậy, đen bóng.
“Đó là món xôi không thể thiếu được của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở các huyện miền Đông tỉnh Cao Bằng đem cúng giỗ tổ tiên trong dịp lễ tảo mộ”, chị Kiều Kiều chia sẻ.
Người phụ nữ cũng khẳng định, ai đã từng thưởng thức một lần chắc không thể quên được hương vị của món ăn chế biến từ rau xau xau-một trong những loại rau rừng đặc sản này.