Dễ dàng tiết kiệm 10 triệu với 14 cách ngừng mua đồ không cần thiết này

Bảo Anh. - Ngày 28/10/2021 11:13 AM (GMT+7)

Chỉ với 27,39 nghìn đồng cắt giảm được mỗi ngày, bạn sẽ dễ dàng tiết kiệm được 10 triệu đồng trong 1 năm mà không hề ảnh hưởng đến chất lượng sống. Dưới đây là các mẹo để bạn ngừng mua sắm linh tinh, đạt được các mục tiêu tài chính.

Bạn có biết rằng bạn có thể tiết kiệm 10 triệu đồng trong một năm chỉ với 27,39 nghìn đồng mỗi ngày? Con số này sẽ khiến bạn thấy việc tiết kiệm trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và cũng khiến bạn nhận ra tầm quan trọng của việc dừng mua những thứ linh tinh, không cần thiết.

Nhớ rằng, các giao dịch mua nhỏ hàng ngày có thể tạo ra một số tiền lớn theo thời gian và sẽ thật là sai lầm khi bạn bỏ qua, xem nhẹ những khoản chi này. Chỉ với 27,39 nghìn đồng cắt giảm được mỗi ngày, bạn sẽ dễ dàng tiết kiệm được 10 triệu đồng trong 1 năm mà không hề ảnh hưởng đến chất lượng sống. Dưới đây là các mẹo để bạn ngừng mua sắm linh tinh, đạt được các mục tiêu tài chính.

1. Tìm ra lý do bạn thường mua đồ linh tinh

Dễ dàng tiết kiệm 10 triệu với 14 cách ngừng mua đồ không cần thiết này - 1

Bước đầu tiên để bạn không còn tốn tiền mua những món đồ linh tinh, không cần thiết chính là tìm hiểu lý do vì sao bạn lại mua những món đồ đó.

Bạn thường ngủ muộn và lướt mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử trước khi vào giấc? Mỗi khi cảm thấy tệ, bạn thường tìm thứ gì đó để mua, tiêu tiền để cải thiện tâm trạng? Biết lý do của việc mua sắm linh tinh sẽ giúp bạn dễ sửa hơn và hướng bản thân tới thói quen chi tiêu thông minh hơn.

2. Chọn một mục tiêu tài chính để tạo động lực

Bạn cần phải làm gì đó với số tiền mà bạn sẽ bắt đầu tiết kiệm và tất nhiên nó sẽ không liên quan đến việc mua thêm những món đồ lặt vặt không cần thiết.

Thay vào đó, hãy nghĩ đến việc lên kế hoạch cho một chuyến đi ý nghĩa cùng gia đình, sửa sang lại một phần ngôi nhà của bạn hoặc góp phần cho khoản mua sắm lớn như chiếc ô tô mới. Khi có mục tiêu để hướng đến, bạn sẽ dễ nói không hơn với những cơn mua sắm bốc đồng.

3. Thách thức bản thân kiểm kê những gì mình đang có

Bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng son mình sở hữu hay những đôi giày bạn không đi, những thứ trông hay ho, xinh xẻo nhưng không để làm gì… Bằng cách kiểm kê những gì bạn có, bạn sẽ biết chính xác những gì bạn đang sở hữu và không cần phải mua nữa. Đây cũng là điều cần thiết để bạn thực hiện bước sau đây.

4. Ghi ra những gì bạn không cần

Sau khi đã kiểm kê các vật dụng trong nhà, hãy bắt đầu loại bỏ tất cả những thứ bạn mua nhiều năm nhưng không sử dụng hoặc không còn sử dụng. Đó là những bộ quần áo, đồ trang điểm, chăm sóc sắc đẹp, đồ dùng nhà bếp… không dùng đến.

Bạn có thể rủ người thân, đồng nghiệp chơi trò Tối giản trong 30 ngày. Theo đó, ngày đầu tiên bạn sẽ cho đi hoặc trao đổi với người khác 1 món đồ; ngày thứ 2 là 2 món đồ… Bạn sẽ thấy mình không thực sự cần nhiều đồ đạc đến vậy và cũng rất có thể nhận về những thứ hữu ích hơn trong những cuộc trao đổi với bạn bè.

5. Tìm những hoạt động thú vị ngoài việc mua sắm

Khi ngừng việc mua sắm không cần thiết, bạn sẽ thấy mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Hãy tìm một sở thích mới hoặc hoạt động mới nào đó và lấp đầy khoảng thời gian đó một cách hiệu quả, không để sự nhàm chán dẫn bạn trở lại các cửa hàng. Đó có thể là học một điệu nhảy mới hay xem các bộ phim bạn đã đánh dấu từ lâu…

6. Cho bản thân 24 giờ chờ đợi

Dễ dàng tiết kiệm 10 triệu với 14 cách ngừng mua đồ không cần thiết này - 2

Bạn nhìn thấy một món hàng và nghĩ mình nhất định phải sở hữu nó, hãy cân nhắc đợi 24 giờ trước khi mua. 24 giờ này cho phép bạn suy nghĩ kỹ hơn về việc mua hàng này thay vì sa chân vào việc mua sắm bốc đồng. Ghi lại những gì bạn muốn và chờ xem sau khoảng thời gian kia, liệu bạn có còn thực sự cần hay muốn nó nữa không. Với các mặt hàng có giá trị lớn, bạn có thể tăng thời gian chờ lên 1 tuần, thậm chí là 1 tháng.

