Triệu phú tự thân Steve Siebold viết trong "How Rich People Think" (tạm dịch: Cách người giàu nghĩ”): "Người giàu biết rằng ngay cả các trường tư thục cao cấp cũng bị hạn chế về những gì họ có thể dạy cho học sinh về tiền bạc”.
Bạn nên bắt đầu đầu tư càng sớm càng tốt
Đặc biệt là khi bạn còn trẻ, tài sản lớn nhất của bạn chính là thời gian. Đối với hầu hết mọi loại hình đầu tư, gồm cả tiết kiệm hưu trí, không gì có thể bù đắp được hiệu quả của lãi suất kép. Bên cạnh đó, ngay cả trong trường hợp xấu nhất rằng bạn bị thua lỗ, càng đầu tư sớm, bạn sẽ càng có nhiều thời gian để kiếm lại trước khi đến mốc thời gian cần.
"Đã quá muộn để bắt đầu đầu tư" không phải lý do hay để bạn "chôn" những đồng tiền của mình trong két. Tốt hơn là bạn nên bắt đầu đầu tư muộn còn hơn không, miễn là bạn không bị cám dỗ bởi những khoản đầu tư có rủi ro cao không cần thiết. Hãy quên đi suy nghĩ làm sao để trở nên giàu có "chỉ sau một đêm".
Cách nói chuyện về tiền bạc với người thân trong gia đình
Dù có thể không thoải mái song những cuộc trò chuyện về tiền bạc với bạn đời, bố mẹ, con cái là điều rất quan trọng. Bạn cần chắc chắn rằng mình và người bạn đời phù hợp về quan điểm tài chính từ trước khi kết hôn. Bởi sự thật là rất nhiều cặp đôi đi đến bờ vực ly hôn do những mâu thuẫn xuất phát từ tài chính.
Khi bạn có con, bạn có thể đóng một vai trò quan trọng trong thành công tài chính của con trong tương lai. Amy Podzius, nhà lập kế hoạch tài chính tại TIAA, chia sẻ rằng: “Những cuộc trò chuyện đúng đắn về tiền bạc có thể tạo cho trẻ em nền tảng để hiểu biết về tài chính. Bằng cách dạy con những thói quen hợp lý về tiết kiệm và chi tiêu, bạn có thể hình thành cho chúng cách chi tiêu tiền khôn ngoan trong suốt cuộc đời sau này."
Xét cho cùng, những người giàu có nhất, thành công nhất đều dạy con cái của họ trở nên giàu có. Như triệu phú tự thân Steve Siebold viết trong "How Rich People Think" (tạm dịch: Cách người giàu nghĩ”): "Người giàu biết rằng ngay cả các trường tư thục cao cấp cũng bị hạn chế về những gì họ có thể dạy cho học sinh về tiền bạc”. Đó là lý do tại sao họ tự rút ra bài học về tiền bạc, tiết kiệm và đầu tư để dạy cho con mình ngay cả trên bàn ăn.
Bạn phải tiết kiệm để nghỉ hưu, ngay cả khi nó có vẻ như còn xa lắm
Một cuộc khảo sát của Bankrate cho thấy 69% những người từ 18 đến 29 không có tiền tiết kiệm hưu trí. Việc nghỉ hưu có vẻ quá xa để bạn bắt đầu xem xét khi còn trẻ song theo các chuyên gia, nếu thế hệ trẻ không thay đổi suy nghĩ này, họ có thể gặp khó khăn trong việc tiết kiệm cũng như đầu tư sau đó và vất vả khi nghỉ hưu.
Bạn cần dành bao nhiêu cho quỹ khẩn cấp
Không ai biết được chuyện gì có thể xảy đến với bản thân trong tương lai và bạn hoàn toàn có thể bị các yếu tố như dịch bệnh, thiên tai… ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Để đảm bảo cuộc sống ngay cả trong những trường hợp đó, bạn cần phải có quỹ khẩn cấp cho riêng mình và số tiền cần thiết trong quỹ đó không phải là một con số cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Theo nhiều chuyên gia, bao gồm cả tỷ phú John Paul DeJoria, thật thông minh khi bạn có một khoản tiết kiệm trị giá bằng 6 tháng sinh hoạt. Cá nhân bạn có thể cần nhiều hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào tình hình riêng.
