Tôi sợ một ngày nào đó, khi bước chân lên chuyến hành trình khác của đời mình, tôi không còn thấy mẹ tôi đứng đó nhìn theo chiếc xe tôi đi cho tới khuất trong màn sương mờ đặc này nữa. Môi tôi khẽ run lên, tôi thầm gọi: Mẹ ơi! Tết con sẽ về với mẹ!
Dưới cây khế ngọt cạnh bể nước, mẹ tôi đang múc những gầu nước trong vắt từ chiếc giếng khơi mà tôi cũng không nhớ là có từ khi nào. Chỉ nhớ khi nhỏ, có lần tôi hư mẹ mang tôi ra giếng vừa khóc, vừa dọa: Nếu con hư, mẹ sẽ thả con xuống đây! Nhưng tôi biết, mẹ sẽ chẳng đời nào làm thế. Nhưng suốt tuổi thơ tôi, tôi vẫn sợ cái cảm giác bấp bênh nơi miệng giếng khơi sâu hoắm đó. Những kí ức vẫn luôn hằn in trong tôi như thế.
Tôi chạy lại đỡ gầu nước cho mẹ. Mẹ ngước nhìn, ánh mắt ngập ý cười:
Thảo về đó hả con? Sao không báo trước cho mẹ? Thế thằng Duy và con bé con có về cùng không?
Không mẹ ạ, có mình con thôi! Tự dưng nhớ mẹ, nên con trốn về đó chứ! Còn nhà con và con bé thì tết chúng con về một thể.
Mẹ cười:
Chứ không phải là lại giận chồng đấy chứ!
Tôi ôm mẹ:
Làm gì có đâu mẹ. Con gái mẹ đâu dễ giận dễ hờn như thế!
Mẹ nhìn tôi, đôi mắt thoáng nét buồn:
Ừ, con gái mẹ bướng nhất làng!
Không mẹ ạ, có mình con thôi! Tự dưng nhớ mẹ, nên con trốn về đó chứ! Còn nhà con và con bé thì tết chúng con về một thể. (ảnh minh họa)
Đấy là câu mà mọi người vẫn bảo tôi. Đúng là tôi bướng nhất làng, tôi bướng để có thể bảo vệ được mẹ. Vì nhà người ta, nhà nào cũng có đàn ông, nhà tôi chỉ có đàn bà. Khi bà ngoại mất, tôi đã nghĩ, mình sẽ mạnh mẽ làm như một người đàn ông để có thể bảo vệ mẹ tôi.
Suốt tuổi thơ tôi, là những chuỗi ngày chạy mê mải với những nỗi u buồn không nói với ai. Tôi cũng biết mẹ buồn và tủi nhiều. Tôi cũng vậy. Nhưng không thể nói ra cho mẹ biết. Hai người phụ nữ một bé, một lớn lặng lẽ sống và giấu kín những nỗi u buồn của riêng mình mà cả hai cùng biết nhưng không thể nào nói được cùng nhau.
Tôi vẫn còn nhớ như in trong tâm khảm của mình, tiếng kẽo kẹt của chiếc võng đay trên hai chiếc cột nhà mẹ đưa cho tôi ngủ. Và tiếng hát ru của mẹ, cứ chập chờn trong giấc ngủ mơ mòng. Nó quấn quyện vào trong mơ tôi cả những nỗi tủi hờn của mẹ, cả cái nức nở âm thầm trong câu hát ru buồn thăm thẳm nỗi cô đơn hờn tủi ấy của một người đàn bà.
“Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ
Năm (ơ) canh chày, năm (ơ) canh chày, thức đủ vừa năm
Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi
Em nhớ tới chàng, em nhớ tới chàng
Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con
Con hời là con hỡi, con hỡi con hời
Con hỡi con hời, hỡi con! …”
Người đàn ông đã mang tôi đến cho mẹ nhưng lại không cho tôi một người cha. (ảnh minh họa)
Những câu hát mẹ ru tôi mà mãi mãi, tới khi tôi có con rồi, tôi vẫn không đủ dũng cảm để hát ru con mình. Nỗi buồn ấy, cứ như một vết cứa đau đớn, lặng lẽ mà tôi không dám chạm vào. Giống như người đàn ông ấy, chính là vết cứa trong trái tim của mẹ. Người đàn ông đã mang tôi đến cho mẹ nhưng lại không cho tôi một người cha.
***
Mẹ mang ra cho tôi một rổ khoai lang luộc, tôi ngồi trên chiếc chõng tre đã cũ, nhìn dáng mẹ tất tả chạy đi chạy lại lấy thứ nọ thứ kia cho tôi, như thể tôi là đứa trẻ lên ba. Nhưng hôm nay tôi lại muốn nhìn thấy mẹ tôi như thế nên cứ lặng im mà ngắm nhìn thôi. Mãi sau khi mẹ đã yên vị ngồi bên tôi, tôi mới nói:
Mẹ, hay mẹ lên ở với chúng con đi. Nhiều khi con nhớ mẹ, cũng không an tâm khi mẹ ở một mình. Nhất là sắp tết rồi. Con không muốn mẹ buồn trong những ngày ấy!
