Càng lớn tôi càng chứng kiến những cảnh bạo lực ấy diễn ra thường xuyên hơn, dã man hơn. Những bữa cơm chan nước mắt, có những bữa cơm canh dọn sẵn, các con ngồi chờ ăn mà bố nỡ hất cả mâm cơm.
Ở thời đại hiện nay, khi hôn nhân không được như ý muốn, nhiều người phụ nữ sẵn sàng chọn con đường ly hôn như một sự giải thoát cho chính mình. Thế nhưng, với những thế hệ ông bà, cha mẹ của chúng ta trước đây, khi mà xã hội còn có cái nhìn rất khắt khe với phụ nữ một lần đò, ly hôn dường như là điều gì đó rất xa xỉ.
Họ, những người phụ nữ hết lòng vì chồng, vì con dù có bị bạo hành, chứng kiến chồng có người đàn bà khác nhưng vẫn cố nín nhịn. Tất cả những gì họ làm chỉ những mong giữ cho con được một gia đình có đủ cha và mẹ.
Thế nhưng những đứa trẻ lớn lên trong ký ức chứa đầy cảnh bố bạo hành đó, chúng cần nhiều hơn một căn nhà có đủ cha và mẹ. Biết bao nhiêu đứa con đã lớn lên chỉ với một mong ước tưởng chừng như khó hiểu: mong mẹ được ly hôn.
Càng trưởng thành, con mới càng nhận ra còn nợ mẹ nhiều nhường nào.
Người con gái trong câu chuyện sau đây cũng trong hoàn cảnh tương tự. Cô lớn lên trong những ký ức phải chứng kiến mẹ bị bố bạo hành. Thậm chí, có lần cô đã phải chứng kiến cảnh cảnh mẹ bị bố đánh đến mức ngất đi trong tình trạng đầu chảy đầy máu chỉ vì không đưa tiền cho bố đi chơi bạc.
Tất cả đã thay đổi khi mẹ cô quyết định bỏ lại tất cả, ôm ba con về ngoại rau cháo nuôi nhau. Từ rửa bát thuê cho tới bán chè để trang trải cuộc sống, mẹ chưa khi nào than một lời oán thán. Mẹ luôn tâm niệm phải cố gắng lo cho các con được học hành đến nơi đến chốn.
Sau 9 năm đằng đẵng kể từ ngày bốn mẹ con cô dứt áo ra đi, cuộc sống tuy khốn khó nhưng ai nấy đều hạnh phúc vì không còn phải chứng kiến cảnh mẹ bị bạo hành. Cuộc sống của bốn mẹ con cô giờ cũng đã khá hơn, không còn lo ăn từng bữa như trước nữa.
Tâm sự của người con từng lớn lên trong tiếng cha đánh đập mẹ khiến nhiều người rơi nước mắt
“Cảm ơn mẹ đã ly hôn bố.
Tôi năm nay 23 tuổi, là chị cả trong gia đình 3 chị em, dưới tôi có hai em trai, một đứa 19 tuổi, một đứa 13 tuổi.
Mẹ tôi ngày xưa con gái trẻ đẹp có tiếng trong làng. Biết bao nhiêu anh chàng để ý tới hỏi, vậy mà mẹ lại chỉ đồng ý lấy bố. Mẹ kể hồi đó bố hiền lành, chăm chỉ đẹp trai chẳng biết rượu chè gì cả. Khi mẹ có bầu bố cũng chăm mẹ lắm, chỉ vì ông bà, vợ chồng bác cả mà bố thành ra như vậy.
Lúc mẹ sinh mày bố còn cõng mẹ đi vệ sinh. Ông bà thấy vậy chửi bố là loại đội cả vợ lên đầu. Sau này bố mẹ đi làm dành dụm vay mượn gia đình bên ngoại được chút vốn làm ăn, vợ chồng bác cả thấy ghen ghét nên bòn rút từng tí một của mẹ, mẹ phải đi gánh cả đất về cho nhà vợ chồng ông bà ý làm nhà.
Sau này bố mẹ làm ăn được, ông bà í sợ em hơn mình nên xui bố chơi bời, rượu chè rồi đặt điều để bố về đánh mẹ. Từ đó bố bê tha đắm chìm vào rượu chè, cờ bạc còn hay đánh mẹ nữa.
Từ khi lên 8 tuổi tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ bị bố đánh đến mức ngất đi trong tình trạng đầu chảy đầy máu chỉ vì mẹ không đưa tiền cho bố đi chơi bạc. Bố thì cặp bồ ở ngoài mấy ngày liền, khi nào hết tiền mới về.
Ảnh minh họa
Càng lớn tôi càng chứng kiến những cảnh bạo lực ấy diễn ra thường xuyên hơn, dã man hơn. Những bữa cơm chan nước mắt, có những bữa cơm canh dọn sẵn, các con ngồi chờ ăn mà bố nỡ hất cả mâm cơm.
Có những lần tưởng như bố sắp giết mẹ đến nơi, khi ấy tôi và em tôi còn nhỏ chỉ biết quỳ xuống gào khóc xin bố đừng đánh mẹ nữa. Đứa em thứ hai của tôi thấy bố đạp vào người mẹ thì lao vào ôm mẹ và kết quả là bố lỡ chân đạp lên người em.
Mẹ cứ như vậy hy sinh nhẫn nhục bao nhiêu năm cho tới khi tôi chuẩn bị ôn thi vào lớp 10, em thứ 2 đang học lớp 7, em thứ 3 được 4 tuổi. Mẹ không còn sức chịu đựng quyết định đưa chúng tôi về quê ngoại.
Mẹ bỏ lại tất cả tiền tài, không có thứ gì để mang đi ngoài 3 đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi học cùng vài bộ quần áo cũ kỹ. Tôi không bao giờ quên ngày hôm ấy.
Ngày ấy mẹ đi làm biết bao nhiêu công việc khổ cực để có tiền mua gạo nuôi chị em tôi. Mẹ đi rửa bát thuê cho người ta, mỗi tháng được 300 ngàn mà còn bị người ta quỵt. Bán chè ngô chỉ 5 nghìn/cốc.