Để có một ý tưởng chung về số tiền mà bạn nên hướng tới, hãy bắt đầu bằng cách xác định số tiền bạn chi tiêu mỗi tháng và nhân số đó với số tháng bạn cảm thấy thoải mái khi dành tiền cho trường hợp khẩn cấp.
Cách tiết kiệm tiền khi thanh toán hóa đơn
Trả tiền cho bản thân trước là một khái niệm đơn giản và được cho là một trong những cách hiệu quả nhất để bạn xây dựng sự giàu có, song hầu hết chúng ta lại chọn trả tiền cho những người khác trước, theo David Bach chia sẻ trong "The Automatic Millionaire" (tạm dịch: “Triệu phú tự động”).
Họ trả tiền cho chủ nhà, công ty thẻ tín dụng, công ty điện thoại, chính phủ… với suy nghĩ rằng mình cần biết tổng số tiền mình cần chi trả cho người khác là bao nhiêu và đâu là khoản còn lại để dành cho mình. Điều này nghe rất hợp lý song về mặt tài chính thì ngược lại.
Hãy nhớ rằng, tiền tiết kiệm, tiền cho bản thân nên được ưu tiên như những khoản phải chi, tiền nhà hay tiền điện vậy. Bằng cách suy nghĩ với logic đó, bạn sẽ tiết kiệm được tốt hơn, sẽ nghĩ đến phương án cắt giảm chi tiêu thay vì cắt giảm tiền tiết kiệm.
Làm thế nào để đàm phán lương
Đàm phán, đặc biệt là đàm phán tiền lương, không phải là điều chúng ta làm hàng ngày hay hàng tháng song đó là một kỹ năng quan trọng cần phát triển nếu bạn muốn có bước tiến lớn về mặt tài chính. Đừng chỉ ngồi một chỗ và thụ động chờ đợi cấp trên đề nghị cho bạn tăng lương, hãy là người chủ động đề nghị.
Trước khi bước vào cuộc đàm phán tế nhị đó, bạn cần biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Hãy tìm hiểu về những điều nên và không nên nói, xem xét tình hình thị trường với vị trí tương đương, biết được giá trị của bản thân, những đóng góp cho công ty để có buổi đàm phán thành công tốt đẹp.
Không phải khoản nợ nào cũng giống nhau
Chuyên gia lập kế hoạch tài chính Jordan Niefeld chia sẻ rằng: “Việc chọn sai khoản nợ để trả trước có thể khiến bạn tốn kém thêm”.
Để bắt đầu, bạn cần phải sắp xếp tất cả các khoản nợ của mình theo thứ tự lãi suất - từ lãi suất cao nhất đến lãi suất thấp nhất. Dù bạn muốn trả những con số nhỏ trước song hãy ưu tiên khoản nợ có lãi suất cao nhất để trả trước nhằm giảm số tiền phải trả lãi sau này. Sau khi đã trả hết khoản nợ đó, hãy chuyển xuống khoản nợ tiếp theo trong danh sách.
Một phương pháp của chuyên gia tài chính Dave Ramsey được nhiều người biết đến và sử dụng có tên “Quả cầu tuyết”. Theo phương pháp này, bạn cần trả khoản nợ nhỏ nhất trước, bất kể lãi suất. Sau đó, dùng số tiền thanh toán hàng tháng để chi trả cho khoản nợ tiếp theo cho đến khi hết.
Điểm mạnh của phương pháp này là đánh vào tâm lý. Khi bạn trả xong một món nợ, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và có động lực phát triển hơn để giải quyết tiếp những khoản nợ tiếp theo.