Mẹ vừa bóc khoai cho tôi, vừa khẽ cười:
Mẹ không đi đâu, ở đây còn có bà con chòm xóm, còn có người nọ người kia ra ra vào vào. Lên đó, chỉ toàn xe cộ với bốn bức tường, mẹ làm sao sống được cho quen. Người già chỉ cần yên tĩnh, có bầu có bạn là được. Cuộc sống đô thành không hợp với mẹ đâu. Con đừng thuyết phục mẹ nữa. Tết tranh thủ về với mẹ đôi hôm là được.
Tôi nhận củ khoai từ đôi bàn tay gầy guộc đầy những nếp nhăn của thời gian và hằn in những vất vả của cuộc đời, cố ngăn không cho cơn thổn thức trào dâng trong mắt. Tôi ăn khoai, và gắng nuốt cả nỗi nghẹn ngào. Mãi sau mới khẽ nói với mẹ:
Mẹ, hay là mẹ qua ở với bác Dự đi! Cho có bầu có bạn, mà bác ấy chả thích mẹ đó thôi. Lần nào con về, bác ấy cũng nhắn nhủ con hỏi ý kiến mẹ đấy! Vợ bác ấy cũng mất lâu rồi. Người già ở với nhau cho có người tâm sự. Chúng con cũng mừng.
Cái con này, lại còn lo cả chuyện ấy cho mẹ nữa sao? Già rồi, buồn thì qua chơi với nhau, uống chén nước trà rồi về là được. Bấu víu làm gì con cháu, hàng xóm láng giềng người ta cười cho!
Ai cười chứ mẹ, họ chả muốn không được. Mẹ ngại chuyện gì? Hay là mẹ, mẹ vẫn không quên được người mà…
Tôi còn chưa kịp nói hết câu thì mẹ ngăn lại, đôi mặt mẹ như bị thời gian và nỗi buồn làm cho trũng xuống, thăm thẳm, tới mức, tôi không biết, trong đó chứa bao nhiêu nỗi muộn phiền không thể nào đếm đong mà mờ mịt như khói sương giăng. Giọng mẹ không che được chút hiu quạnh của lòng:
Thảo, đừng nói những chuyện không liên quan thế con. Mẹ già rồi, thời gian trôi nhanh lắm. Quay đi, quay lại là đầu hai thứ tóc, người ta nhớ hay quên cũng khó tránh con ạ. Mà trí nhớ cũng hao mòn vì thời gian thôi con! Bây giờ mẹ để con dao ở đâu quay đi là quên. Vắt chiếc áo chỗ nào, bước lại là không nhớ nữa rồi… Những chuyện nhớ nhớ quên quên ấy, khi nào bằng tuổi mẹ con sẽ hiểu. Nên đừng nhắc những chuyện đã không thể nào nhớ nữa rồi…
Câu nói của mẹ khiến tôi câm lặng. Tôi biết, nỗi buồn của mẹ tôi là một nỗi buồn mà hết đời này tôi cũng không dám khơi lên. Mẹ đã cố dìm nó xuống tới tận đáy lòng rồi. Tôi có yêu, có thương mẹ, thì hãy để mẹ sống với chút niềm tin là mẹ đã quên hết mọi thứ theo thời gian ấy.
***
Tôi cũng mong mẹ có bầu có bạn khi về già, nhất là khi mẹ đã hi sinh cả quãng đời tươi trẻ của mình vì tôi. Nhưng ý mẹ đã quyết, làm sao tôi có thể ép mẹ chuyện đó. Bao nhiêu năm, có lẽ mẹ sống một mình quen rồi. Nhưng từ khi có chồng, tôi lại càng thương mẹ nhiều hơn. Ngay cả lúc cãi nhau, hờn dỗi với chồng, nghĩ tới mẹ, lòng người đàn bà lại càng xót xa thêm. Có lẽ cả đời mẹ chưa có khi nào được hờn giận với một người đàn ông, chưa khi nào được một cái nắm tay ấm áp khi mệt mỏi, chưa khi nào được dựa vào một bờ vai vững trãi những khi yếu đuối…. Cùng là đàn bà, nhưng với mẹ, cái chuyện được giận, được hờn dỗi, được dựa dẫm vào một người đàn ông, cái chuyện tưởng hết sức bình thường ấy, nhưng mẹ mãi mãi không bao giờ có được.
Buổi chiều kẹt xe, mùi xăng xe, mùi người, mùi bụi, mùi khói, mùi nắng hanh hao của những ngày cuối đông… Tất cả quyện vào nhau tạo ra mùi phố thị, tạo ra mùi bon chen, ra mùi cuộc sống… (ảnh minh họa)
Đêm ấy, tôi lại nằm ôm mẹ ngủ như ngày thơ bé. Tiếng con mọt đục gỗ trên mái nhà khiến cho đêm như càng trũng sâu hơn. Tôi bảo mẹ:
Tết này, con sẽ về ăn cả tết với mẹ nhé!
Mẹ khẽ thở dài:
Còn bên nội nữa chứ. Cứ về ông bà nội trước đi, rồi hẵng về với mẹ. Bao nhiêu năm như thế, mẹ cũng quen rồi.
