“Đừng nên xem nhẹ những chuyện nhỏ. Chúng có thể tạo nên những biến đổi to lớn”. Những hành vi tưởng nhỏ như dậy muộn, đi làm trễ, buông thả trong cách ăn mặc… sẽ dần tạo nên con người bạn. Muốn đạt được những điều lớn lao, hãy tập trung thay đổi từ những điều nhỏ nhất.
Chắc hẳn bạn đã từng trải qua cảm giác không hiểu nổi vì sao mình nghĩ một đằng nhưng lại làm một nẻo như vậy. Dưới góc độ tâm lý, Brightside đã đưa ra những sự thật thú vị về mỗi chúng ta và giải thích phần nào cho câu hỏi: “Vì sao chúng ta hay hành động khác suy nghĩ?”.
1. Hiệu ứng “Cửa sổ vỡ”
Cơ sở của lý thuyết “cửa sổ vỡ” do hai nhà tội phạm học James Q. Willson và George Kelling đưa ra. Kết luận của họ được đưa ra dựa trên một thời gian nghiên cứu về nguyên nhân khiến tỷ lệ tội phạm ở New York giảm sâu trong những năm 80.
Trong cuộc sống đời thường, thuyết “cửa sổ vỡ” có thể hiểu đơn giản qua tình huống: Trong một tòa nhà, nếu một chiếc cửa sổ bị phá vỡ mà không có ai sửa chữa, những người khác sẽ cho rằng không ai quan tâm và chịu trách nhiệm trước hiện trạng này. Rồi không lâu sau, những cánh cửa sổ khác cũng sẽ bị đập vỡ và chẳng ai thấy việc mình làm là phạm lỗi nữa.
“Đừng nên xem nhẹ những chuyện nhỏ. Chúng có thể tạo nên những biến đổi to lớn”. Những hành vi tưởng nhỏ như dậy muộn, đi làm trễ, buông thả trong cách ăn mặc… sẽ dần tạo nên con người bạn. Muốn đạt được những điều lớn lao, hãy tập trung thay đổi từ những điều nhỏ nhất.
2. Cạm bẫy tâm lý “Bất lực tập nhiễm”
“Bất lực tập nhiễm” được xem là một dạng rối loạn hành vi khi chúng ta không cố gắng làm bất cứ điều gì để cải thiện cuộc sống của mình dù có cơ hội. Theo đó, khi cảm thấy mình không thể kiểm soát được những gì xảy ra, chúng ta bắt đầu hành xử như thể mình hoàn toàn thua cuộc, bất lực. Sự ì ạch này có thể khiến chúng ta bỏ qua những cơ hội để thay đổi hoặc hành động để bản thân cảm thấy tốt hơn.
Một người đàn ông từng hai lần trượt đại học đã đi làm một công việc lao động hết sức vất vả với cái giá rẻ mạt. Anh ấy luôn cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống, công việc nặng nhọc, người bạn đời luôn tạo ra mâu thuẫn song lại không dám làm những điều đơn giản để thay đổi vận mệnh của mình. Anh ta không dám nghĩ rằng mình có thể tiếp tục ôn thi, vào đại học, có một công việc tốt hơn và giải thoát cho cuộc hôn nhân của mình.
Lời khuyên cho bạn là:
Hãy quên sự hoàn hảo đi vì sự thật là có rất ít điều mà bạn có thể làm hoàn hảo 100%.
Ít đưa ra những dự đoán và kỳ vọng vào tương lai hơn vì ta thường có xu hướng sợ hãi những rủi ro dù nó chưa xảy đến.
Học cách lạc quan. Hãy nhớ rằng mọi vấn đề luôn có hai mặt của nó và bình tĩnh để nhìn nhận nhiều chiều hơn, chúng ta có thể nhận ra cách giải quyết không khó khăn như ta vẫn tưởng.
3. Cạm bẫy tâm lý “Con đường quen thuộc”
Cùng với một bức tranh Mona Lisa, người có sở thích hội họa sẽ cảm nhận được sức hấp dẫn từ nụ cười bí ẩn của nàng, song với những người không quan tâm hội họa thì bức tranh này lại không hề thú vị đến vậy.
Chúng ta nhìn nhận thế giới thông qua “bộ lọc” trải nghiệm và niềm tin của riêng mình. Tất cả những gì chúng ta đã trải qua, những vấp ngã, trải nghiệm, thành tích đạt được… sẽ thành chất liệu để tạo nên phản ứng khác nhau của mỗi người trước cùng một tình huống.
Bên cạnh đó, khi đã quen với sự an toàn của bản thân, bạn rất khó để vượt ra khỏi ranh giới để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn. Hãy nhớ rằng rất nhiều điều không có đúng hay sai tuyệt đối mà quan trọng là do cách nhìn nhận của mỗi người. Người thành công là người biết học hỏi và tiếp thu có chọn lọc thay vì giữ cái tôi quá cao.
4. Hiệu ứng tâm lý “Sự khó xử của loài nhím”
Chúng ta có xu hướng đến gần nhau hơn, nhất là đối với gia đình và bạn bè thân thiết. Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiết đôi khi cũng khiến chúng ta nhận về tổn thương. Thuyết tâm lý này dựa trên hình ảnh một đàn nhím cố gắng đến gần nhau để giữ hơi ấm trong thời tiết lạnh nhưng chúng vẫn phải giữ khoảng cách để tránh làm nhau bị đau bởi bộ lông gai xù xì. Vì một số trở ngại, khác biệt nào đó khiến chúng ta không thể thể hiện hết được tình cảm của mình hay nhận về những vết chai sạn. Từ đó ta sinh ra sự bối rối, sợ đến gần hay nghiêm trọng hơn tâm lý hận thù chỉ vì không thể hiểu được ai đó.
Hãy nhớ rằng chìa khóa cho một mối quan hệ hạnh phúc là hãy trao cho người khác sự gần gũi, chân thành nhưng vẫn tôn trọng khoảng không gian riêng tư nhất định. Đừng cố chịu đựng nỗi đau một mình và cũng đừng chạy trốn khỏi những mối quan hệ thân thiết. Một khoảng cách hợp lý, hài hòa sẽ khiến cả hai cùng hạnh phúc.
5. Hiệu ứng tâm lý “Cố gắng thích nghi”
Nếu những khó khăn, trở ngại nào đó trong cuộc sống diễn tiến một cách thầm lặng và thường xuyên, chúng ta sẽ dần cảm thấy quen và thích nghi. Ví dụ như khi bạn sống trong một thành phố rất ô nhiễm nhưng tình trạng này không tác động quá khủng khiếp ngay và bạn sẽ thích nghi từ “Không ổn” đến “Ổn đấy”, “Không sao”, “Vẫn ổn”.
Đó cũng là câu trả lời cho những quẩn quanh như Tại sao sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng bạn vẫn không dám chấm dứt, cho mình một sự giải thoát? Thực tế chỉ ra rằng những trở ngại bất thường theo thời gian sẽ khiến bạn dần dần cảm thấy “bình thường”.
Hãy nhớ rằng trong một số trường hợp, bạn không nên thỏa hiệp với những suy nghĩ của mình. Nếu tìm thấy những điểm không thể chấp nhận được nữa trong cuộc sống hay những mối quan hệ của mình, đừng e ngại thay đổi bởi biết đâu điều đó sẽ mở ra một hướng đi mới tốt đẹp hơn.