Những quyết định đúng đắn ở khoảng thời gian thanh xuân này sẽ quyết định những gì bạn có trong 10 năm, 20 năm nữa... Đừng để phí hoài những năm tháng tươi đẹp vào cám dỗ, giật mình khi đã 30 mà không một đồng tiết kiệm phòng thân.
Bước sang tuổi 20, một dấu mốc mới trong đời, bạn hân hoan và không khỏi mong chờ, vẽ ra những tưởng tượng về tương lai phía trước.
22 tuổi, bạn tốt nghiệp và bước vào đời với công việc đầu tiên. Tháng lương đầu tiên, bạn dành một phần mua món quà tặng ba mẹ và phần còn lại tự thưởng cho bản thân.
25 tuổi, một ngày của bạn bận rộn với những lo lắng hôm nay ăn gì, mặc gì cho ngày cưới của bạn bè vào cuối tuần này.
27 tuổi, kết thúc những ngày tháng rong ruổi bằng việc "theo chồng bỏ cuộc chơi". Bạn bước sang một trang mới với cuộc sống gia đình đầy những lạ lẫm. Nhiều điều thay đổi song thói quen chi tiêu thì vẫn không.
30 tuổi, nhìn bạn bè sắm ô tô, mua nhà mà lòng không khỏi hoang mang. Tất cả họ đều sinh ra đã "ngậm thìa vàng" ư? Không! Có người những năm 20 vẫn cùng xuất phát với bạn nhưng giờ thì khoảng cách đã xa rồi.
Lý do là gì? Sự thật thì tuổi 20 là một trong những dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta. Những quyết định đúng đắn ở khoảng thời gian thanh xuân này sẽ quyết định những gì bạn có trong 10 năm, 20 năm nữa... Đừng để phí hoài những năm tháng tươi đẹp vào cám dỗ, giật mình khi đã 30 mà không một đồng tiết kiệm phòng thân.
Tư tưởng mặc định: “Ta chỉ sống một lần”
Trong đầu luôn là tư tưởng "Ta chỉ sống một lần", bạn tự đưa mình vào những trò "giết" thời gian và "giết" ví tiền nhanh chóng nhất. Tuy nhiên tin tôi đi, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh và nếu bạn vô trách nhiệm với cuộc đời của chính mình, khi 30 rồi 40 tuổi nhìn lại, điều duy nhất bạn cảm thấy sẽ chỉ là nuối tiếc.
20 chưa phải là lúc bạn nên tận hưởng những kỳ nghỉ xa xỉ hay những điều thoải mái trong cuộc sống. Đừng biến những năm tháng hừng hực sức trẻ và tính chiến đấu thành quãng thời gian lười biếng vì suy nghĩ ưu tiên tận hưởng.
Bắt đầu càng sớm, bạn sẽ càng nhanh chóng đạt được mục tiêu. Những người thành đạt đều là người tận dụng triệt để thời gian của mình trước khi đạt được số tài sản khiến chúng ta phải ngưỡng mộ.
"Ta chỉ sống một lần", điều này đúng và hãy để những năm tháng tuổi 20 trở nên thật ý nghĩa, góp phần cho những thành công sau này thay vì để nó trôi qua trong tiếc nuối.
Chi quá nhiều tiền cho ăn hàng, mua sắm
Tuổi 20 là lúc bạn bắt đầu kiếm ra đồng tiền và tự thưởng cho bản thân vì những điều mình làm được. Tuần đầu tiên sau ngày lấy lương sẽ là khoảng thời gian "bung xõa" nhất. Màn hình máy tính sẽ là cả chục tab của các cửa hàng quần áo thời trang khác nhau. Bạn tiêu như thể sợ rằng ngày mai chúng sẽ hết mất.
Nấu nướng ở nhà thì nhiều điều bất tiện nên không ít bạn trẻ chọn cách "đóng họ" cho hàng quán. Một cốc trà sữa bình thường cũng 30 nghìn, loại đắt hơn thì 50-60 nghìn cũng có. Sáng ra làm phát bún riêu là xong 30 nghìn rồi, bữa trưa ta lại cùng chị em trong công ty sang quán đối diện ăn cho tiện.