Mẹ khi nào cũng thế, niềm vui cho mình khi nào mẹ cũng nhận cuối cùng. Tôi ôm mẹ chặt hơn, dụi mặt vào mái tóc bạc hơi rối đượm mùi bồ kết ấy:
Không, tết này, nhất định con sẽ không để mẹ đón giao thừa một mình nữa đâu.
Tôi áp mặt vào đôi vai gầy của mẹ để giấu đi giọt nước mắt lặng rơi trên má trong đêm.
Tôi trở lại thành phố với lỉnh kỉnh những đồ đạc mà mẹ gói bắt mang theo. Từ khi trời còn mờ sương và lạnh, hai mẹ con lại lặng lẽ đi bên nhau ra đường lớn chờ xe. Từ bến xe này, tôi đã đi bao nhiêu cuộc hành trình của đời mình, và khi nào, tôi cũng có mẹ tiễn bước chân. Nhưng lần này, khi chân bước lên xe, ngoái nhìn dáng mẹ gầy đứng cô đơn trong màn sương sớm mờ đục khuất dần, không hiểu sao nước mắt tôi cứ ứa ra không ngăn được. Tôi vẫn sẽ đi về phía trước của cuộc đời mình, có lẽ nào, mẹ sẽ dần ở lại phía sau tôi và xa dần tôi như thế. Tôi sợ, bất giác thấy lòng mình run rẩy. Tôi sợ một ngày nào đó, khi bước chân lên chuyến hành trình khác của đời mình, tôi không còn thấy mẹ tôi đứng đó nhìn theo chiếc xe tôi đi cho tới khuất trong màn sương mờ đặc này nữa. Môi tôi khẽ run lên, tôi thầm gọi: Mẹ ơi! Tết con sẽ về với mẹ!
***
Buổi chiều kẹt xe, mùi xăng xe, mùi người, mùi bụi, mùi khói, mùi nắng hanh hao của những ngày cuối đông… Tất cả quyện vào nhau tạo ra mùi phố thị, tạo ra mùi bon chen, ra mùi cuộc sống… Tôi lại thấy thèm quay quắt cái hương vị mát trong của gầu nước giếng khơi vã lên mặt giữa trưa hè nóng bức, nhớ chiếc chõng tre cót két mỗi khi có người ngồi, nhớ những chùm hoa khế tím mơ màng trên nền lá xanh mềm mại, nhớ tiếng hát u buồn mỏng manh vọng lại từ tuổi thơ day dứt của tôi, nhớ nỗi buồn đong đầy trong mắt mẹ… Đúng rồi, một người đàn bà như mẹ, làm sao sống được cuộc sống ồn ã, bon chen nơi đây.
Đang mải mê với những suy tư của riêng mình thì có chuông điện thoại, là số điện thoại của mẹ, chắc mẹ lại nhớ cháu nên gọi điện nói chuyện với Cún con. Tôi mở máy nghe, nhưng là giọng của bác Dự:
Thảo à, con về đi, thu xếp về ngay nhé! Mẹ con ốm rồi!
Như có linh cảm không lành, chiếc điện thoại trên tay tôi rơi xuống đất vỡ thành nhiều mảnh. Giữa dòng người tắc nghẽn của phố thị, tôi chen làm sao được về ngay với mẹ tôi? Tôi muốn hét lên: Các người hãy tránh ra, hãy tránh ra cho tôi về với mẹ, mẹ tôi đang ốm rồi đó! Xin mọi người đó! Nhưng không ai nhúc nhích, cả trăm, cả nghìn người cứ đứng trơ ra đó, mặc tôi giữa cơn nức nở của lòng mình, giữa đôi chân bất lực để chạy ngay về bên mẹ. Chỉ có mùi phố thị sộc vào mắt vào mũi tôi cay nồng…
Tôi trở về nhà trong cơn mưa lạnh của một buổi chiều cuối đông. Căn nhà nhỏ mờ nhạt trọng làn sương lạnh. Lời hẹn ngày nào trước khi lên thành phố, mẹ không đợi được tôi sao? Cái tết sắp tới đây, tôi muốn được sống lại như những ngày bé thơ, được ngồi bên mẹ trông nồi bánh trưng suốt đêm lạnh, được háo hức ăn chiếc bánh nhỏ đầu tiên, được nghe mùi tết thơm nồng tỏa ra từ nồi bánh, nhìn mùa xuân ấm áp trên khuôn mặt mẹ hiền từ, và khi thức dậy, được rửa mặt bằng nồi nước mùi thơm nức mũi, được ăn xôi gấc bùi bùi gậy gậy… Vậy mà bỗng chốc cái tết ấy thành xa xôi quá… Mẹ tôi đi rồi và mang theo nỗi u hoài của riêng mẹ. Nỗi buồn riêng của một người đàn bà đã đi theo cái lạnh của mùa đông năm ấy. Để những mùa xuân tiếp theo, tôi chỉ biết đứng nhìn hoa đào nở rồi lòng khẽ gọi: Mẹ ơi! Trong nỗi nhớ khắc khoải rối bời…