7. Lên danh sách những món đồ bạn muốn và kế hoạch cho chúng

Nếu bạn đã cho mình 24 giờ nghỉ ngơi và vẫn muốn mua món hàng đó, hãy đưa nó vào danh sách những thứ mong muốn và lên kế hoạch mua hàng thông minh.

Mỗi lần nhận lương hay có thu nhập tăng thêm, hãy bỏ ra một khoản tiền nhỏ và xem liệu bạn có thể tìm được cơ hội mua hàng giảm giá nào không. Với một chút thời gian nghiên cứu, bạn có thể tìm được sản phẩm đó với giá “mềm” hơn hay chương trình bảo hành tốt hơn.

8. Cân nhắc chủ nghĩa tối giản

Chủ nghĩa tối giản có những ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau song bạn có thể hiểu rằng đó là làm nhiều hơn với ít đồ hơn. Khi quen với việc sở hữu ít đồ hơn, bạn sẽ thấy cuộc sống thoải mái hơn, tiết kiệm được nhiều tiền bạc hơn cũng như thời gian dọn dẹp nhà cửa.

9. Tránh xa các cửa hàng

Bạn không thể mua đồ khi bạn không bị cám dỗ tiêu tiền trong một cửa hàng. Với những mặt hàng như hàng tạp hoá và nhu yếu phẩm, hãy cân nhắc đến việc mua sắm trực tuyến. Với một danh sách đã lên trước cho những gì cần mua, bạn sẽ tránh được việc mua sắm bốc đồng, bội chi vì những sản phẩm trông hay ho nhưng không thực sự cần thiết.

10. Sử dụng tiền mặt

Dễ dàng tiết kiệm 10 triệu với 14 cách ngừng mua đồ không cần thiết này - 3

Sử dụng phong bì tiền mặt là một phương thức tiết kiệm tiền hiệu quả. Bằng cách chia tiền mặt vào các phong bì tương ứng với các khoản chi tiêu cụ thể, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý chi tiêu của mình.

Cảm giác mất mát khi trả bằng tiền mặt rõ ràng hơn rất nhiều so với khi bạn thanh toán bằng thẻ. Bạn cũng sẽ có cảm nhận rõ hơn về việc mình còn bao nhiêu tiền cho quỹ nào.

11. Trao đổi với bạn bè

Trước khi định mua một món đồ nào đó, hãy nghĩ xem liệu bạn có thể mượn từ bạn bè của mình không. Bạn cũng có thể nghĩ đến việc trao đổi với họ để đôi bên cùng có được thứ cần thiết, hữu ích hơn với mình.

Cách này thường phát huy hiệu quả với những thứ như quần áo, đồ dùng nhà bếp hoặc bất kỳ thứ gì khác xung quanh nhà. Rất có thể thứ bạn cần là thứ ai đó đã mua nhưng không dùng đến và thứ bạn đang nằm gọn trong kho nhà bạn chính là thứ ai đó đang tìm.

12. Mượn, thuê thay vì mua mới

Nếu bạn không thể mượn từ bạn bè, người thân, hãy xem xét đến việc thuê đồ thay vì phải mua mới. Với những thứ bạn không có nhu cầu sử dụng lâu dài hoặc đơn giản là không chắc mình có dùng lâu dài không (như trang phục đi tiệc, máy hút sữa, đồ chơi trẻ em…), bạn có thể thuê để giảm thiểu chi phí.

13. Cân nhắc ngân sách cho những lúc vui vẻ

Một trong nhưng cách để bạn giữ cho bản thân đi đúng hướng là cân nhắc cho mình một khoản ngân sách vui vẻ. Khi cho phép bản thân một số tiền nhất định, bạn vẫn có thể tận hưởng nhiều điều mà không cảm thấy khó khăn hay tự trách mình.

Bạn có thể sử dụng ngân sách này để đi uống cà phê, đi ăn với bạn bè hoặc bất kỳ hoạt động nào khác nhằm khiến cuộc sống của mình hạnh phúc, ý nghĩa hơn.

14. Nhớ rằng bạn cũng là con người bình thường

Những chỉ trích tệ nhất thường đến từ chính bạn. Hãy tưởng tượng nếu người thân của bạn mắc phải sai lầm trong việc chi tiêu, lãng phí tiền cho những thứ không thực sự cần thiết, bạn sẽ thế nào? Bạn sẽ động viên họ để lần tới không mắc phải sai lầm nữa đúng không? Hãy làm điều tương tự với chính mình, bỏ qua và cố gắng hơn trong lần tới thay vì trách móc bản thân.

Làm điều này trước khi đi chợ, chị em tiết kiệm cả đống tiền lại nhàn tênh
Khi vạch ra kế hoạch ăn uống, bạn có thể quyết định số tiền chi cho ăn uống trong tháng. Bạn cũng sẽ tránh được việc đi mua sắm nhiều lần, bội chi vì...

Bí quyết chi tiêu

Bảo Anh. (Theo Clevergirlfinance)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết chi tiêu