Thử 1 tháng ghi chép lại mọi khoản chi tiêu và thống kê lại, bạn sẽ biết mình đã "ngốn" bao nhiêu tiền vào việc mua sắm cũng như ăn uống ngoài hàng. Lời khuyên là hãy chi tiêu một cách thông minh hơn. Thay vì việc "đốt" tiền cho hàng quán, bạn có thể chuẩn bị đồ ăn mang đi làm để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo cho sức khỏe. Thỉnh thoảng muốn "đổi gió", hãy chú ý tới các thông tin khuyến mại của các nhà hàng hay voucher giảm giá để có thể thưởng thức với một mức giá hợp lý hơn.
Sáng đi làm, tối hẹn cà phê, cuối tuần lẩu nướng
Chúng ta sống với suy nghĩ mình kiếm được tiền thì tội gì không chi tiêu. Thế nhưng tiền có bao nhiêu mà không biết chi tiêu thì rồi cũng tiêu tốn hết. Những năm tuổi 20, nhất là khi chưa lập gia đình, bạn bận rộn trong những cuộc hẹn với đủ các mối quan hệ bạn bè.
Lâu lâu không gặp cô bạn thân hồi cấp 1, bạn cấp 2 rủ họp lớp, cô bạn thân từ lúc mới lọt lòng hẹn đi cà phê, cuối tuần họp hội "bà tám"... Những buổi hẹn liên tục khiến bạn "đốt" không ít tiền và tặc lưỡi: "Biết làm sao được. Đều là những mối quan hệ không thể bỏ". Tuy nhiên, hãy lọc các mối quan hệ của mình và chi tiêu một cách hợp lý hơn.
Bạn có thể mời bạn bè đến nhà chơi thay vì đi ăn uống tốn kém ở bên ngoài. Nếu như ở ngoài hàng, chuyện tốn kém 300 nghìn cho một bữa ăn lẩu nướng là rất bình thường thì khi tự nấu nướng ở nhà, bạn chỉ mất một nửa số tiền đó mà lại vui hơn khi được cùng nhau đi chợ, vào bếp.
Bên cạnh đó, đừng bao giờ quên giá trị của gia đình. Có những người con xa quê, tuổi 20 chôn những ngày cuối tuần trong các mối quan hệ bạn bè nơi phố thị, khi có gia đình mới tiếc nuối chẳng thể dành thời gian bên bố mẹ già. Hãy dành thời gian cho gia đình, quan tâm đến cha mẹ hơn khi bản thân còn có thể.
Quá chú trọng tới bề nổi
Chúng ta muốn khẳng định với bạn bè bằng chiếc iphone đời mới nhất, khoác trên mình những bộ cánh hợp thời trang. Dù tốn kém nhưng ta thấy vui vì trông mình thật "oách", thậm chí là ta có thể mất cả nửa năm sau đó mới trả hết khoản nợ để mua điện thoại.
Trang phục bạn khoác lên người, chiếc túi xách bạn đeo không làm nên con người bạn. Nguyên tắc đơn giản nhất để giúp bạn có thể tự do tài chính trong tương lai chính là tránh chủ nghĩa tiêu dùng, chuộng chủ nghĩa tối giản. Sự thật là những người thực sự giàu có không bao giờ phô trương sự giàu có của mình. Họ cũng không quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình.
Càng tiết kiệm sớm, bạn sẽ càng nhanh đạt được sự tự do tài chính, tạo cho mình cuộc sống sung túc, thảnh thơi khi về hưu. Trước khi quyết định dồn hết tất cả số tiền mình có hay thậm chí là vay bạn bè để có thể mua được một món đồ mới, hãy suy nghĩ thật kỹ. Liệu khoản chi đó có thật sự cần thiết không? Bạn có thật sự hạnh phúc không và điều đó sẽ kéo dài bao lâu? Nó sẽ giúp bạn nâng tầm giá trị của bản thân chứ?