Đây là những hành vi nhiều người vẫn làm, thậm chí làm hàng ngày mà không nhận ra điều đó đang khiến mình “mất điểm” trong giao tiếp.
1. “Cắm mặt” vào điện thoại
Hãy thành thật và trả lời câu hỏi, bạn đã bao giờ đang trò chuyện và lập tức kiểm tra điện thoại khi thấy có thông báo chưa? Trong một nghiên cứu, hơn 30% người tham gia cho biết, người trò chuyện cùng họ quá chú tâm vào điện thoại 2-3 lần một ngày.
Bạn có thể nghĩ rằng bạn chỉ đang nhanh chóng muốn biết ai đã gửi email hoặc nhắn tin cho mình. Nhưng bạn đang gửi thông điệp gì tới người trước mặt?
Về cơ bản, nó có nghĩa là: “Bất cứ thứ gì trên màn hình của tôi đều quan trọng hơn cuộc trò chuyện của chúng ta”. Theo một nghiên cứu của Đại học Baylor, điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các mối quan hệ.
Tất nhiên, sẽ có những tình huống khẩn cấp mà bạn cần xử lý ngay việc phát sinh nhưng đa phần chúng ta đang quá chú tâm vào điện thoại của mình. Lần tới, khi bạn cảm thấy muốn kiểm tra điện thoại lúc đang trò chuyện, hãy dành một chút thời gian và xem xét liệu điều đó có thực sự cần thiết.
2. Đưa ra lời khuyên không được yêu cầu
Đã bao lần bạn thấy mình nói: “Chà, nếu tôi bạn tôi sẽ…” khi đối phương chưa hỏi ý kiến? Chúng ta đều có lúc như vậy. Mặc dù chúng ta nghĩ rằng mình chỉ đang giúp ích cho đối phương nhưng việc đưa ra lời khuyên không được yêu cầu thường có thể bị coi là xâm phạm hoặc thậm chí thô lỗ.
Cách nói này nghe có vẻ khắc nghiệt nhưng trừ khi có ai đó trực tiếp hỏi ý kiến của bạn, tốt nhất bạn nên lắng nghe, thể hiện sự thông cảm thay vì ngay lập tức đưa ra giải pháp. Điều này thể hiện sự tôn trọng khả năng xử lý tình huống của đối phương cũng như khả năng phán đoán của họ. Đôi khi, điều mọi người cần nhất không phải là giải pháp mà là một người kiên nhẫn lắng nghe, xác nhận cảm xúc của mình.
3. Quá ồn ào
Một trong những lời phàn nàn hàng đầu ở nơi làm việc chính là đồng nghiệp quá ồn ào. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại là vấn đề nhiều người trong chúng ta mắc phải mà không nhận ra.
Chúng ta hiếm khi nghĩ là mình ồn ào, nhưng chúng ta rất dễ bị cuốn vào những cuộc trò chuyện sôi nổi hoặc trở nên phấn khích. Trong những khoảnh khắc này, chúng ta có thể không nhận thức được rằng giọng nói mình đang lớn hơn, làm lu mờ những người xung quanh.
Sự thiếu nhận thức này có thể tạo ra một môi trường không thoải mái cho những người không tham gia vào cuộc trò chuyện hoặc những người đang có việc riêng phải làm. Sẽ tốt hơn khi chúng ta lưu tâm đến điều này, không để tiếng ồn của mình làm ảnh hưởng đến người khác.
4. Bỏ qua việc giới thiệu người khác
Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống thấy mình như cá mắc cạn, không quen biết ai xung quanh chưa? Đó là một cảm giác khó chịu phải không?
Khi bạn ở trong môi trường với nhiều người cả quen và lạ, việc giới thiệu mọi người với nhau là phép lịch sự ai cũng cần biết. Việc bạn bỏ qua điều này nó có thể khiến người khác cảm thấy bị phớt lờ hoặc bỏ qua.
Lần tới, khi bạn tham gia một sự kiện xã hội nào đó, hãy đảm bảo mình chủ động giới thiệu với mọi người. Cử chỉ nhỏ này có thể giúp ích rất nhiều cho mọi người có mặt ở đó.
5. Vô tình chi phối cuộc trò chuyện
Hãy tưởng tượng bạn đang tham dự một buổi họp mặt và hào hứng chia sẻ về chuyến đi gần đây hoặc sự thăng tiến trong công việc. Bạn quá mải mê với câu chuyện của mình đến nỗi không nhận ra rằng những người xung quanh hầu như không hiểu được một lời nào.
Tất cả chúng ta đều từng rơi vào hoàn cảnh đó. Nhớ rằng, khi chúng ta không cho người khác cơ hội chia sẻ suy nghĩ và trải nghiệm của họ, chúng ta không chỉ bỏ lỡ những cuộc trò chuyện thú vị mà còn có thể trở nên thô lỗ trong khi bản thân không nhận ra.
6. Đến muộn
Khi bạn đến muộn, bạn đang gửi đi thông điệp rõ ràng rằng: “Thời gian của tôi quý giá hơn của bạn” dù có thể bạn không thực sự nghĩ như vậy. Điều này thực sự gây tổn hại cho các mối quan hệ vì mọi người cảm thấy không thể tin tưởng vào chúng ta. Quan trọng hơn, nó thể hiện sự tôn trọng thời gian và sự cam kết của người khác.
7. Không giao tiếp bằng mắt
Trong thời đại của điện thoại thông minh và những sự xao lãng, việc duy trì giao tiếp bằng mắt dường như đang bị nhiều người lãng quên. Nhớ rằng, giao tiếp bằng mắt là một trong những cách mạnh mẽ nhất để chúng ta truyền đạt sự tôn trọng và chú ý đến người khác.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giao tiếp bằng mắt có thể giúp xây dựng các mối quan hệ bền chặt hơn. Mặt khác, việc bạn tránh ánh mắt của ai đó, đặc biệt là trong khi trò chuyện, có thể bị hiểu là bạn không quan tâm hoặc thậm chí là thô lỗ.
Bạn không cần phải nhìn chằm chằm vào người khác mới là thể hiện bản thân đang tham gia vào cuộc trò chuyện. Lần tới, khi bạn đang trò chuyện, hãy chú ý hơn đến điều này và cải thiện nếu cần. Thay đổi tuy nhỏ này có thể cải thiện đáng kể kỹ năng giao tiếp của bạn.
8. Bắt tay hời hợt
Một cái bắt tay chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp. Có câu nói rằng: “Cái bắt tay của bạn là lời giới thiệu của bạn trước khi bạn nói.”
Một cái bắt tay chắc chắn, tự tin phản ánh sự quyết đoán và chân thành. Trong khi đó, một cái bắt tay yếu ớt có thể thể hiện sự không quan tâm hoặc thiếu tự tin. Đó là một sai lầm không ít người vẫn mắc phải, có thể là do căng thẳng, mất tập trung hoặc đơn giản là không cảm nhận được lực nắm của mình. Nhớ rằng, lực của tay khi thực hiện động tác này là cách tinh tế để thể hiện sự gắn kết và tôn trọng.
Tất cả chúng ta đôi khi có thể vô tình tỏ ra thô lỗ. Với một chút nỗ lực và ý thức tự giác, chúng ta có thể tránh được nhiều sai lầm như vậy.