Có sự khác biệt rõ rệt giữa sự tự tin và kiêu ngạo. Những thói quen ngôn ngữ cơ thể dưới đây sẽ giúp bạn nhận ra người luôn tin rằng bản thân họ vượt trội hơn những người khác.
1. Thống trị không gian
Những người tin rằng họ giỏi hơn người khác thường thích thống trị không gian xung quanh họ, sử dụng ngôn ngữ cơ thể như một cách để khẳng định lãnh thổ của mình.
Họ khẳng định sự thống trị của mình một cách tinh tế thông qua các cử chỉ, tư thế mở, làm sao để chiếm nhiều không gian hơn, khiến người khác cảm nhận được rõ sự hiện diện của họ. Đó như một cách họ dùng để thông báo về tầm quan trọng và sự vượt trội của mình, biểu hiện của niềm tin từ bên trong rằng họ ở trên tất cả những người khác.
Nhưng hãy nhớ, ngôn ngữ cơ thể có nhiều sắc thái khác nhau và bạn cần xem xét đến các yếu tố khác như sự khác biệt về văn hóa trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào.
2. Thiếu sự quan tâm thực sự
Bạn có từng trò chuyện với ai đó và cảm thấy không thoải mái khi họ dường như chỉ hiện diện về mặt thể xác trong khi tinh thần đang ở nơi khác không? Họ liên tục đảo mắt khắp phòng và hầu như không giao tiếp bằng mắt với bạn? Cuộc trò chuyện của hai bạn có vẻ phiến diện, đối phương hết sức kiệm lời?
Đây là một thói quen phổ biến khác của những người cho rằng mình giỏi hơn người khác. Họ thường ít hoặc không quan tâm đến người khác vì tin rằng bản thân ở trên tất cả. Những ngôn ngữ cơ thể trên tiết lộ rằng họ không coi trọng sự tương tác hoặc người mà họ trò chuyện cùng bằng cách họ coi trọng bản thân mình.
3. Ngôn ngữ cơ thể quá phê phán
Những người kiêu ngạo thường nhanh chóng phán xét và có những tín hiệu phi ngôn ngữ phản ánh điều này. Họ có thể đảo mắt, nhếch mép hoặc có những cử chỉ xua đuổi khác trong khi ai đó đang nói. Những hành động này nhằm gạt bỏ giá trị suy nghĩ và ý kiến của người khác, củng cố niềm tin vào sự vượt trội của chính họ. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan trực tiếp giữa sự kiêu ngạo và hành vi coi thường.
4. Khí chất không thể tiếp cận
Những người tin rằng họ vượt trội hơn người khác thường toát ra khí chất khó có thể tiếp cận được. Ngôn ngữ cơ thể của họ hướng tới việc tạo khoảng cách với "người thường".
Họ có thể khoanh tay, giữ tư thế cứng nhắc hoặc đơn giản giữ mình theo cách khiến người khác không dám đến gần. Điều họ muốn là tạo ra rào cản để ngăn người khác tiếp cận.
Ngôn ngữ cơ thể này không chỉ tách họ ra khỏi những người khác mà còn truyền đạt một cách tinh tế sự vượt trội của họ. Dù không nói ra, họ đang thể hiện rằng họ ở một đẳng cấp khác so với những người xung quanh.
5. Thiếu sự đồng cảm trong tương tác
Một trong những thói quen ngôn ngữ cơ thể đáng thất vọng nhất của người cho rằng mình giỏi hơn người khác là sự thiếu đồng cảm. Họ hiếm khi phản ánh cảm xúc của người tương tác cùng, không chia sẻ niềm vui khi ai đó phấn khích hoặc cảm thông khi ai đó buồn.
Việc thiếu phản chiếu cảm xúc này có thể đặc biệt gây tổn thương, khiến những người xung quanh cảm thấy không được nhìn thấy và không được lắng nghe. Sự mất kết nối cảm xúc này xuất phát từ cảm giác tự tôn giá trị bản thân.
6. Nhu cầu thường xuyên trở thành trung tâm của sự chú ý
Có những người luôn khao khát cảm giác được chú ý. Dường như mong muốn chứng tỏ sự vượt trội của họ lớn hơn rất nhiều so với việc hình thành những mối quan hệ thực sự với người khác.
Họ có những cử chỉ khoa trương, nói to hơn mức cần thiết và luôn đặt mình vào trung tâm của bất kỳ cuộc tụ họp nào. Họ không ngại ngắt lời người khác để chia sẻ kinh nghiệm của bản thân hoặc hướng cuộc trò chuyện về thành tích của mình.
7. Thường xuyên cắt ngang
Một thói quen ngôn ngữ cơ thể khác của những người cho rằng bản thân vượt trội hơn là thường xuyên cắt ngang người khác. Họ không chỉ ngắt lời ai đó bằng lời nói mà còn làm điều đó bằng ngôn ngữ cơ thể.
Họ có thể nghiêng người về phía trước, giơ tay ra hoặc thực hiện động tác cắt ngang khi người đối diện đang nói. Những hành động này là tín hiệu rõ ràng cho thấy họ tin rằng lời nói của mình quan trọng hơn lời nói của người khác. Niềm tin vào sự vượt trội của họ mạnh mẽ đến mức họ không thể chịu đựng được việc để bất kỳ ai khác chiếm được sự chú ý dù là trong giây lát.
8. Không có dấu hiệu lắng nghe tích cực
Điều quan trọng nhất cần nhớ về những người cho rằng bản thân giỏi hơn người khác là ngôn ngữ cơ thể của họ thường thiếu dấu hiệu của sự lắng nghe tích cực. Lắng nghe tích cực bao gồm việc thể hiện sự quan tâm, giao tiếp bằng mắt, gật đầu đồng ý và đưa ra tín hiệu bằng lời nói để thể hiện sự thấu hiểu.
Tuy nhiên, những người cho rằng bản thân vượt trội không làm như vậy bởi họ tin rằng mình đã biết rõ hơn hoặc có những điều quan trọng hơn để nói. Đó là lý do họ thờ ơ với quan điểm của người khác.
Tiến sĩ Paul Ekman, người tiên phong trong việc nghiên cứu cảm xúc và mối quan hệ của chúng với nét mặt, cho thấy càng hiểu nhiều về ngôn ngữ cơ thể thì chúng ta càng có thể điều hướng thế giới của mình tốt hơn. Vì vậy, những kiến thức trên đây không phải dùng để phán xét hay chỉ trích ai mà chúng ta hãy dùng chúng để thúc đẩy các kết nối tốt hơn, khuyến khích các cuộc trò chuyện cởi mở và thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau .