Để được thăng chức không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và nó đòi hỏi thời gian, sự học tập không ngừng và cống hiến cho công ty. Bằng cách xây dựng cho mình 8 thói quen này, bạn sẽ thuận lợi hơn trên con đường thăng tiến, ngày càng có sự nghiệp thành công.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Bạn cần nhiều hơn là chỉ làm tốt công việc của mình để được thăng tiến. Muốn leo lên nấc thang tiếp theo trong sự nghiệp, bạn phải chứng minh được với những người ra quyết định và lãnh đạo rằng bạn đủ sẵn sàng và xứng đáng để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn. Điều này đòi hỏi bạn phải luôn nỗ lực hết mình, tận tâm với công việc và hơn thế nữa.
Thực hiện những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày sẽ giúp bạn đến gần hơn với nấc thang tiếp theo trong sự nghiệp của mình. Dưới đây là 8 thói quen của những người nhân viên rộng đường thăng tiến:
1. Có mục tiêu nghề nghiệp - Định hướng mục tiêu
Trước khi bắt đầu một năm mới, hãy ngồi lại với sếp của bạn để đưa ra và thảo luận về các mục tiêu nghề nghiệp chuyên môn của bạn. Thay vì ngại ngùng, hãy cởi mở về vị trí bạn muốn đạt được trong 6 tháng hoặc một năm sau. Một người sếp tốt sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu này bằng cách cho bạn cơ hội phát triển và hỗ trợ để bạn đi đúng hướng. Đó có thể là những lời khuyên hữu ích, cơ hội đảm nhận dự án quan trọng hoặc sự giới thiệu, kết nối tới bộ phận khác. Điều cần nhớ là bạn không nên nói về dự định “nhảy” việc hoặc muốn tiếp quản vị trí của sếp. Hãy suy nghĩ rộng hơn và bao quát hơn; sẵn sàng thảo luận về những điều bạn nghĩ sếp có thể giúp mình.
2. Biết hoạt động nhóm - Cùng nhau làm việc
Các nhà tuyển dụng không thích những nhân viên chỉ tập trung vào “tôi” hơn là “chúng tôi”. Họ muốn những thành viên trong nhóm cùng cam kết để xây dựng nên những điều tốt đẹp hơn, đưa công ty ngày càng phát triển hơn nữa. Những người tình nguyện thực hiện nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm hơn thay vì chỉ làm khi có phần thưởng trước mắt sẽ được nghĩ đến đầu tiên khi thăng chức.
3. Biến bản thân thành nhân tố không thể thiếu - Trở thành người không thể thay thế
Làm thế nào để bạn có thể biến mình trở thành thành viên không thể thiếu trong nhóm? Hãy là người luôn có sự chuẩn bị cho mọi việc. Những người như vậy không chỉ được đồng nghiệp săn đón mà còn được cấp trên để mắt tới, là mẫu người họ kiếm tìm.
4. Không ngừng học tập - Chủ động
Hãy cho cấp trên thấy bạn là người cam kết liên tục cải thiện và phát triển các kỹ năng của mình thông qua việc tìm kiếm các cơ hội học hỏi cả ở nơi làm việc và bên ngoài. Đó có thể là các khóa học trực tuyến hoặc trực tiếp để nâng cao nghiệp vụ hoặc bổ sung thêm cho mình một ngoại ngữ để phục vụ tham vọng mở rộng thị trường. Điều này cho thấy rằng bạn nghiêm túc với sự nghiệp của mình và không thụ động chờ đợi người khác đưa bạn đến nơi bạn muốn.
5. Ghi lại quá trình - Ủng hộ sự thành công của chính mình
Khi bạn đưa ra đề nghị thăng chức, lãnh đạo sẽ muốn biết nhiều hơn về giá trị mà bạn mang lại cho doanh nghiệp. Thay vì lúc đó cố gắng nhớ lại tất cả những gì bạn đã hoàn thành, hãy chuẩn bị trước và viết ra những điều bạn đã làm trong suốt cả năm. Mỗi khi bạn hoàn thành một dự án quan trọng hoặc đạt kỷ lục bán hàng… hãy ghi lại và tập trung vào những chi tiết quan trọng nhất. Điều này thể hiện những bước cải thiện, thành công bạn đã đạt được cũng như sự cam kết cống hiến của bạn với tổ chức.
6. Có trách nhiệm - Thể hiện tiềm năng lãnh đạo
Bạn có thể hiện được sự đam mê, đáng tin cậy, quyết đoán và tự tin không? Những kỹ năng lãnh đạo này là điều cần thiết để một người có thể được thăng chức. Bước đầu tiên để bạn trở thành một nhà lãnh đạo là hãy hành động như người lãnh đạo.
Đừng tham gia vào những chuyện chia bè kéo phái nơi văn phòng hoặc phát triển các thói quen xấu như đi muộn hoặc chậm thời hạn. Mỗi người lãnh đạo đều cần là tấm gương cho nhân viên mà họ quản lý và làm việc cùng. Nếu không có những kỹ năng này, sẽ rất khó để bạn được thăng chức quản lý.
7. Kết nối với đúng người - Giữ kết nối
Hãy tận dụng mọi cơ hội kết nối mà bạn có, ngay cả khi đó là một cuộc gặp gỡ buổi trưa với đồng nghiệp. Kết nối với những người khác trong cơ quan của bạn và bạn có thể gặp được người sẽ hỗ trợ mình trong thời gian sắp tới. Đây cũng là cơ hội để quảng bá bản thân và trau dồi kỹ năng của bạn thông qua việc tham gia hoạt động trong các hội nhóm của cơ quan.
8. Trở thành một nhân viên gắn bó - Hưởng ứng
Đó không chỉ là tập trung chú ý trong các cuộc họp mà là trở thành một thành viên tích cực trong cơ quan của bạn. Đừng bỏ qua những bữa trưa cùng đồng nghiệp, nơi bạn có thể chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm quý báu.