Với những thủ thuật tâm lý "nhỏ mà có võ" này, bạn sẽ dễ dàng chiếm được cảm tình của người đối diện.
1. Khiến họ thích bạn ngay từ đầu
Ngay từ những ấn tượng đầu tiên, hãy tạo cảm giác ấm áp và tích cực cho đối phương để gây ấn tượng tốt với họ. Không cần làm gì cầu kỳ, đơn giản chỉ là một nụ cười chân thành, một cái bắt tay ấm áp hay một cái ôm thân tình. Quan trọng là bạn đặt sự chân thàn của mình vào đó.
Không ai muốn bắt chuyện với một người có vẻ ngoài khó gần, lạnh lùng cả. Sự cởi mở, vui vẻ sẽ khiến mọi người xung quanh cảm thấy dễ chịu và muốn đến gần với bạn hơn.
2. Khích lệ đối phương chia sẻ nhiều hơn về bản thân
Hầu hết mọi người đều thích nói về bản thân mình. Trong cuộc trò chuyện, để tạo thêm sự gần gũi, hãy tạo cơ hội để đối phương chia sẻ nhiều hơn về bản thân mình. Đó có thể là hỏi về sở thích của họ, về nơi họ muốn được đặt chân đến hay những dự định cho cuối tuần này. Nên nhớ, cần tránh những câu hỏi mang tính riêng tư vì điều đó có thể khiến người khác cảm thấy khó chịu và từ chối kết giao với bạn.
Bên cạnh đó, bạn nên tránh những câu hỏi đơn giản mà người được hỏi chỉ cần trả lời "đúng hoặc không" vì chúng dễ khiến cuộc trò chuyện đi vào ngõ cụt. Hãy thay bằng các câu hỏi “thế nào”, tại sao”… để kéo dài câu chuyện, tạo cơ hội để cả hai chia sẻ về bản thân nhiều hơn.
3. Nhấn mạnh vào những điểm chung
Chúng ta có xu hướng bị thu hút bởi những người có tính cách, đặc điểm giống với mình. Hãy cố tìm những điểm tương đồng giữa hai người và trò chuyện về chúng.
Đó có thể là một thần tượng trong âm nhạc, một bộ phim hay món ăn yêu thích… Những điều đơn giản tưởng chừng không quan trọng này có nhiều lợi ích, khiến chúng ta cảm thấy được kết nối với nhau hơn.
4. Đừng tiếc lời khen
Một lời khen ngợi chân thành có thể đánh thức hàng loạt cảm xúc và mang đến sự hài lòng cho người nghe. Bạn có thể đưa ra lời khen về bộ trang phục phối màu khéo léo, chi tiết thêu tỉ mỉ trên chiếc áo hay cách xử lý công việc nhanh chóng… Đối phương sẽ cảm thấy rất vui vẻ vì lời khen chân thành đó.
5. Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể có thể nói lên nhiều điều về con người bạn. Nên nhớ, khi trò chuyện cần tránh việc khoanh tay, khoanh chân hay vẻ mặt đăm chiêu khó gần. Điều này dễ khiến người đối diện cảm giác bạn đang không thoải mái, cố che giấu điều gì đó.
Hãy mở lòng, đáp lại bằng một nụ cười thân thiện, hướng cơ thể về phía đối phương khi trò chuyện. Sẽ tốt hơn khi bạn giữ cho cột sống và chân của mình thẳng, hai bàn tay mở ra, lòng bàn tay hướng về phía người đối diện.
6. Đừng ngại nói về những sai sót
Một số người cảm thấy không thoải mái, thậm chí là khó chịu khi ai đó luôn cố tỏ ra mình hoàn hảo và giấu đi những sai lầm của bản thân. Không ai là không mắc sai lầm. Việc bạn chia sẻ về những điểm chưa hoàn hảo của mình, một sai lầm nào đó trong quá khứ có thể khiến đối phương cảm nhận được sự chân thật từ phía bạn, thấy gần gũi và dễ gắn bó hơn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên nói về tất cả những thất bại và khoảnh khắc tồi tệ của mình để tránh hiệu quả ngược lại.
7. Tạo ra không khí vui vẻ
Thay vì giữ không khí im lặng đến mức căng thẳng, hãy là người khơi mào những câu chuyện hài hước để cuộc trò chuyện trở nên thoải mái hơn. Đó có thể là một vài câu bông đùa vô hại, vài câu chuyện hài hước chẳng hạn. Nhớ rằng các câu bông đùa cũng cần có chừng mực, không quá giới hạn để đối phương luôn cảm nhận được sự tôn trọng.
8. Ủng hộ câu chuyện của người khác
Khi một người cố gắng bày trò nhưng không nhận được sự hưởng ứng, họ sẽ thấy rất ngại và khó có thể mở lời tiếp. Hãy “hùa” vào câu chuyện của họ bằng một nụ cười để họ cảm thấy mình đang được lắng nghe. Nếu câu chuyện đó không đủ hài hước, bạn có thể biến tấu thêm để mọi người cùng được vui vẻ. Tất nhiên cười ở đây không có nghĩa là cười nhạo.
9. Muốn là người thú vị, hãy tỏ ra hứng thú
Mọi người đều thích nói hơn lắng nghe, thích được người khác chú ý đến mình. Hãy học cách lắng nghe, chia sẻ thay vì chỉ thao thao bất tuyệt kể về mình. Hãy thể hiện rằng mình đang hứng thú, tập trung lắng nghe câu chuyện của đối phương, lặp lại những gì họ vừa nói và không kèm những từ ngữ khuyến khích họ như: “Đúng rồi”, “Cậu nói chuẩn quá!”…
10. Kéo mọi người vào cuộc trò chuyện
Hãy trở thành người chủ động kéo mọi người tham gia vào những cuộc trò chuyện ngắn nhưng ý nghĩa. Việc gợi mở những câu chuyện, thu hút người khác tham gia cùng sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng mạnh. Không phải vẻ ngoài bắt mắt mà chính suy nghĩ, hành động thông minh mới là điều giúp bạn thu hút sự chú ý từ những người xung quanh.
11. Bạn bè càng đông càng vui
Khi gặp được những người có suy nghĩ tương đồng, đừng ngại ngần bắt chuyện và xây dựng một mối quan hệ. Bạn còn có thể tạo mối quan hệ bạn bè với người thân, bạn bè của đối phương để tạo dựng thêm niềm tin. Đó cũng là cách để bạn mở rộng vòng quan hệ của mình.
12. Tạo cảm giác bất ngờ
Chúng ta thường cảm thấy rất tuyệt khi nhận được những điều bất ngờ từ người khác mà trước đó mình không đòi hỏi. Đừng ngại tạo bất ngờ cho đồng nghiệp, bạn bè hay người thân của bạn bằng những thứ họ thích.
Không phải điều gì đó cầu kỳ, có thể là một chiếc bánh mì cho cô đồng nghiệp chưa kịp ăn sáng hay một chiếc quạt xinh xắn cho ngày hè đỡ oi ả.